img

Những câu chuyện "độc nhất vô nhị" về Chiến tranh Lạnh

Mạnh Kiên

Chiến tranh Lạnh là một giai đoạn kỳ lạ và đặc biệt trong lịch sử. Đó là cuộc đối đầu không tiếng súng giữa Liên Xô và Mỹ trên mặt trận gián điệp, ủy nhiệm và cả thể thao.

img

Thế giới đã không có thời gian nghỉ ngơi sau Thế chiến II tàn khốc. Một cuộc chiến toàn cầu mới đã khởi sự nhanh chóng. Rất may, đó chỉ là một cuộc chiến "lạnh".

Nhưng tại sao những đồng minh cũ - những người ngày hôm qua còn chào đón nhau nồng nhiệt và bắt tay dọc sông Elbe - lại trở thành kẻ thù? Ai là người chịu trách nhiệm cho sự khởi đầu của cuộc xung đột này?

Đó là câu hỏi mà cho đến ngày nay còn ít người tỏ tường.

Trò chơi gián điệp

Chiến tranh Lạnh không phải nói về các trận chiến lớn giữa quân đội Liên Xô và quân đội của Đồng minh phương Tây trên chiến trường. Ở một góc độ nào đó, đây là một cuộc chiến giấu mặt giữa các cơ quan đặc biệt và các sĩ quan tình báo.

Trong suốt nửa sau của thế kỷ 20, hai siêu cường Mỹ và Liên Xô đã chuẩn bị cho nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến “nóng” bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, trước khi nổ súng, điều tối quan trọng là phải chuẩn bị cho các cuộc chiến một cách tốt nhất có thể. Họ phải thu thập được thông tin đầy đủ về tiềm lực quân sự của kẻ thù, chỉ ra điểm yếu, tìm hiểu về những phát triển công nghệ mới nhất của đối phương. Và không ai có thể làm công việc này tốt hơn gián điệp.

Người ta vẫn còn nhắc đến kỹ sư phản bội Liên Xô Adolph Tolkachev, người trong suốt 6 năm đã cung cấp cho Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) thông tin chi tiết đầy đủ về các tên lửa tối mật của đất nước.

Ngày nay, khi đến Bảo tàng Biên giới Trung ương FSB của Nga, du khách sẽ tìm thấy những bức ảnh độc đáo về các thiết bị và vũ khí gián điệp quý hiếm và đặc biệt, được lực lượng phản gián Liên Xô tịch thu với bộ sưu tập phong phú bao gồm súng lục, máy ảnh mini, thiết bị ghi âm, dao, tóc, ria mép giả - tất cả đều thuộc về các đặc vụ CIA.

Thậm chí, Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) – cơ quan tình báo Liên Xô và CIA từng đối đầu với nhau ở ngay thủ đô Moscow, tại một trong những biểu tượng chính của đất nước - Nhà thờ Saint Basil - cách Điện Kremlin hai bước chân.

Sẽ là sai lầm khi cho rằng trong khi CIA và Cục Tình báo mật (Mi6) của Anh xâm nhập vào Liên Xô, KGB sẽ chỉ ngồi yên. Thế giới vẫn còn chưa hết thán phục Kim Philby, người được ca tụng là điệp viên giỏi nhất của Liên Xô ở Anh. Ông đã có 10 năm làm trưởng bộ phận chống phản gián Liên Xô của Anh, nhưng thực tế lại là điệp viên quan trọng nhất của Moscow ở London.

Xung đột nóng trong Chiến tranh Lạnh

img

Năm 1962 là thời điểm Chiến tranh Lạnh cận kề chuyển sang giai đoạn nóng nhất. Việc triển khai bí mật tên lửa hạt nhân và hàng chục nghìn quân nhân Liên Xô tới Cuba vẫn được coi là một trong những hoạt động quân sự ấn tượng nhất trong lịch sử Nga.

Cuộc khủng hoảng được giải quyết nhờ các cuộc đàm phán trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước - Nikita Khrushchev và John F. Kennedy. Trong khi Moscow và Washington đàm phán, hải quân hai bên vẫn theo dõi nhau ở ngoài khơi Cuba. Ít ai biết rằng một tàu ngầm Liên Xô trang bị ngư lôi hạt nhân đã sẵn sàng tấn công người Mỹ.

Liên Xô và Mỹ không dẫn đầu một cuộc chiến tranh công khai, nhưng không có gì ngăn cản họ đối đầu với nhau trong các cuộc chiến tranh ủy nhiệm khu vực. Bên cạnh đó, không có xung đột lớn nào trên thế giới xảy ra vào thời điểm ấy mà không có các siêu cường bí mật gửi binh lính của mình đến đó. Ví dụ đáng chú ý nhất là Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, nơi quân Mỹ và Liên Xô đụng độ nhau ác liệt trên bầu trời.

Một trong những khu vực nguy hiểm nhất, nơi mà người Mỹ và người Liên Xô thường xuyên giao tranh là trên các vùng biển rộng. Các tàu ngầm thường xuyên bám sát nhau, sẵn sàng kết liễu đối thủ, nếu như mục tiêu có nguy cơ tấn công hạt nhân.

“Chiến tranh thể thao”

img

Các trận chiến Xô-Mỹ trên đấu trường khúc côn cầu hoặc bóng rổ đôi khi còn khốc liệt hơn các cuộc đụng độ giữa các phi công trên bầu trời Triều Tiên hoặc biên giới Liên Xô-Iran. Chiến thắng của một quốc gia trong cuộc thi thể thao được coi như thể hiện sự vượt trội của quốc gia đó trước đối thủ của mình trên toàn thế giới.

Trong kỳ Olympic 1972, đội bóng rổ Liên Xô và Mỹ đã chơi một trong những trận chung kết tai tiếng nhất trong lịch sử. Căng thẳng giữa các siêu cường đôi khi lên đến mức tẩy chay cả Thế vận hội. Chính quyền Liên Xô được cho là đã lên kế hoạch từ bỏ Thế vận hội Mùa hè 1984 ở Los Angeles như một sự đáp trả cho việc Mỹ tẩy chay Thế vận hội Mùa hè 1980 ở Moscow.

Đầu năm 1980, Tổng thống Jimmy Carter ra tối hậu thư cho Moscow, yêu cầu rút quân đội Liên Xô khỏi Afghanistan trong vòng một tháng. Không có gì ngạc nhiên khi Điện Kremlin phớt lờ yêu cầu này, và các vận động viên Mỹ, cùng với các đội từ hơn 60 quốc gia khác, đã ở nhà vào mùa hè năm 1980.

Những người gắn kết hòa bình

img

Không phải ai cũng chấp nhận được Chiến tranh Lạnh để lúc nào cũng sống trong nỗi sợ hãi thường trực. Trong khi các chính phủ và các cơ quan tình báo đối đầu nhau, một số người đã cố gắng tìm kiếm hòa bình bằng cách vượt qua “Bức màn sắt”.

Vào cuối những năm 1950, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đưa ra một ý tưởng cách mạng đó là trồng ngô trên cả nước. Nhưng Liên Xô không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, vì vậy Liên Xô đã nhờ người Mỹ giúp đỡ. Và một nông dân đã đồng ý. Hơn nữa, người nông dân này thậm chí còn trở thành bạn bè với nhà lãnh đạo Xô Viết hùng mạnh.

Doanh nhân người Mỹ Armand Hammer là một người độc nhất vô nhị. Bất chấp sự đối kháng giữa Mỹ và Liên Xô, ông đã tiến hành kinh doanh thành công với nhà nước xã hội chủ nghĩa trong nhiều thập kỷ. Thân thiết với giới lãnh đạo Liên Xô đến mức, ông trở thành cầu nối thực sự giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, chính điều này cũng khiến nhiều người cho rằng ông chiếm được vị trí danh giá như vậy là vì ông cũng là một điệp viên tinh quái của Liên Xô.

Năm 1983, một cô bé người Mỹ tên là Samantha Smith đã gửi một lá thư cho nhà lãnh đạo Liên Xô Yuri Andropov với câu hỏi trực tiếp: Liệu ông có định bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân hay không?

Cô được mời đến Liên Xô để thấy rằng “ở Liên Xô, mọi người đều vì hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc”. Vài năm sau chuyến thăm đình đám này, Liên Xô đã cử đại sứ của mình đến Mỹ - cô bé Katya Lycheva – người đã gặp mặt Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và được ca tụng như một sứ giả góp phần kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Năm 1987, vận động viên bơi lội người Mỹ Lynne Cox đã thuyết phục nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev để cô bơi qua eo biển Bering giữa Mỹ và Liên Xô để chứng minh cho cả hai siêu cường quốc thấy rằng con người hai nước thực sự gần gũi như thế nào. Bà không chỉ là người đầu tiên thực hiện được thử thách táo bạo này mà còn thành công trong việc đưa Liên Xô và Mỹ xích lại gần nhau hơn.

M.K

img