img

Nhớ lời hẹn ước đoàn tụ, sum họp gia đình ngày Tết

Hà Thị Hằng

“Những lúc đứng giữa cảnh chết chóc hoang tàn đó, con nghĩ nhiều đến hạnh phúc gia đình, nghĩ tới ngày sum họp, nghĩ tới những ngày hoà bình và con nghĩ ước mơ ngày về gặp mặt cậu, mợ và các em con. Con luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để Tết có thể về nhà với gia đình, ngày ấy nhất định sẽ tới,…”, trích bức thư cuối của Liệt sĩ, Anh hùng Hoàng Kim Giao gửi cho gia đình.

Anh hùng phá bom nổ chậm

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp ghé thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Tại đây, ông Phan Trọng Lộc, Giám đốc Khu di tích giới thiệu với chúng tôi về những bức thư và những kỷ vật của Liệt sĩ Hoàng Kim Giao được trưng bày ở không gian trang trọng.

Anh hùng Hoàng Kim Giao đã gửi gắm tình cảm yêu thương vô bờ bến của mình dành cho cha mẹ, vợ và người em gái đang học đại học ở nước ngoài qua những dòng thư tay. Đó là một tài sản tinh thần vô giá, là những lẽ sống về tình yêu, lý tưởng, sự cống hiến cho đất nước,… mà Liệt sĩ Hoàng Kim Giao để lại.

img

Ông Phan Trọng Lộc, Giám đốc Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn chia sẻ với chúng tôi về những bức thư tay của Liệt sĩ Hoàng Kim Giao.

Theo đó, Anh hùng Hoàng Kim Giao là con cả trong gia đình có 8 anh chị em ở quận Đồ Sơn (Hải Phòng). Anh là cán bộ khoa học trẻ có 2 bằng đại học, thông thạo 4 ngoại ngữ, công tác tại Cục Nghiên cứu Kỹ thuật, thuộc Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng). Tháng 9/1968, thay vì đi học tại Liên Xô thì Thiếu uý Hoàng Kim Giao đã xung phong nhận nhiệm vụ Trưởng đoàn công tác vào tuyến lửa Khu 4 để huấn luyện và trực tiếp phá dỡ bom.

Nửa cuối năm 1968, không quân Mỹ đánh phá ác liệt chiến trường Khu 4. Ngày 2/9, Viện Kỹ thuật quân sự cử ngay một đoàn 6 người do Hoàng Kim Giao làm đoàn trưởng vào nghiên cứu, thu thập khí tài và hướng dẫn phá bom từ trường, đảm bảo thông suốt cho các tuyến đi.

img

Những bức thư và kỷ vật của Anh hùng Hoàng Kim Giao được trưng bày ở nơi trang trọng tại khu di tích Quốc gia Truông Bồn.

Tại trọng điểm bến phà Linh Cảm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, Hoàng Kim Giao đã hóa giải quả bom từ trường nằm dưới đáy sông bằng những thiết bị đơn giản, đảm bảo thông suốt cho cung đường sau gần 10 ngày ách tắc khiến hơn 500 chuyến xe phải dừng lại, không thể tiếp tục được hành trình vào Nam.

Ngày 29/12/1968, khi qua địa phận xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, ông được chính quyền và người dân nhờ phá quả bom từ trường tại khu vực khe Diêm, xã Nam Hưng. Sáng 30/12/ 1968, Hoàng Kim Giao giành nhiệm vụ phá bom từ chiến sĩ của mình là Phạm Ngọc Cư vì anh này mới có con nhỏ. Một mình Hoàng Kim Giao ôm bộc phá lên núi, tuy nhiên sau 4 lần nổ, bộc phá quả bom vẫn không suy suyển do nó được cắm sâu vào đất. Khi chiến sĩ lái xa phá từ Lương Văn Tín (quê Thái Bình) đưa bộc phá lên, chỉ cách vị trí của Hoàng Kim Giao và quả bom ít bước chân thì quả bom phát nổ.

img

Xe lội nước MAO trang bị thiết bị phá bom từ trường chuẩn bị lên đường vào khu 4 cùng đoàn của liệt sĩ Hoàng Kim Giao (8.1968). Ảnh: T.L.

Tiếng nổ vừa dứt, khói bụi vẫn mù mịt, mọi người lao lên. Sức công phá của bom đã khiến tất cả hòa tan vào đất... Ngôi mộ chung của hai người lính quả cảm được lập ngay bên cạnh hố bom. Trong quãng đời binh nghiệp ngắn ngủi nhưng vẻ vang, kĩ sư Hoàng Kim Giao trực tiếp phá 32 quả bom nổ chậm và 40 quả bom từ trường, để lại nhiều kết quả nghiên cứu quý báu trong phá bom. Công trình "Nghiên cứu chống phá thủy lôi từ tính và bom từ trường đảm bảo giao thông những năm 1967-1972" của kĩ sư Hoàng Kim Giao và đồng đội sau đó được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật đợt 1, năm 1996.

Bức thư cuối hẹn ngày đoàn tụ

Mới đây, bà Hoàng Thị Liên, em gái Liệt sĩ Hoàng Kim Giao đã quyết định trao toàn bộ những bức thư đang lưu giữ cho Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Những bức thư này được gia đình nâng niu và gìn giữ cẩn thận. Những lá thư đã nhuốm màu thời gian nhưng hầu như không có lá nào bị rách. Nét chữ của anh vẫn còn nguyên vẹn, không bị mờ, nhoè trước tác động của thời gian.

img

Bà Hoàng Thị Liên, em gái Liệt sĩ Hoàng Kim Giao đã trao toàn bộ những bức thư đang lưu giữ cho Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn.

Anh hùng Hoàng Kim Giao có một mối tình đẹp với cô hàng xóm Nguyễn Thị Lan. Tình yêu của cặp đôi ấy được đơm hoa bằng một đám cưới giản dị nhưng chứa chan hạnh phúc. Chiến tranh ác liệt, họ phải sống xa nhau, hy sinh hạnh phúc riêng tư để mơ về sum họp trong ngày chiến thắng. Những cánh thư đã nối dài tình yêu của họ, hòa trong tình yêu đất nước.

Bức thư đề ngày 10/11/1968 được xem là lá thư cuối cùng Thiếu úy Hoàng Kim Giao viết trước khi hy sinh, gửi bố mẹ ở quê nhà. Anh cho biết, đang ở Khu 4 - nơi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đang diễn ra hết sức ác liệt. Bên cạnh những giây phút đối mặt với lằn ranh sinh – tử, phút thảnh thơi, anh luôn hướng về gia đình và mong đến ngày đoàn tụ, hứa sẽ bù đắp lại cho người vợ mới cưới... Đặc biệt, trong lá thư cuối cùng viết cho cha mẹ trước lúc hy sinh, hiện thực về cuộc chiến tranh ác liệt đã được anh tái hiện qua những dòng kể xúc động đến ứa nước mắt.

img

Ông Phan Trọng Lộc, Giám đốc Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn dâng hương ở mộ Liệt sĩ Hoàng Kim Giao.

“Có đồng chí vừa thăm con, nửa tiếng sau đã bị hy sinh. Có lúc con đã phải động viên sự hy sinh của từng người. Những lúc đó, như mọi người, con cũng nghĩ tới chuyện sống chết. Con nghĩ, nếu con hy sinh thì trước mắt sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, không đầy đủ trách nhiệm với các đồng chí cùng đi. Cậu, mợ và các em con sẽ thương nhớ con nhiều. Sức khỏe của cậu, mợ cũng mau bị giảm sút. Tuy vậy, không phải lúc nào con cũng được cân nhắc tới chuyện sống chết. Bởi con nghĩ rằng cần phải sống nhưng không thể từ bỏ hay trốn tránh những hy sinh cần thiết! Và lúc đó, con lại vững vàng tự tin đứng giữa bãi bom...

img

Liệt sỹ Hoàng Kim Giao (Ảnh tư liệu)

Cậu, mợ và các em có biết con sẽ thế nào không, nếu quả bom nổ? Những lúc đứng giữa cảnh chết chóc hoang tàn đó, con nghĩ nhiều đến hạnh phúc gia đình, nghĩ tới ngày sum họp, nghĩ tới những ngày hòa bình và con nghĩ ước mơ ngày về gặp mặt cậu, mợ và các em con. Con luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để Tết có thể về nhà với gia đình, ngày ấy nhất định sẽ tới… Cậu, mợ bảo nhà con rằng con không viết được thư nhưng chưa lúc nào con không nghĩ tới... Ở đây tìm được tờ giấy, ngòi mực viết lá thư không dễ chút nào, có khi đổi bằng cả máu xương. Cậu, mợ bảo nhà con khi được nghỉ Tết thì cứ về luôn Hải Phòng, để xe đạp lại gửi cơ quan cho con, khi nào được về con sẽ đạp xe về, đừng ở Hà Nội chờ con”, trích bức thư của liệt sỹ Giao gửi gia đình.
img

Anh Phan Trọng Lộc - Giám đốc Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn (giữa) chụp ảnh cùng người thân Liệt sĩ Hoàng Kim Giao. Ảnh: NVCC

Những lá thư của Anh hùng, Liệt sĩ Hoàng Kim Giao sẽ góp thêm một góc nhìn về sự khốc liệt của “tọa độ lửa” Truông Bồn những năm đánh Mỹ, cũng như ý chí, tinh thần chiến đấu quật cường của các chàng trai, cô gái năm xưa. Qua đó, người dân xứ Nghệ nói riêng, cả nước nói chung sẽ mãi mãi ghi nhớ sự hy sinh anh dũng của Anh hùng, Liệt sĩ Hoàng Kim Giao, người con đất cảng Hải Phòng.

Theo ông Phan Trọng Lộc, Giám đốc Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, khi phần mộ của liệt sĩ được giao cho Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn chăm sóc, đơn vị nhiều lần liên hệ, vận động gia đình trao tặng thư. Ban đầu, gia đình có ý định tặng Bảo tàng Quân đội nhưng cuối cùng quyết định chuyển những lá thư và kỷ vật của liệt sĩ vào Nghệ An, nơi liệt sĩ ngã xuống và đang yên nghỉ. Tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn có một không gian trang trọng trưng bày những hình ảnh, kỷ vật của Anh hùng Hoàng Kim Giao, trong đó có gần 100 bức thư anh gửi cho người thân. “Liệt sĩ Hoàng Kim Giao có thời gian rất ngắn thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường 15A, nhưng thân thể anh, linh hồn anh đã hòa tan trên mảnh đất này. Gian trưng bày này cũng chính là lời hứa đặc biệt của chúng tôi đối với bố mẹ, vợ và những người em của Liệt sĩ Hoàng Kim Giao.

Những lá thư góp phần tô đậm thêm nét hào hùng, oanh liệt cho bức tranh về Truông Bồn thời lửa đạn... Với trách nhiệm của người quản lý, chúng tôi sẽ bảo tồn những kỷ vật của Liệt sỹ Hoàng Kim Giao đến mai sau để giới thiệu cho du khách khi họ tới với Truông Bồn”, ông Lộc chia sẻ.

“Liệt sĩ Hoàng Kim Giao có thời gian rất ngắn thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường 15A, nhưng thân thể anh, linh hồn anh đã hòa tan trên mảnh đất này”.

H.T.H.

img