img

Những câu chuyện xúc động về Bác Hồ qua lời kể của một người 10 năm làm nhiệm vụ cảnh vệ

Hà Thị Hằng

Đại úy Trần Nguyên Mười vinh dự có 10 năm thực thi nhiệm vụ làm cảnh vệ của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Trong khoảng thời gian ấy, ấn tượng của người lính về Bác Hồ là người giản dị, gần gũi, bao dung và vĩ đại… Những tình cảm và tư tưởng của Người luôn làm ông xúc động mỗi khi nhớ lại.

Món quà đặc biệt từ Người

Mặc dù đã bước sang tuổi 90, mái tóc đã bạc trắng, sức khoẻ yếu nhưng khi nghe chúng tôi hỏi về những câu chuyện về Bác Hồ, ông Trần Nguyên Mười, trú ở xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An lại dâng trào cảm xúc, đôi mắt ánh lên niềm tự hào. Giọng của ông Mười có nhiều lúc nghẹn lại vì xúc động.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, 18 tuổi, chàng trai Trần Nguyên Mười tình nguyện tham gia vào đội hình Thanh niên xung phong Nghệ An. Ông cùng đồng đội mở đường chiến lược từ tỉnh Thanh Hoá đi Hoà Bình.

Nhiệm vụ hoàn thành, cuối năm 1953, Trung đoàn thanh niên xung phong Phúc Thọ chuyển sang an toàn khu (ATK) ở Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Ở đây, ông Mười và đồng đội có nhiệm vụ bảo vệ chốt vào khu, phụ trách vận tải đến bến phà Cóc và đưa đón cán bộ vào, ra ATK.

img

Ông Trần Nguyên Mười xúc động kể những câu chuyện về Bác Hồ.

Trong thời gian nhận nhiệm vụ ở đây, chàng thanh niên Trần Nguyên Mười giữ chức vụ Trung đội trưởng Trung đội Thanh niên xung phong. Khi làm nhiệm vụ ở bến phà Cóc, chàng trai trẻ này lần đầu tiên được gặp Bác Hồ.

“Lần đầu tiên được gặp Người, tôi vui mừng lắm, ký ức ấy không bao giờ có thể quên được. Đó là một đêm cuối năm 1953, Trung đội tôi có nhiệm vụ đưa một chiếc ô tô và ai cũng hiểu trong đó là nhân vật quan trọng. Anh em trong trung đội, ai cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đưa khách qua bến.

Cuối cùng, Trung đội thanh niên xung phong cũng làm tốt công việc đưa xe rời khỏi bến. Lúc này, có một đồng chí trong đoàn, ghé vào tai tôi bảo: “Trên xe là Bác Hồ, đồng chí lại gặp Bác”. Tới gần, Bác hỏi thăm sức khoẻ của các anh em làm việc ở phà. Nghe tôi trả lời, bác nhận ra giọng Nghệ An. Tôi thưa với bác toàn Trung đội là người huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Nghe tôi báo cáo, bác rất vui và gửi cho cả Trung đội một hộp kẹo và một cây thuốc lá. Bác bảo đây là món quà gửi anh em nhân dịp Tết sắp tới. Được gặp và được Bác tặng quà tôi mừng lắm! Khi xe chở Người đi khuất, tôi vội vàng chạy xuống bến phà khoe với anh em trong đội. Ai cũng vui mừng vì nhận được món quà từ Bác Hồ. Có món quà từ Bác ai phấn khởi và động viên nhau cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ”, ông Mười xúc động nhớ lại.

Ký ức đi cùng năm tháng

Sau khi rời ATK về Thủ đô Hà Nội, ông Mười được tổ chức tuyển chọn đi học lớp về ngành Công an. Kết thúc khóa học, ông được phân công về phòng 1, Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ). Tại đây, ông có nhiệm vụ bảo vệ vòng 2 tại Phủ Chủ tịch từ tháng 12/1954.

Vì nhiệm vụ đặc biệt nên lực lượng tham gia bảo vệ Bác được lựa chọn kỹ lưỡng. Mỗi ca gác của lực lượng an ninh công an tại Phủ Chủ tịch chỉ kéo dài 1 tiếng đồng hồ, các ca đổi gác 24/24h. Trong một ngày, mỗi người đảm nhiệm 2 ca gác vào buổi tối và ban ngày.

“Công tác gác ở Phủ Chủ tịch nghiêm ngặt lắm. Ngoài thời gian gác, mọi người còn có nhiệm vụ rèn luyện kỹ năng của người lính bảo vệ, học tập văn hoá và chính trị. Khi tôi lên đường tham gia vào cuộc kháng chiến thì mới học xong lớp 4. Vì vậy, trong thời gian này, tôi vừa phải hoàn thành nhiệm vụ người cảnh vệ, vừa hoàn thành chương trình phổ thông. Qua bao nỗ lực, tôi cũng vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Không những thực hiện tốt các nhiệm vụ, hoàn thành các chương trình học, chúng tôi còn phải tăng gia sản xuất. Bác nói chúng ta tăng gia sản xuất vừa có thêm lương thực, vừa rèn được sức khoẻ”, ông Mười nhớ lại.

img

Bức ảnh lực lượng cảnh vệ được chụp chung với Bác.

Thực hiện nhiệm vụ ở phòng 1 được hơn 2 năm, ông Trần Nguyên Mười được điều động công tác. Theo ông Mười, nhiệm vụ ông làm tiếp theo là bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các nguyên thủ nước ngoài khi đến thăm Việt Nam và các chuyến công tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Làm nhiệm vụ này, chúng tôi phải cẩn thận vì nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Bởi lúc đó lực lượng phản động, chống phá và tay sai của địch có thể trà trộn khắp nơi. Trong khi đó, Bác Hồ lại là người gần gũi với nhân dân. Dù đi đến đâu, Bác cũng muốn gặp trực tiếp người dân để lắng nghe tâm tư của họ…”, ông Mười chia sẻ về những tháng ngày được bảo vệ Bác.

Năm 1965, ông Trần Nguyên Mười được điều động từ Cục Cảnh vệ - Bộ Công an sang đảm nhiệm nhiệm vụ tại Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Trong thời gian từ năm 1965 đến cuối năm 1966, ông có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các Chính ủy Quân khu 4 như: Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Trung tướng Lê Hiến Mai.

img

Trong 30 năm công tác, ông Mười được nhận nhiều Huân, huy chương.

Đến giữa năm 1967, ông Trần Nguyên Mười tháp tùng Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 4 Lê Quang Hòa cùng đoàn đại biểu Quân khu dự Đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đoàn đại biểu anh hùng, chiến sỹ thi đua của Quân khu 4 vinh dự được gặp Bác Hồ, được Bác mời cơm.

"Đó có lẽ là “bữa cơm ngon nhất” trong đời tôi. Hôm đó, tôi và đồng chí lái xe ăn cơm ở ngoài xe thì một đồng chí phục vụ của Bác ra bảo Bác gọi chúng tôi vào ăn cơm cùng. Mâm cơm hôm đó có cá, rau muống, đĩa trứng rán, bát cà muối và bát nước tương. Bác giới thiệu về mâm cơm: "Cá bắt dưới ao, rau muống tự trồng, trứng gà tăng gia, cà muối cũng do anh em trồng trong vườn ở Phủ Chủ tịch, còn tương là đồng bào Nghệ An biếu”. Trong bữa cơm, Bác không quên hỏi thăm về tình hình chiến đấu và cuộc sống của đồng bào Quân khu 4. Bác động viên đồng bào, chiến sỹ tiếp tục thi đua để sớm đánh đuổi giặc Mỹ. Được Bác mời cơm, được Bác gắp thức ăn, được ngồi gần Bác, nói chuyện cùng Bác…, tôi xúc động lắm!", ông Mười nhớ lại.

Đối với ông Mười, 10 năm được làm cảnh vệ bảo vệ Bác Hồ là khoảng thời gian thiêng liêng nhất của cuộc đời. Những kỷ niệm về Người luôn in hằn sâu trong trái tim ông.

Trong hơn 30 năm công tác, dù ở bất cứ cương vị nào, ông Trần Nguyên Mười luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng Huân Chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương chiến công hạng Nhì, Huy chương vì An ninh Tổ quốc. Năm 1984, Đại uý Mười nghỉ hưu. Trở về địa phương, ông tiếp tục nhận được nhiều nhiệm vụ tại các tổ chức chính trị. Năm 2018, ông được tặng Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.

H.H

img