img

Nhọc nhằn, kiệt sức vì nắng nóng nơi bệnh viện

Thanh Lam - Cẩm Mịch

Giữa cái nắng nóng gay gắt như có thể thiêu đốt vạn vật, bệnh viện lại trở thành nỗi ám ảnh khi những bệnh nhân cùng người thân đang ngày đêm gồng mình chiến đấu với những căn bệnh quái ác.

Nằm “tráo đầu đuôi” trên giường bệnh

Những ngày này, tại Hà Nội, không phải ai cũng có may mắn được ở trong không gian có điều hòa mát lạnh, đặc biệt là những bệnh nhân đang vừa nhọc nhằn chiến đấu với những căn bệnh quái ác, vừa tìm cách tránh nắng nóng trên 40 độ C.

Có mặt tại bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) vào chính Ngọ, PV như cảm nhận rõ hơn sự nóng nực, ngột ngạt mà bệnh nhân và người thân đang phải đối mặt. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi ngay khi bước qua sảnh bệnh viện, là cảnh người thân đưa bệnh nhân đi khám đang nằm la liệt dưới gầm cầu thang, tranh thủ chợp mắt. Ở một góc khác, người nhà bệnh nhân ngồi bệt xuống nền, tranh thủ ăn vội suất cơm hộp vừa mua. Gương mặt ai cũng nhễ nhại mồ hôi.

img

Sau khi xạ trị xong, thay vì về phòng, bà N.T.H. (74 tuổi, Hưng Yên) ngồi trên ghế đá, cố gắng ăn suất cơm hộp vừa mua cùng con dâu. Gương mặt bà H. lã chã mồ hôi, những miếng cơm hộp khô khốc trở nên càng khó nuốt hơn giữa cái nóng oi ả đến nực người.

Khẽ kéo vạt áo lau vội giọt mồ hôi đang lăn dài trên má, bà H. tâm sự: “Tôi phát hiện ung thư cổ tử cung đã gần một năm nay. Kể từ khi phát hiện, tôi được người nhà đưa lên bệnh viện K để khám và điều trị. Cả gần năm nay, tôi vẫn phải xạ trị thường xuyên... Ở tuổi này rồi, hàng ngày phải xạ trị, sức khỏe giảm sút, lại vừa mổ xong khiến hai chân không thể khép lại, nên nằm trên giường bệnh cũng là cả một sự nỗ lực…”.

“Phòng tôi điều trị có 8 giường, mỗi giường là 2 bệnh nhân nằm “tráo đầu đuôi” nhau. Nằm ở phòng cũng có điều hoà, nhưng quả thật quá chật chội nên rất khó chịu… Các con cũng không có điều kiện nên nếu nằm phòng tự nguyện thì chi phí cao quá, không lo được. Tôi tuổi cao sức yếu rồi, có lúc cơn đau ập đến, chỉ biết nằm rên và nén chịu chứ chẳng biết làm thế nào. Nắng nóng như thế này, tôi thương con dâu của mình nhiều hơn vì đi theo mẹ mà phải nằm vạ vật ở hành lang, ghế đá…”, bà H. đưa tay gạt vội giọt nước mắt.

img

Câu chuyện của chúng tôi với bà H. tạm khép lại, khi bắt gặp dáng người nhỏ bé lọt thỏm trên ghế đá ở gần đó của chị T.T.H. (SN 1990, Quảng Bình). Được biết, đây là đợt điều trị thứ tư kể từ chị khi phát hiện bệnh u hạch. Hai tay ôm khư khư túi đồ đạc lỉnh kỉnh để chờ đến lượt vào xạ trị, chị chia sẻ: “Từ năm 2018 đến nay, mỗi lần phải đi viện là chồng tôi lại đưa đi vì một đợt xạ trị kéo dài nhiều tiếng, buộc phải có người thân chăm sóc”.

Thời tiết nắng nóng càng khiến gương mặt xanh xao của chị H. thêm mệt mỏi: “Ở phòng điều trị, không chứng kiến thì không thể tưởng tượng được cảnh hai người nằm một giường chật thế nào đâu, nhưng bệnh tật thì vẫn phải chấp nhận. Có người còn nản lòng, không muốn tiếp tục điều trị”.

Người nhà bệnh nhân cũng kiệt sức

img

Trên hàng ghế dọc hành lang cạnh căng-tin, chúng tôi bắt gặp hai bà cụ cùng những túi hành lý lớn nhỏ với những chai nước lọc vơi dần. Bà Nguyễn Thị Mão (70 tuổi), chia sẻ trong lúc ngồi chờ tin con gái từ trong phòng mổ: “Trời nắng nóng như thế này, chúng tôi cũng có tuổi rồi, nhưng vẫn cố gắng xuống với con cho con đỡ tủi thân. Ngồi đây, nóng quá thì uống nước tự hạ nhiệt…”.

Ròng rã đã nhiều tháng chăm sóc mẹ tại bệnh viện K, chị Trâm (Hưng Yên) chỉ biết thở dài khi những vất vả vẫn bủa vây gia đình: “Trước đây, ở viện chật chội, không thoải mái, hai mẹ con thuê thêm phòng ngoài để ở tạm. Tuy nhiên, cách đây 1 tháng, mẹ phải nhập viện cấp cứu, tôi cũng trả phòng, ban ngày thì vạ vật hành lang, còn đêm đến thì nằm tạm ở ghế đá trong khuôn viên bệnh viện. Trời thì nắng nóng, mẹ cũng mệt hơn. Nhiều lúc nghĩ cũng cực nhưng biết làm thế nào, đi thuê phòng thì tốn kém, gia đình cũng chỉ làm nông nên không dám phung phí”.

Những ngày nắng nóng oi bức, đêm nào chị Trâm cũng trằn trọc mãi: “Người nhà còn mệt lả đi như thế này, chứ đừng nói đến người bệnh. Tôi thật sự mệt mỏi, không biết khi nào bệnh tình mẹ thuyên giảm, rồi cả đợt nắng nóng gay gắt này đến khi nào mới kết thúc”.

Rời bệnh viện lúc 15h, hình ảnh người nhà bệnh nhân nằm lay lắt ngay gầm cầu thang để tránh nóng vẫn còn ám ảnh chúng tôi. Họ chỉ mong những ngày nắng nóng chóng qua để có sức khoẻ mà chăm sóc, động viên người thân kiên cường chiến đấu với bệnh tật.

Các giải pháp “giảm nhiệt” cho người bệnh

ThS.BS Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng công tác xã hội, bệnh viện K cho biết: “Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp đón khoảng hơn 2.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, nhiều người đã đến xếp hàng chờ từ sáng sớm.Để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người bệnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt như hiện nay, bệnh viện K đã triển khai 5 giải pháp để “giảm nhiệt” cho người bệnh, bao gồm: Tiếp đón, hướng dẫn người bệnh từ 5h sáng; bổ sung bàn khám, cửa đón tiếp và mở rộng khu vực lấy máu; cung cấp nước uống miễn phí cho người bệnh; khu vực điều trị bật điều hòa 24/24h; tăng cường nhiều cây xanh đặt ở các khu vực trong khuôn viên bệnh viện làm “dịu” bớt nắng nóng; tăng cường ghế ngồi, quạt mát ở khu vực phòng khám, sảnh chờ; người bệnh điều trị nội trú được phân luồng theo hướng đi riêng”.

T.L-C.M

img