Vậy nguyên nhân căn cốt của căn bệnh này ở đâu? Quản lý nhà nước không lẽ lùi bước trước căn bệnh của xã hội? Về lâu dài thì đâu là giải pháp hữu hiệu để xử lý dứt điểm tình trạng này? Đó là những câu hỏi đặt ra với nhiều phía và phải dưới góc nhìn thực sự trách nhiệm.

Xe dù bến cóc có lẽ là khái niệm đặc hữu ở Việt Nam, chứ thế giới nhất là các nước phát triển hiếm thấy thông tin nào về vấn đề này. Nói một cách đơn giản, xe dù là xe đón trả khách lòng vòng tại các điểm bị cấm, bến cóc là bến không được cấp phép hoạt động theo quy định. Đây là bộ đôi hoạt động gắn liền với nhau và cùng vi phạm pháp luật, chính quyền địa phương, các ngành chức năng có quyền xử lý vi phạm bất cứ lúc nào, ở đâu.

Tại Hà Nội, không khó để chỉ mặt những khu vực ngoài bến xe mà hành khách có thể đón xe một cách dễ dàng. Trước khu vực bến xe Mỹ Đình, ngoài tình trạng xe khách chạy như “rùa bò” để chực chờ đón khách còn thường xuyên xuất hiện những “bến cóc” trên đường Nguyễn Hoàng, đường Phạm Hùng hoạt động tấp nập. Mặc dù có điểm xuất phát từ bến xe Mỹ Đình, nhưng ngay sau khi rời bến, nhiều tài xế của các nhà xe chạy rề rề hoặc tấp vào lề đường để phụ xe chèo kéo, đón khách. Thậm chí, trên tuyến đường Phạm Văn Đồng… hàng loạt xe khách ngang nhiên dừng xe ngay giữa làn đường dành cho ô tô để đón khách, gây cảnh bát nháo, mất trật tự giao thông.

Cũng trên dọc tuyến đường Vành đai 3, trên tuyến đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển (thuộc phường Thanh Xuân Trung và Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, Hà Nội) trong thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng 'bến cóc', phương tiện của 1 số nhà xe dừng đỗ để đón trả khách ngay đoạn rẽ từ đường Nguyễn Trãi vào đường Khuất Duy Tiến hay từ Nguyễn Trãi đi Nguyễn Xiển.

Ngoài ra, khu vực ngã ba Pháp Vân - Trần Thủ Độ, cổng bến xe Nước Ngầm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) và dọc tuyến đường Giải Phóng cũng là nơi thường xuyên diễn ra tình trạng xe khách ngang nhiên dừng đỗ đón, trả khách, bốc xếp hàng hóa. Nhiều hành khách cũng có thói quen đứng tại đây bắt xe, thay vì vào các bến xe ngay gần đó.

Không chỉ chung quanh khu vực bến xe khách, nhiều công viên, trường học, bệnh viện cũng đang bị “xe dù, bến cóc”, xe khách trá hình bủa vây. Các công viên Thống Nhất, Cầu Giấy,… là nơi tập kết xe limousine, bến cóc đón trả khách, gây lộn xộn mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Trên thực tế, những điểm đen về xe dù, bến cóc trên không thể qua mắt được lực lượng chức năng, nhiều đợt ra quân xử lý vi phạm đã được tiến hành, hàng nghìn phương tiện đã bị xử phạt nhưng dường như tình trạng vẫn như “cóc bỏ đĩa”.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, Thiếu tá Lê Văn Đông - cán bộ Đội cảnh sát giao thông số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Tp.Hà Nội), cho biết, đây là vấn nạn của thành phố từ nhiều năm nay. Không chỉ riêng cảnh sát giao thông mà thanh tra giao thông cũng xử lý rất quyết liệt và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu do lợi ích của doanh nghiệp, của cá nhân nên tình trạng vẫn tiếp tục tái diễn. Nói cách khác, họ thấy lợi nhiều hơn hại, thấy hợp lý nhiều hơn hợp pháp. Phạt tiền nặng, không ăn thua. Đóng bến, thu hồi các loại bằng lái, giấy phép cũng ít tác dụng.

“Các nhà xe hoạt động xe dù bến cóc luôn tìm cách đối phó với sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Các nhà xe cử người canh lực lượng chức năng, cảnh sát giao thông, luôn tìm cách đối phó, các nhà xe dừng đón khách rất nhanh. Khi các nhà xe thấy cảnh sát thì không đón, khi vắng bóng cảnh sát là dừng đón khách chớp nhoáng. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý liên tục một số bến bãi, nhà xe sẽ di chuyển đến địa điểm khác gần đó đón, trả khách tạm hoặc đóng cửa, ngừng hoạt động”, Thiếu tá Lê Văn Đông nhấn mạnh.

Khẳng định tình trạng xe dù, bến cóc đã xảy ra trong một thời gian rất dài và vẫn đang rất nhức nhối, ông Trần Ngọc Hoà - Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, bản thân bến xe cũng rất khó để quản lý, kiểm soát vấn nạn này.

“Những xe đã xác định chạy dù hẳn thì không vào bến, nên chúng tôi không thể quản lý. Còn đối với các xe vẫn ra/vào bến nhưng đón trả khách dọc đường tại các bến cóc thì đó lại ở ngoài không gian bến xe, do đó trách nhiệm xử lý lại là của các lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông.

Về trách nhiệm của mình, chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền, vận động, thậm chí ký cả cam kết với các doanh nghiệp vận tải để yêu cầu chấp hành đúng việc đón trả khách tại 2 đầu bến nhưng cam kết thì vẫn mới dừng ở mức cam kết”, Giám đốc bến xe Mỹ Đình bộc bạch.

Xe dù bến cóc tưởng là vấn đề nhỏ nhưng trên thực tế, hệ lụy lại rất lớn. Đó là phá vỡ quy hoạch vận tải hành khách liên tỉnh, đẩy các tuyến xe chở khách cố định rơi vào cảnh điêu đứng phải dừng hoạt động; ùn tắc giao thông và mất trật tự mỹ quan đô thị ngày càng trầm trọng.

Quan trọng hơn, dẹp nạn “xe dù, bến cóc” là một vấn đề quan trọng để để cải thiện an toàn giao thông và trật tự đô thị. Do vậy việc thiết lập vùng cấm với xe khách liên tỉnh, xe hợp đồng trá hình trong khu vực nội đô đông dân cư như Hà Nội, Tp.HCM đang làm là quy định bắt buộc.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam khẳng định việc hợp đồng vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe đón khách tại nhà và đặt chỗ bán vé cho từng khách hoặc xe đi ghép là "xe dù" theo hình thức vận tải tuyến cố định. Bởi những xe này vẫn đi theo tuyến cố định nhưng lại không vào bến đón trả khách mà đón trả khách theo yêu cầu.

Loại hình này đang phát triển ngày càng cao, càng nhiều, từ một xe, 2 xe rồi 3 xe, từ xe 9 ghế đến xe giường nằm, từ địa bàn một tỉnh đến địa bàn nhiều tỉnh. Tình trạng này đã làm cho quy hoạch luồng tuyến, quy hoạch bến xe bị phá vỡ, gây ra ùn tắc giao thông. Điều này đã xảy ra ở những thành phố lớn như Tp.HCM, Hà Nội và cả Đà Nẵng. Và do cạnh tranh không bình đẳng nên nhiều tuyến cố định đã bị dừng. Nhiều tuyến phải giảm tần suất xe và các doanh nghiệp vận tải đang thua lỗ.

Phân tích thêm về nguyên nhân của tình trạng này, bên cạnh ý thức tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, lái xe, theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, vẫn còn một số nguyên nhân khác cần được phân tích kỹ lưỡng.

“Thứ nhất, phải thừa nhận là việc chúng ta tổ chức và bố trí những bến xe tương đối khó, tương đối xa khu vực mà người dân đang sinh sống. Nhiều địa phương thiếu quy hoạch và tổ chức những điểm đón, trả khách thuận tiện cho phục vụ những xe khách cố định, dẫn đến sự kém hấp dẫn của vận tải. Đó là một bất cập.

Thứ hai, trách nhiệm và sự phối hợp trong thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng có nơi, có lúc còn chưa đúng như mong mỏi, thậm chí có địa phương còn có hiện tượng buông lỏng quản lý, dẫn xe tình trạng này ngày càng lộng hành”, ông Nguyễn Văn Quyền nói đồng thời cho biết trong một số trường hợp không loại trừ khả năng có hiện tượng bảo kê cho xe dù bến cóc hoạt động.

Còn theo chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình, xe dù bến cóc đúng là một chủ đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" mà việc triển khai các biện pháp vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, với những hệ lụy mà nó gây ra thì buộc phải tìm “thuốc đặc trị” cho căn bệnh “mãn tính” này.

“Chúng ta không thể bình thường hóa xe dù bến cóc, rồi coi đó là sự tất yếu của xã hội được. Rõ ràng đây là hiện tượng tiêu cực, đây là hành vi trái pháp luật diễn ra "giữa ban ngày ban mặt" mà chúng ta chưa thể xử lý triệt để được. Không lẽ quản trị nhà nước, quy định pháp luật lại chịu lùi bước trước hiện tượng này. Tôi nghĩ là không. Rất nhiều việc khó hơn như cấm đốt pháo, đội mũ bảo hiểm, hay mới nhất là đo nồng độ cồn đều có thể thực hiện được. Điều quan trọng là tìm được giải pháp phù hợp, căn cơ để giảm dần tiến tới triệt tiêu tình trạng xe dù bến cóc”, TS. Phan Lê Bình nói.

Chuyên gia giao thông này cũng nhấn mạnh, dù có các quy định chung của pháp luật, tuy nhiên, trong thực tế, không có một giải pháp chung áp dụng cho mọi thành phố hay mọi tỉnh, mà mỗi địa phương tùy theo điều kiện giao thông của mình để đưa ra các giải pháp phù hợp.

Chia sẻ về giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng xe dù, bến cóc, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho rằng hệ thống văn bản về vấn đề này tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện thì nhiều nơi chưa được hiệu quả. Do đó, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đồng thời phải thực hiện nghiêm các chế tài xử phạt.

“Dù đã tồn tại từ rất lâu và nhiều lần bị lên án, nhưng hiện tượng xe dù, bến cóc vẫn hoạt động ngang nhiên. Trách nhiệm để dẫn đến tình trạng này thuộc về các lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, bên cạnh đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Do đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa và quy trách nhiệm cụ thể để khi có sự việc xảy ra thì có thể truy trách nhiệm.

Đối với các doanh nghiệp, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm cần xử lý hành chính thật nặng, xử phạt thật cao để họ không dám và không muốn làm nữa, đặc biệt xử lý triệt để và quyết liệt không nương tay”, ĐBQH Phạm Văn Hòa nhấn mạnh và khẳng định đây không phải việc khó khăn đến mức "không xử lý được".

Còn theo TS. Phan Lê Bình, trong việc xử lý tình trạng xe dù, bến cóc cần thiết phải hình thành một cách tiếp cận rộng hơn, trong đó chủ đạo là làm tăng ý thức thực thi pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

“Vấn đề của xử lý xe dù, bến cóc không nằm ở chỗ xử phạt những xe đơn lẻ, tài xế đơn lẻ bởi họ cũng chỉ là người đi làm thuê, mà cần truy ra doanh nghiêp, đơn vị nào sở hữu những xe đó. Những biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần thực hiện trước hết với người chủ doanh nghiệp để thấy được quyền lợi và trách nhiệm, được đảm bảo chất lượng dịch vụ an ninh an toàn trong quá trình sử dụng được cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ khi sử dụng chính thống và thiệt hại có thể xảy ra khi sử dụng xe dù bến cóc”, ông Bình nói.

Bên cạnh đó, phải triển khai các biện pháp đồng thời để các doanh nghiệp vận tải thấy rõ lợi ích và có điều kiện thuận lợi để chấp hành pháp luật, điển hỉnh là việc quy hoạch hệ thống giao thông, bố trí các điểm đỗ, bến xe bảo đảm sự kết nối, thuận tiện, dễ tiếp cận, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, khâu quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch trong các đô thị lớn, vẫn là bài toán không chỉ giải quyết trong một ngày, vì nó liên quan đến quỹ đất, điều kiện đầu tư, nguồn vốn và liên quan cả đến nhiều ngành. Do đó, vấn đề này rất cần sự vào cuộc và tinh thần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương.

Về phương thức quản lý, theo TS. Phan Lê Bình, hiện nay hệ thống phần mềm giám sát hành trình của Bộ GTVT đã được hình thành và đi vào sử dụng, do đó phải được tận dụng và khai thác hiệu quả hơn trong việc khai thác dữ liệu để xử lý xe khách vi phạm. Trong khi quản lý vận tải hành khách vốn rất phức tạp nên không chỉ trông chờ vào lực lượng chức năng (Công an, Thanh tra giao thông) trực tiếp kiểm tra, xử lý vi phạm.

“Bộ GTVT cần sớm thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản lý vận tải hành khách trên cả nước theo hướng tối ưu hóa; phần mềm quản lý phải được xây dựng theo hướng tự động tổng hợp các lỗi vi phạm như: Chạy sai luồng tuyến, chạy quá tốc độ… của đơn vị kinh doanh vận tải, của lái xe và phương tiện để tiến hành phạt nguội. Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý vận tải hành khách không chỉ giúp tăng cường hiệu quả và công bằng của quá trình quản lý, xử phạt mà còn đóng góp quan trọng vào việc duy trì an toàn giảm ùn tắc, lập lại trật tự văn minh đô thị”, ông Bình nói.

Về việc tổ chức giao thông, tại một số điểm nóng về xe dù bến cóc, việc có phương án phân luồng, tổ chức giao thông cũng có thể là một giải pháp có thể cân nhắc. Đơn cử như tại đường Phạm Hùng, Tp.Hà Nội, lực lượng chức năng đã tổ chức điều tiết và phân luồng giao thông, hướng dẫn xe khách sau khi xuất bến đi vào làn giữa và làn trong cùng. Phương án này bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.

Cũng bàn về giải pháp xử lý, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Trưởng khoa Vận tải Kinh tế, Đại học Giao thông vận tải, cho rằng người dân cũng là một chủ thể quan trọng cần tính đến. Đối với người sử dụng cần nhấn mạnh tuyên truyền giải thích để thấy được quyền lợi và trách nhiệm, được đảm bảo chất lượng dịch vụ an ninh an toàn trong quá trình sử dụng được cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ khi sử dụng chính thống và thiệt hại có thể xảy ra khi sử dụng xe dù bến cóc.

Xe dù bến cóc “tiện” nhưng nhiều khi “lợi bất cập hại” đối với người sử dụng liên quan đến chất lượng dịch vụ và an ninh an toàn cho người sử dụng phương tiện.

“Hiện nay xe dù bến cóc có thể tồn tại là do người dân vẫn sử dụng vì một số sự tiện lợi. Nếu tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ hệ lụy của xe dù bến cóc, đồng thời tăng sự thuận tiện và khả năng tiếp cận đối với các phương tiện vận tải chính thống để người dân không sử dụng xe dù, bến cóc nữa thì tức khắc hiện tượng này sẽ được hạn chế”, ông Thái phân tích.

Thực hiện: Mạnh Quốc

Ảnh: Hữu Thắng

Thiết kế: Hoàng Yến

NGUOIDUATIN.VN |