Nhúng chàm rồi, xin thôi chức cũng bằng không

Các cấp có thẩm quyền phải tỉnh táo nhận diện hành động chủ động từ chức kiểu trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng hành vi ngụy tạo.

img
img

Những ngày cuối tháng Sáu, Quảng Ngãi có đến 2 cán bộ đứng đầu là Bí thư và Chủ tịch tỉnh cùng gửi đơn cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin thôi chức – đang chờ được giải quyết.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 44, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận: Hai ông Lê Viết Chữ và Trần Ngọc Căng đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét kỷ luật.

Tại kỳ họp 45, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật ông Lê Viết Chữ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi; thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Trần Ngọc Căng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Ðảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Cùng thời điểm này, nhiều cán bộ tỉnh Quảng Nam xin thôi chức vụ, trong đó có ông Phan Văn Chín, Giám đốc sở Tài chính xin thôi chức sau khi Thanh tra đã chỉ ra vi phạm vụ mua hệ thống xét nghiệm Real-time PCR tự động và đề nghị kiểm điểm trách nhiệm hàng loạt cán bộ, trong đó có ông.

Vào năm 2019, chỉ ít ngày sau khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật vì đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, ông Hồ Văn Năm, khi đó là Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cũng gửi đơn xin thôi làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội vì lý do sức khỏe.

Năm 2018, bà Phan Thị Mỹ Thanh xin thôi nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội vì lý do sức khỏe sau khi bị Ban Bí thư kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng.

Năm 2017, ông Võ Kim Cự cũng xin thôi làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội khóa XIV với lý do tương tự khi đã bị Ban Bí thư cách hết các chức vụ khi đảm nhận vai trò đứng đầu UBND và Tỉnh ủy Hà Tĩnh trong giai đoạn trước đó do liên quan đến sự cố môi trường Formosa…

Thật đáng suy ngẫm khi vẫn còn những cán bộ lãnh đạo chỉ xin thôi chức khi đã có “án” kỷ luật lơ lửng ở trên đầu. Như thế không thể coi là “nhường chỗ” cho thế hệ kế cận được.

Không khó để nhìn vào thẳm sâu trong “thôi chức”, đó có thể là một hình thức mĩ miều của việc chạy tội, chối tội, rũ bỏ trách nhiệm cá nhân.

Giá như, việc “xin thôi chức” ngay từ lúc nhận ra mình tài hèn, đức mỏng, giá như không cố bấu víu lấy cái ghế cho đến khi không thể không rời ra… thì người cán bộ ấy vẫn còn là một công bộc đúng nghĩa.

Thế nhưng thật đáng tiếc, một số trường hợp từ chức không phải tự giác, không bắt nguồn từ động cơ bản thân cảm thấy tài năng, đức độ kém, không làm việc.

Mà ở đây, họ biết mình đứng trước một nguy cơ đe dọa đến chức vụ. Điều này là hiện hữu vì họ đã trót nhúng chàm, đối mặt với việc bị xử lý về mặt chính quyền, thậm chí là đối diện với trách nhiệm pháp lý.

Cho nên, họ nghĩ cách hạ cánh an toàn. Như thế chẳng phải là mẫu mực, cũng chẳng phải tự giác.

Nói cách khác, đây là một sự lựa chọn nhưng không chắc đã an toàn. Bởi hậu quả họ gây ra trước đó vẫn còn. Hậu quả lớn hay nhỏ thì vẫn bị trừng trị bởi pháp luật nghiêm minh.

Xin đừng đánh đồng và khoác lên việc “xin thôi chức” ấy ánh sáng ảo diệu của văn hóa từ chức. Bởi kỳ vọng ở văn hóa từ chức là việc có thể đánh thức được liêm sỉ của người cán bộ, làm sao cho họ thấy rằng mình tài hèn đức mỏng không thể đảm đương được nhiệm vụ thì phải tự giác nhường chức cho người khác bằng con đường từ chức.

Và liêm sỉ đấy phải bắt nguồn từ nhận thức trong sáng, có trí tuệ, biết được thân phận mình chứ không phải là những con người đã đến bước đường cùng, bắt buộc phải lựa chọn.

Để có văn hóa từ chức thì phải có nhận thức đầy đủ. Trong chế độ phong kiến xưa, chỉ những người có học vấn cao, nhận thức được, hiểu được liêm sỉ của quan trường, họ mới từ chức – để lưu danh muôn đời.

Những kẻ tham quyền cố vị, luôn tìm cách tranh quyền đoạt vị bằng mọi giá, mua quan bán tước, luồn cúi, thì không thể có thứ liêm sỉ đó. Trừ khi lưỡi hái pháp luật sắp giáng lên đầu thì họ mới lấy cớ để tự nguyện từ bỏ. Như thế là một cách trốn tránh trách nhiệm, chẳng hay ho gì.

Các cấp có thẩm quyền phải tỉnh táo nhận diện ra hành động chủ động từ chức của họ. Vì đó là một cách trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng hành vi ngụy tạo.

Lợi dụng, ngụy tạo, để mọi người thấy đó là hành động cao đẹp thì sẽ tạo ra những tiền lệ xấu.

Người dân luôn mong cán bộ tha hóa, biến chất như thế chỉ là hi hữu. Muốn vậy thì có lẽ phải có những công cụ sàng lọc cán bộ tốt hơn. Phải rào chắn lại sơ hở trong các quy định.

Trừng trị mạnh tay là tấm gương tày liếp để những kẻ khác lăm le vi phạm sẽ sợ mà chùn tay không dám làm.

Đã tiến cử nhân tài thì phải bảo đảm suốt đời. Xưa, quan coi thi mà để gian lận trong phòng thi là mất đầu như chơi. Thời Lê có người tiến cử sai nhân sự sau này người đó tha hóa thì người tiến cử cũng mất đầu. Vì lừa dối nhân tài với vua là “khi quân phạm thượng”.

Bây giờ, lừa dối nhân dân, lợi dụng chức quyền là có tội với đất nước.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

img