img

Nhiều người “đánh rơi’ liêm sỉ, lựa chọn cán bộ không đúng sẽ làm hỏng cả bộ máy

Hương Lan

“Nhiều cán bộ hiện nay đang “đánh rơi” liêm sỉ, chỉ biết vun vén lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Chính vì thế, công tác cán bộ phải chú trọng khâu quan trọng nhất là đánh giá đúng bản chất của cán bộ, để từ đó bố trí, sắp xếp đúng chỗ”- Đó là nhận định của ông Ngô Văn Sửu – nguyên Vụ trưởng vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khi trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật".

Cán bộ gian dối, liêm sỉ ở đâu?

PV: Vừa qua, tại Hòa Bình, Hải Phòng xảy ra lùm xùm xung quanh việc người nhà cán bộ “ngồi nhầm” danh sách hộ cận nghèo để nhận tiền hỗ trợ covid-19, ông nghĩ sao về thực trạng này?

Ông Ngô Văn Sửu: Từ nhiều năm nay, những câu chuyện cán bộ đưa người thân không đúng với đối tượng, danh sách hộ nghèo để trục lợi chính sách hoặc các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, cây, con giống không phải là hộ nghèo hoặc sai phạm trong sử dụng vốn, thất thoát, lãng phí... diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương. Từ những câu chuyện “bò dê đi lạc vào nhà Chủ tịch xã” hay chuyện chi trả tiền hỗ trợ covid-19 sai người, sai đối tượng cho thấy nhiều cán bộ đã “đánh rơi” liêm sỉ, ăn của dân dân không từ thứ gì, ở lĩnh vực nào cũng bị trục lợi.

PV: Vì sao có rất nhiều trường hợp sai phạm đã bị “chỉ mặt, đặt tên” nhưng không ít địa phương vẫn “đi theo vết xe đổ”, thưa ông?

Ông Ngô Văn Sửu: Nhìn từ những vụ việc chi trả tiền hỗ trợ covid-19 ở Hòa Bình, Thanh Hóa vừa qua, theo quan điểm của tôi, đó là sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ cơ sở và cần xử lý nghiêm, cần thiết buộc thôi việc những người lợi dụng chính sách, đưa người nhà, người thân “ngồi nhầm” vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo.

img

Dư luận xã hội, báo chí phản ánh nhiều về các hành vi trục lợi chính sách, sai đối tượng, sai phạm trong sử dụng vốn, thất thoát, lãng phí, tham nhũng nhưng kết quả phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật còn rất hạn chế. Theo tôi, công tác thanh tra, kiểm tra đang bị buông lỏng, chưa làm đến nơi đến chốn.

Qua theo dõi báo chí, tôi rất đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khi nói về việc phân bổ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Bộ trưởng bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh: “Đừng để ai bị xử lý về Đảng, về chính quyền và chịu các hình thức kỷ luật khác. Động đến tiền hỗ trợ dân gặp khó không ngủ được đâu và nếu có thì đây sẽ là nỗi nhục suốt đời của cán bộ. Chúng tôi mong có tinh thần tự giác, kiểm tra, giám sát thật kỹ để không xảy ra tình trạng tiêu cực với gói an sinh dành cho người nghèo”.

Người xưa chia đức thành tám loại là: Hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Trong đó, “liêm” và “sỉ” là 2 đức hạnh được xem là cao thượng nhất của con người. Bởi người không có liêm thấy thứ gì cũng lấy, người không có sỉ thì việc gì cũng dám làm. Cán bộ “liêm” sẽ không tham nhũng. Cán bộ “sỉ” sẽ không làm càn làm bậy vì hổ thẹn, họ không tham lam vật chất, gặp khó khăn không bị khuất phục.

Khâu đánh giá cán bộ vô cùng quan trọng

PV: Từ vụ việc trên cho thấy, người cán bộ biết “liêm”, “sỉ” là người luôn biết tự soi mình, biết chiến thắng bản thân, dám đối mặt với sai lầm khuyết để sửa chữa lỗi lầm. Theo ông, công tác lựa chọn cán bộ, yếu tố nào, khâu nào giữ vai trò quyết định?

Ông Ngô Văn Sửu: Công tác cán bộ vô cùng quan trọng, quyết định vận mệnh của đất nước. Chính vì thế khi lựa chọn cán bộ, vấn đề đức - tài của cán bộ phải đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, nhận thức đức - tài của cán bộ cũng phải qua một quá trình chứ không dễ dàng.

img

Đánh giá cán bộ là khâu quyết định. Tiêu chuẩn cán bộ cần phải hết sức cụ thể, đánh giá cả một quá trình. Cán bộ đó nhiệm kỳ trước làm gì, bản chất ra sao, hoàn thành nhiệm vụ thế nào, trình độ năng lực đến đâu, có giàu bất thường, nhiều nhà cửa, đất đai, tài sản hay không… Phải xem xét từng bước, có như vậy mới đánh giá được toàn diện. Tôi lấy dẫn chứng ở đại hội XII, việc bố trí cán bộ vào Trung ương đã có những sai lầm, hậu quả là gần 100 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, thực tiễn đó cho thấy Đảng cần phải có nhìn nhận, xem xét lại để đánh giá thật chuẩn xác.

Công tác cán bộ có nhiều khâu nhưng khâu quan trọng nhất là đánh giá, phải đánh giá sao cho đúng bản chất của cán bộ đó mới là vấn đề khó, để từ đó mới có thể bố trí, sắp xếp đúng chỗ. Lâu nay chúng ta vẫn có những tiêu chuẩn chung nhưng khi đánh giá cụ thể có khi không chuẩn nên mới có sai sót.

img
PV: Ai phải chịu trách nhiệm khi đề bạt, đánh giá cán bộ sai, thưa ông?

Ông Ngô Văn Sửu: Theo tôi, phải có nhiều tầng nấc đánh giá mới chọn được người tài, nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, “đừng nhìn cái mã bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong”, người làm nhân sự cho Đảng “phải có con mắt tinh đời”, “nếu chọn đúng người thì đất nước phát triển, nhân dân được nhờ”.

Đánh giá cán bộ, thường là các vị trong cấp ủy nhưng không phải cán bộ nào cũng có thể đánh giá đúng cán bộ trong phạm vi mình quản lý, do đó chúng ta mới thấy nhiều sai lầm trong quá khứ, đánh giá không chính xác mà đưa lên là hỏng cả bộ máy. Vì vậy, cần phải đánh giá qua nhiều khâu. Cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ nói chung, đặc biệt là khâu đánh giá cán bộ.

Cái tài của cán bộ hiện nay phải rất toàn diện. Đánh giá cái tài của cán bộ là phải toàn diện như vậy, ở trình độ cao ấy mới có quyết sách cho đúng đắn, chứ chỉ nhìn nhận đơn giản, sơ sài thì không đánh giá hết được. “Đừng chỉ nhìn vào bằng cấp, học vị đề đề bạt, bổ nhiệm. Có nhiều người có tấm bằng đẹp nhưng lại không thực học. Khi tôi còn làm ở Ủy ban Kiểm tra, từng có cán bộ ở một đơn vị có bằng Tiến sĩ, Phó tiến sĩ nhưng chưa tốt nghiệp THPT, khi bị tố cáo và cơ quan kiểm tra thì đúng sự thật. Nếu chọn những người không trúng, không đúng, không đủ bản lĩnh thực sự, không đủ tin cậy nhiều khi là tai họa. Đó chính là những kẻ cơ hội, luồn lách, bằng mọi cách để có thể đạt được việc của mình.

PV: Xin cảm ơn ông!

H.L

img