Xóm trọ nghèo nằm ở ngõ 127 Phúc Xá (phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) là nơi sinh sống của nhiều người lao động thu nhập thấp. Phải mất khá nhiều thời gian tìm kiếm, PV mới tới được phòng trọ của chị Phạm Thị Trẻ (42 tuổi) bởi nó nằm sâu trong con ngõ nhỏ với đoạn đường đất gồ ghề, ngập nước sau trận mưa lớn mấy ngày trước.
Tiếp chúng tôi trong phòng trọ chưa đầy 20 mét vuông, chị Trẻ kể, hai vợ chồng đều là người Nam Định. Chồng chị đã lên Hà Nội làm được 5 năm, còn chị vốn chỉ ở nhà làm việc tự do. Từ ngày có dịch, công việc cũng thưa thớt dần do những nơi thuê chị không làm ăn được nên phải đóng cửa. Vì vậy, chị quyết định lên thành phố cùng chồng với lý do: “Làm được việc gì hay việc đó, cũng đỡ đần được vài đồng mua rau mua thịt”.
Chị Phạm Thị Trẻ (quê huyện Hải Hậu, Nam Định)
Khi được hỏi về công việc chính, chị Trẻ cười: “Tôi chỉ đi nhặt ve chai thôi, vì ít học nên chẳng có ai thuê”. Hằng ngày, chị đạp xe qua từng con phố, xem có ai bỏ lại vỏ chai nhựa, giấy bìa cứng thì nhặt về. Chị bắt đầu đi từ 5 rưỡi sáng đến nhiều nơi, từ Hoàng Hoa Thám, Lê Duẩn hay Hai Bà Trưng. “Giờ giá ve chai rẻ mạt lắm, không được trả cao như trước nên thu nhập của tôi cũng bấp bênh. Ngày cao điểm thì còn được 100.000 đồng, còn hôm nào không nhặt được cũng chỉ 20.000 - 30.000 đồng”. Vừa nói, chị vừa chỉ ra chiếc xe đạp bên ngoài cửa, cũng là “cần câu cơm” chất đầy những miếng bìa cũ, treo bên cạnh là nhiều loại vỏ chai.
“Dù đi làm nhưng trưa tôi vẫn về nấu cơm cho chồng ăn, ăn bên ngoài vừa tốn kém lại không đảm bảo”, chị Trẻ tâm sự. Vừa dứt lời, anh Nguyễn Văn Chung, chồng chị Trẻ cũng về đến nhà.
Anh Chung hiện đang làm lái xe taxi và cũng là lao động chính trong nhà. Anh bảo nghề này ai cũng nghĩ làm ra tiền nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh, giờ làm và mức lương của anh bị giảm đi nhiều. “Ngoài giờ làm, tôi cũng đi bốc vác thêm ngoài chợ, ai thuê gì thì mình làm nấy”, anh Chung nói thêm.
Chia sẻ thêm với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, anh Chung cho biết phòng trọ anh chị thuê có giá 1,5 triệu đồng/tháng, cùng các chi phí sinh hoạt khác thì một tháng chỉ dư được 2 - 3 triệu đồng. “Từng ấy tiền còn phải nuôi cả ba đứa con, quả thật nhiều khi chúng tôi cũng phải nhịn ăn nhịn tiêu”, anh bộc bạch.
Tiếp lời, chị kể, anh chị có 3 người con, con cả đã 20 tuổi nhưng bị khuyết tật não bẩm sinh nên chỉ học hết tiểu học rồi nghỉ ngang. “Chúng tôi chạy chữa nhiều nơi, sau vài năm thì bệnh tình của cháu cũng đỡ. Dù không được nhanh nhẹn như người bình thường, nhưng việc nhà cửa hay cơm nước cháu đều lo được”, giọng chị buồn bã.
Cũng có hoàn cảnh tương tự, anh Hoàng Văn Tình (quê ở huyện Kiến Xương, Thái Bình) cho biết, bản thân đã lăn lộn ở đất Hà Nội được gần 10 năm. Anh kể: “Trước kia tôi làm nấu ăn tại một nhà hàng, nhưng vì dịch nên nhà hàng phải đóng cửa”. Quãng thời gian đó tuy vất vả nhưng anh vẫn có đồng ra đồng vào để gửi về quê cho vợ và hai con. Giờ mất việc, chẳng đâu nhận nữa nên anh làm lái xe Grab kiếm sống qua ngày. “Ngày nào tôi cũng đi từ 6 giờ sáng đến khuya mới về nhưng chẳng kiếm được bao nhiêu. Như hôm nay còn không đủ 100.000 đồng”, anh Tình nói. Anh cũng cho biết, vì dịch bệnh quay lại nên mọi người hạn chế ra ngoài, kéo theo thu nhập của anh bị giảm xuống.
Phòng trọ của anh Tình chỉ là một gian nhà tạm, tối tăm và ẩm thấp.
Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát cho đến nay, cũng là từng ấy thời gian anh Tình không thể gửi tiền về cho gia đình. Anh nói: “Tôi ở đây đóng tiền nhà 1, 2 triệu đồng/tháng cùng các khoản chi phí khác, tiết kiệm lắm vẫn không để ra được bao nhiêu”.
Dù cái nghèo vẫn còn bủa vây nhưng vợ chồng chị Trẻ - anh Chung vẫn rất lạc quan: “Tình hình dịch bệnh là vấn đề chung rồi, chúng tôi cũng chỉ biết đi làm cố gắng kiếm được tiền trong khả năng của mình thôi”.
Chia sẻ thêm, chị Trẻ cho biết, các con là nguồn động lực giúp hai vợ chồng phấn đấu vì các cháu vừa ngoan lại học giỏi. “Phải đi làm xa con là điều chẳng ai muốn, nhưng tôi vẫn cố gắng để các con được học hành đầy đủ. Thi thoảng gọi điện về, tôi vẫn động viên hai cháu còn lại, cố gắng học hành để không nghèo như bố mẹ”, chị Trẻ nghẹn giọng.
Giống như chị Trẻ và anh Chung, khi được hỏi có nhớ nhà không, anh Tình chẳng giấu giiếm: “Tôi cũng nhớ nhà vì đã hơn nửa năm nay không về. Một tháng giãn cách xã hội vừa rồi tôi chỉ ở lại Hà Nội chứ không về vì lo cho an toàn của cả gia đình”. Anh cho biết, dù mình còn nghèo nhưng bản thân mạnh khỏe, có thể lao động và tạo ra thu nhập đã là may mắn hơn nhiều người. “Tôi quan niệm, còn người thì còn của. Bởi vì đây là khó khăn chung rồi, ở xóm trọ này mọi người ai cũng có hoàn cảnh riêng, nhưng mà tôi tin là cứ lạc quan sống vui vẻ thì chuyện gì cũng vượt qua được”, anh Tình cười.
Những phòng trọ dành cho người lao động thu nhập thấp tại đây đều trong tình trạng cũ và xuống cấp.
Khi được hỏi có dự tính gì cho tương lai, dường như cả ba người đều có một mong muốn vô cùng đơn giản nhưng lại thật… xa xỉ ở thời điểm hiện tại, đó là được trở về quê. “Chẳng nơi đâu tốt bằng nhà mình. Vài năm nữa tôi dự định về quê, kiếm một công việc tự do nhưng được gần vợ, gần con còn hơn là phải lang bạt nơi xứ người”, anh Tình bộc bạch. Hay anh Chung và chị Trẻ cũng nói về mong muốn được về nhà để ở gần các con, để chăm sóc người con cả khuyết tật và để hai người con còn lại yên tâm học hành.
Không chỉ anh Chung, chị Trẻ hay anh Tình mà những người lao động tại xóm trọ nghèo Phúc Xá này vẫn đang từng ngày chạy theo gánh nặng cơm áo gạo tiền. Nhưng giữa muôn vàn khốn khó, đâu đó vẫn thấy sự lạc quan, tích cực hiện trên nét mặt, ánh mắt của những mảnh đời đã lam lũ hơn nửa đời người…
“Dù còn nghèo lại thêm dịch bệnh khiến tình hình kinh tế gia đình khó khăn nhưng chỉ cần các con ngoan ngoãn, học giỏi là tôi yên tâm. Khổ cũng được, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, miễn là có nhau” - anh Nguyễn Văn Chung bộc bạch.
L.T