Chia sẻ về ý tưởng chế tạo chiếc xe rác tự đẩy, sinh viên Nguyễn Tiên Tiến (SN 1997, Trưởng nhóm nghiên cứu) nói: “Mỗi lần đi trên đường, tôi thường xuyên bắt gặp những xe rác chất đống, cao ngút, bốc mùi nồng nặc. Nhiều đêm, tôi bất chợt nhìn thấy hình ảnh hai mẹ con người lao công cùng gồng sức đẩy những chiếc xe rác nặng ì ạch, họ phải đeo tới 3 - 4 chiếc khẩu trang. Bất kể thời tiết mưa gió thế nào, vẫn có những người con hiếu thảo, muốn phụ giúp mẹ sau giờ học”.
Chính từ sự đồng cảm đó, chàng sinh viên Nguyễn Tiên Tiến nhen nhóm ý tưởng và cùng nhóm bạn là Dương Anh Minh (SN 1997), Lê Chí Tuyền (SN 2001) và Trịnh Cao Dũng (SN 1995) thực hiện dự án thay thế xe rác đẩy tay bằng xe điện sử dụng tay ga, có công nghệ hỗ trợ định vị lái bằng la bàn.
Với sự hướng dẫn và giúp đỡ của PGS.TS Nguyễn Thế Lương, sau gần một năm thực hiện dự án, nhóm đã chế tạo thành công xe đẩy rác bằng điện. Trưởng nhóm Nguyễn Tiên Tiến cho biết, chiếc xe này chỉ cần vặn tay ga là có thể đi, không phải đẩy như xe rác hiện nay.
Trên xe có hệ thống còi, đèn để cảnh báo nguy hiểm, có hệ thống phanh để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, xe được lập trình để hỗ trợ lái tự động bằng định vị la bàn, trên cung đường rộng và ít phương tiện tham gia giao thông. Mỗi xe tải được 400 kg rác và có thể sử dụng trong vòng 6 - 8 tiếng liên tục.
“Hồi đầu, nhóm chỉ có 3 thành viên. Do không học chuyên sâu về điện nên cả ba đều phải tìm hiểu rất nhiều, trong đó, khó nhất là việc định vị tự động lái cho xe. Rất may, có sự xuất hiện của người em út Lê Chí Tuyền, đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều”, Tiến nhớ lại.
Ngồi kế bên, sinh viên Lê Chí Tuyền cũng hào hứng chia sẻ: “Được vào nhóm là một sự may mắn đối với bản thân tôi, chúng tôi cũng đã gặp nhiều thử thách trong quá trình thực hiện, như làm sao để lắp đặt động cơ trên xe mà không làm giảm tải trọng, kích thước; làm thế nào để xe phù hợp và an toàn với người đi bộ... Đó là những bài toán mà chúng tôi phải giải quyết đầu tiên.
Cũng đã xảy ra những tranh cãi trong việc định vị tự động lái cho xe dựa trên nguyên lý nào, với nhiều ý kiến khác nhau như dùng thiết bị dò đường, camera, định vị GPS... Tôi gợi ý sử dụng la bàn và sau đó đã được cả nhóm đồng tình”.
Với những thành viên trong nhóm, hầu hết thời gian trong ngày là ở phòng thí nghiệm. “Việc hì hụi từ sáng sớm đến tận 3 giờ chiều, bỏ qua bữa trưa hay từ đầu giờ chiều đến 10 giờ đêm mà không ăn tối là bình thường ”, người em út trong nhóm giãi bày.
Tuyền chia sẻ, cả nhóm đã có một phen hú hồn khi sát ngày tham gia cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học tại trường đại học Bách khoa Hà Nội: “Nhóm nghiên cứu nào cũng có những kỷ niệm đáng nhớ, và chúng tôi cũng vậy! Ngay trước ngày thi, chiếc xe bỗng dưng không chạy được nữa. Tôi phát hiện lỗi do một số linh kiện bị hỏng và trao đổi cùng cả nhóm để tìm cách sửa chữa.
Chúng tôi cùng nhau sửa đến tận đêm vẫn chưa xong, đến mức bị bảo vệ phải mời về... Sáng hôm sau, chúng tôi phải đến trường từ sáng sớm để khắc phục lỗi”.
Yêu công nghệ, kỹ thuật và yêu môi trường chính là điểm chung của những sinh viên này. Tôi say mê với những thiết bị công nghệ từ khi còn rất nhỏ, thường tò mò, tháo các loại máy móc ra để chế thành nhiều món đồ khác, chẳng hạn như tháo mô-tơ để làm thuyền, máy bay, hoặc tháo những con chip để làm điều khiển...”, Trưởng nhóm nghiên cứu vui vẻ nhớ lại.
Nhắc đến nguồn cảm hứng chắp cánh đam mê, nam sinh Lê Chí Tuyền cũng được dịp hồi tưởng: “Đam mê của tôi có lẽ được bắt nguồn từ những món đồ chơi của ông ngoại. Ngày bé, ông mua cho tôi rất nhiều đồ chơi, nhưng chỉ một vài ngày sau là món đồ đó đã bị tôi tháo tung ra để tìm hiểu.
Tôi thực sự rất thích nghịch đồ điện. Hồi ấy, bố mẹ còn bảo sau này cho tôi thi vào trường đại học Bách khoa Hà Nội mà nghịch. Vậy mà đúng là tôi may mắn, đỗ vào đấy thật”.
Mỗi thành viên trong nhóm có những cơ duyên khác nhau để cùng tụ họp thành một nhóm nghiên cứu, nhưng sợi dây liên kết mạnh mẽ nhất, có lẽ là nỗi băn khoăn, lo lắng về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay, với mong muốn đem trí tuệ của mình góp phần cải thiện môi trường sống.
Tiến tâm sự: “Những ngày qua, Hà Nội “ngập” trong rác thải do người dân tiếp tục chặn xe vào bãi rác Nam Sơn. Công nhân thu gom rác phải làm việc hết sức vất vả... Hơn nữa, vấn đề thu gom rác hiện nay rất bất cập, người dân chưa có ý thức phân loại rác khiến việc xử lý rác gặp nhiều khó khăn. Vì thế, chúng tôi mong muốn sản phẩm của mình góp phần tăng hiệu suất thu gom rác, dân cư ngày càng đông thì rác ngày nhiều, mà cứ sử dụng xe đẩy rác từ ngày xưa thì không ổn”.
Chàng trai 23 tuổi cũng bắt đầu nhen nhóm những ý tưởng mới để góp phần khắc phục những hậu quả của tình trạng này. “Hiện nay, vấn đề rác thải được xã hội quan tâm rất nhiều, nhưng những phát minh, cải tiến thì chưa nhiều. Tôi tìm hiểu trên mạng xã hội, có một vài ý tưởng sáng chế góp phần cải thiện môi trường của các em học sinh trung học đến sinh viên cũng rất hay. Tuy nhiên, chưa được ứng dụng nhiều và xã hội chưa thực sự quan tâm đến”, anh trăn trở.
Theo Tiến, vấn đề này là do còn nhiều định kiến về rác thải: “Tôi cảm giác, nhiều người ngại làm về vấn đề rác thải... Ban đầu, tôi cũng lo lắng rằng, sau khi làm xong, sẽ có nhiều người trêu đùa là chỉ quan tâm đến rác... Tuy nhiên, sau khi thành công thì rất nhiều bình luận trên mạng xã hội khen ngợi, ủng hộ nhưng cũng có một số ý kiến công kích, tiêu cực.
Chúng tôi “bỏ ngoài tai” những ý kiến tiêu cực đó, nhìn vào chất lượng môi trường hiện nay và nỗi vất vả của những công nhân vệ sinh môi trường ngoài kia để tiếp tục làm”.
Nhìn rác “bủa vây” Hà Nội những ngày qua, các thành viên của nhóm đồng lòng mong mỏi dự án xe thu gom rác điện sử dụng công nghệ hỗ trợ lái định vị bằng la bàn có thể khuyến khích các bạn trẻ có thêm nhiều sáng chế phục vụ môi trường sống nhiều hơn.
URENCO cam kết đầu tư, ứng dụng vào thực tiễn
PGS.TS Nguyễn Thế Lương - Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu động cơ, nhiên liệu và khí thải (viện Cơ khí động lực, trường đại học Bách khoa Hà Nội) - chia sẻ: “Hiện nay, lượng rác thải đang ngày càng tăng, vì vậy, sản phẩm làm tăng hiệu suất thu gom rác, giải quyết vấn đề môi trường này có ý nghĩa thực tiễn cao, giúp nhân viên vệ sinh môi trường bớt đi những “gánh nặng”.
Tính đến thời điểm điểm hiện tại, sản phẩm xe thu gom rác điện sử dụng công nghệ hỗ trợ lái định vị bằng la bàn đã được một số đơn vị quan tâm. Mới đây nhất, ngày 24/7, công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) đã cam kết đầu tư, đưa sản phẩm này ứng dụng vào thực tiễn”.
T.T-Q.T