Thưa ông, trước sự lên tiếng của nhiều đơn vị xuất bản về tình trạng sách lậu, phía cơ quan quản lý có đánh giá ra sao?
Hiện nay, vấn đề in sách lậu hết sức phức tạp. Đặc biệt, từ năm 2002 trở lại đây, khi phân cấp quản lý xuất bản cho các địa phương, trong đó có quản lý in, cũng gây ra những bất cập trong việc phát hiện và xử lý các sai phạm.
Cụ thể, đến nay có đến 93,5% các cơ sở in là do các sở địa phương cấp giấy phép và trực tiếp quản lý. Do đó, vai trò của các địa phương đi đầu trong vấn đề quản lý chặt chẽ công tác xuất bản, trong đó có quản lý in lậu là rất quan trọng.
Nhưng thực tế, do hạn chế về nguồn nhân lực, vật lực nên không ít các địa phương rất khó kiểm soát những sai phạm trong việc in lậu.
Nhiều đơn vị làm sách phải hướng dẫn độc giả phân biệt sách thật - sách giả.
Như vậy, vai trò của cơ quan chức năng, cụ thể là cục Xuất bản, In và Phát hành được thể hiện như thế nào?
Trước tình trạng in lậu khá phức tạp với nhiều biến tướng, nhất là các hành vi làm, phát hành sách giả, sách lậu trên mạng, chúng tôi đã và đang triển khai đồng bộ một số giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, để ngăn chặn, xử lý với sách lậu, sách giả, sách vi phạm bản quyền.
Đặc biệt, Cục đã phối hợp các cơ quan an ninh mạng, triển khai các biện pháp nhằm xóa bỏ tình trạng chào bán sách lậu, sách giả trên mạng. Đầu tiên, Cục sẽ cùng các nhà xuất bản trong việc đấu tranh với các trang mạng xuyên quốc gia.
Bởi lẽ, lợi dụng mạng xã hội, nhất là các mạng xã hội xuyên quốc gia, các trang web có tên miền ở nước ngoài, không ít đối tượng chào bán sách lậu, sách giả, sách tăng giá so với giá bìa, thậm chí là sách có nội dung sai trái, độc hại.Vì thế, việc đấu tranh, ngăn chặn chống in lậu cần được coi như nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
Cục chủ động phối hợp các cơ quan quản lý thông tin điện tử, an ninh mạng, công an… để rà soát, triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn các trang web, mạng xã hội chào bán sách lậu, sách giả, vi phạm bản quyền, gỡ bỏ các trang này, không để bày bán sách lậu, sách giả.
Còn đối với các đơn vị làm sách, ông có đề nghị gì để họ tự bảo vệ bản quyền của mình?
Cục Xuất bản, In và Phát hành đã hướng dẫn các nhà xuất bản có những bước đi để tự bảo vệ mình. Trong đó có việc giúp các cơ quan chức năng phân biệt sách giả, sách lậu bằng tem chống giả.
Nếu nhìn bằng mắt thường, rất khó phân biệt được đâu là sách thật, đâu là sách giả. Chỉ khi sờ vào bìa sách mà không thấy tên sách được in nổi, chất liệu giấy kém và thấy không in màu ở trang cuối như sách thật, mới có thể khẳng định đó là sách giả.
Do đó, thực hiện tem chống giả là vô cùng cần thiết. Để giúp các nhà xuất bản, chúng tôi đã làm việc với nhiều đơn vị sản xuất tem chống giả, khuyến khích các đơn vị này cung ứng ra thị trường sản phẩm tem bảo vệ bản quyền với yêu cầu về chất lượng, giá cả hợp lý, thuận lợi sử dụng.
Từ đó giới thiệu đến các nhà xuất bản, đơn vị làm sách, tạo điều kiện cho người làm sách được tự lựa chọn phương tiện bảo vệ bản quyền của mình.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng cục Xuất bản, In và Phát hành.
Theo ông, quy định pháp luật để xử lý vấn đề này đang ở mức độ như thế nào?
Qua nhiều năm thực hiện, Nghị định 159 của Chính phủ ban hành năm 2013 đã không còn phù hợp vì chế tài chưa đủ mạnh. Sau một thời gian dài chuẩn bị, dự thảo sửa đổi, bổ sung đã cơ bản hoàn thành, đang trình Chính phủ.
Tổng quát dự thảo dự kiến gồm 5 chương, 42 điều. Trong đó, chương 3 về xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản có 11 điều với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung về hành vi vi phạm và chế tài cho phù hợp với thực tế. Hy vọng sau khi Nghị định được thông qua, việc xử lý những sai phạm sẽ mạnh tay hơn, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn in và phát hành sách lậu.
H.N