Thời gian qua, liên tục những vụ đuối nước thương tâm xảy ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, cướp đi hàng chục mạng người, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh chỉ trong những ngày ngắn ngủi tháng 5 và còn rất nhiều vụ đuối nước khác trước đó, đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về những nguy hiểm chực chờ đối với lứa tuổi này.
Theo thống kê của bộ Lao động Thương binh & Xã hội, mỗi năm tại Việt Nam, trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước và trở thành một trong những quốc gia hàng đầu, có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước, cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Mỗi khi vụ việc liên quan đến tai nạn đuối nước xảy ra, là một lần nữa để lại sự chua xót, day dứt, ân hận và hai tiếng “giá như” mơ hồ của người lớn.
Chia sẻ trước hàng loạt vụ đuối nước thương tâm xảy ra liên tiếp vừa qua, anh Nguyễn Duy Tình, một phụ huynh tại Lào Cai cho biết: “Nghe thông tin những vụ đuối nước trên báo chí, tôi không khỏi xót xa thay cho gia đình các nạn nhân… Mùa hè đến, thời tiết nóng nực nên học sinh thường rủ nhau đi tắm sông, tắm suối, rất nhiều nguy hiểm ở đó. Nhà tôi ở gần bãi sông Hồng, tôi cũng chủ động cho con học bơi từ khi con vào lớp 1, nhưng dù biết bơi cũng không thể chủ quan, mỗi ngày, tôi đều nhắc nhở các con những kỹ năng an toàn, kiểm soát giờ giấc sinh hoạt trên trường và ở nhà để đảm bảo rằng con không ra sông tắm”.
Chị Lê Thị Mai Anh, một phụ huynh tại Thanh Hóa cũng bày tỏ: “Nhà tôi kinh doanh dịch vụ ngay sát biển, nên việc an toàn trước sóng biển là ưu tiên hàng đầu. Tôi trang bị cho con những kiến thức và kỹ năng sống cần thiết từ rất sớm để con có thể tự bảo vệ bản thân tốt hơn. Đồng thời, tôi cho rằng, việc dạy bơi trong trường học là rất thiết thực và nên được triển khai sớm”.
Trao đổi về vấn đề này, thầy Lê Văn Đạt, giáo viên thể chất trường mầm non Vườn Xanh Nam Đô (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng: “Việc đưa môn bơi vào chương trình giáo dục phổ thông là rất cần thiết và ai cũng nhận thấy lợi ích. Theo tôi, trường học kể cả với bậc mầm non, mẫu giáo, là môi trường tốt nhất để dạy học sinh phòng chống đuối nước. Bởi, hàng năm, học sinh tập trung đến trường trong quãng thời gian rất dài, khoảng 9-10 tháng để được giáo dục, đào tạo theo chương trình bắt buộc, phổ cập của quốc gia.
Và học kỹ năng phòng chống đuối nước không phải là học bơi, nên bất kỳ giáo viên nào cũng có thể đảm nhiệm, giúp các em nhận biết, phát hiện, phòng tránh môi trường sông nước nguy hiểm ở nơi sinh sống và học tập; giúp các em học cách ứng xử, rút kinh nghiệm từ những tai nạn đáng tiếc biết được nhờ báo, đài, tivi, internet...; giúp các em ứng xử hợp lý khi có sự cố sông nước; là giúp các em biết những điều nên làm và không nên làm...”.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ĐBQH Tạ Văn Hạ, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Quốc hội cho biết: “Hàng loạt vụ đuối nước thương tâm xảy ra do nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước ở trẻ nhỏ còn chưa đúng mức. Trẻ em thiếu sự giám sát, chăm sóc của gia đình, ông tác quản lý của gia đình, nhà trường trong và ngoài trường học còn hạn chế.
Công tác dạy bơi trong trường học cũng chưa thực sự được chú trọng. Tỉ lệ trẻ em chưa biết bơi, chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức và kỹ năng để phòng tránh đuối nước cao. Cơ quan quản lý nhà nước chưa làm hết trách nhiệm trong công tác quản lý.
Ngoài ra, do môi trường sống xung quanh trẻ thiếu an toàn, trong khi đó chính quyền các cấp, người dân nhiều địa phương còn chủ quan, thiếu trách nhiệm trong việc tuyên truyền, cảnh báo quan lý những khu vực nguy hiểm. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết, khí hậu ở nước ta cũng diễn biến bất thường.
Luật Trẻ em có 25 điều quy định về quyền trẻ em, một trong những quyền quan trọng đó là quyền chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Không bảo vệ được và để cho trẻ em, học sinh xảy ra đuối nước, trách nhiệm trước hết thuộc về người lớn, thuộc về gia đình.
Cách quản lý giáo dục của gia đình còn lỏng lẻo, cha mẹ chưa thực sự giám sát con trẻ, không răn đe, cảnh báo cho trẻ về những nguy cơ, nguy hiểm ở môi trường nước. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các cấp cũng có trách nhiệm trong việc tuyên tuyền, cảnh báo, quản lý những khu vực nguy hiểm...”.
Theo đó, ĐBQH Tạ Văn Hạ đã đưa ra một số giải pháp: “Gia đình, nhà trường cần tăng cường giám sát và quản lý, định hướng kỹ năng sinh tồn cho trẻ, trong đó, có kỹ năng an toàn trong môi trường nước, trang bị đầy đủ tối đa những kiến thức về bơi lội, kỹ năng xử lý tình huống khi bơi.
Bên cạnh đó cần có sự vào cuộc, trách nhiệm của các ngành, chính quyền các cấp, đặc biệt là sự phối hợp vào cuộc của các tổ chức đoàn thể trong đó vai trò đoàn thanh niên là rất quan trọng. Chính quyền các cấp rà soát, bổ sung các biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn, rào chắn... những khu vực chứa nước nguy hiểm”.
Lời khuyên từ bộ GD&ĐT
Ngày 18/5, bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu các sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cho người học trong việc tuân thủ các quy định về an toàn khi tham gia các hoạt động xã hội trong đời sống; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo, nhân viên trong việc tổ chức hướng dẫn kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước cho người học.
Bên cạnh đó, chỉ đạo giáo viên ở các tiết học cuối trước khi học sinh tan trường, thường xuyên việc nhắc nhở, khuyến cáo người học không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; không tự ý hoặc rủ nhau đi tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng, đặc biệt khoảng thời gian đi trên đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà và thời gian được nghỉ học, nghỉ hè.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương hướng dẫn các em tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh; tổ chức các lớp học bơi, học kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước trong thời gian nghỉ hè…
T.T