Để tạo ra những hạt muối trắng tinh, diêm dân sẽ múc nước từ kênh đổ vào đất nền.
Xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch là địa phương duy nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình còn duy trì nghề làm muối, tập trung chủ yếu ở 3 thôn: Phú Lộc 1, Phú Lộc 2 và Phú Lộc 3.
Nghề làm muối xuất hiện ở Quảng Phú từ những năm 1960, khởi thủy từ việc chưng nước biển lấy muối phục vụ nhu cầu gia đình, rồi mở rộng thành một làng nghề. Sau giải phóng, có một thời gian làng nghề gần như bị lãng quên, nhưng đến năm 1990, làng muối “sống” lại, phát triển cho tới nay.
Diêm dân sử dụng cào tự chế thu hoạch muối.
Cánh đồng muối Xã Quảng Phú có diện tích khoảng 74ha, với trên 200 hộ dân đang sản xuất, sản lượng mỗi năm ước tính đạt khoảng 5.000 - 7.000 tấn cung ứng ra thị trường.
Để tạo ra những hạt muối trắng tinh, diêm dân sẽ múc nước từ kênh đổ vào đất nền nhằm giúp đất nền đỡ khô, qua đó tăng độ thấm lọc cho nước muối. Sau quá trình bốc hơi dưới ánh nắng mặt trời, muối bắt đầu lên hạt.
Tầm 5 giờ chiều, khi nắng đã bớt gay gắt, diêm dân sẽ sử dụng cào tự chế thu hoạch muối. Sau khi gom muối, bà con tất bật xúc lên xe đẩy rồi vận chuyển đến kho. Số muối sau khi thu hoạch xong sẽ được thương lái đến thu mua và bán ra thị trường. Mọi công đoạn từ khi lấy nước vào, lọc nước, phơi nước, đến khi thu muối thường phải kết thúc trong ngày.
Nghề làm muối khổ cực trăm bề, cái nghề mà diêm dân chỉ cầu cho trời nắng thật to.
Để làm ra được hạt muối, phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Trước hết, phải "chưng cất" nước để có độ mặn trên 15 độ, khi đó hạt muối sẽ trắng, to. Tiếp đó, trông chờ vào nền nhiệt độ; nắng càng gắt, nhiệt độ càng cao thì muối sẽ kết tinh dày hơn.
Nghề làm muối khổ cực trăm bề, cái nghề mà diêm dân chỉ cầu cho trời nắng thật to và sợ những cơn mưa giông thình lình kéo đến. Trên cánh đồng muối hơi nóng bốc lên mặn chát, diêm dân phải trần mình cả ngày dưới nền nhiệt cao, gương mặt ai cũng nám sạm, khắc khổ.
Vất vả là vậy, nhưng thu nhập của diêm dân lại rất bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết và giá cả thị trường. Diêm dân biết bao phen lao đao vì “được mùa mất giá, được giá thì mất mùa.
Bà Trần Thị Luyên, 66 tuổi, trú xã Quảng Phú, đã gắn bó với nghề muối hơn nửa đời người. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng trông bà vẫn nhanh nhẹn, hăng say với nghề.
Nhìn những hạt muối trắng xóa, bà Luyên tâm sự: “Nghề muối có từ rất lâu rồi, thế hệ đi trước cứ thế truyền nghề cho người đi sau. Biết nghề này vất vả nhưng không làm thì biết lấy gì mà ăn. Mỗi ngày gia đình thu hoạch được khoảng 5 – 7 tạ muối. Năm nay giá muối cao tận 20.000 đồng/kg, nhưng không được mùa như các năm trước. Nghề làm muối phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chỉ mong trời luôn nắng để chúng tôi có thể ra đồng thu hoạch, từ đó có tiền trang trải cuộc sống”.
Nghề làm muối vất vả, thu nhập thấp nên đa phần diêm dân xã Quảng Phú đều là người lớn tuổi. Còn những thanh niên trẻ thường sẽ chọn những công việc nhẹ nhàng, thu nhập tốt hơn ở thành thị để cải thiện cuộc sống.
Diêm dân biết bao phen lao đao vì “được mùa mất giá, được giá thì mất mùa.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú thông tin: “Làm muối được xem là nghề truyền thống của người dân địa phương. Mấy năm gần đây, người dân đã bắt đầu ổn định sản xuất, trung bình mỗi năm thu hoạch gần 7.000 tấn muối. Về lâu dài, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tăng thêm thu nhập nhờ nghề muối”.
N.H