Những con người nghĩa hiệp bước ra từ đám cháy

Họ là những người dân thường, họ có thể phó mặc mọi việc cho chính quyền, họ có thể bảo vệ bản thân khỏi những hiểm nguy khó lường. Nhưng họ đã không làm vậy, họ lựa chọn sát cánh cùng lực lượng chức năng để nhanh chóng dập tắt ngọn lửa ấy.

img
img

Lòng nhân đạo, sự hiệp nghĩa là khi chúng ta chấp nhận hy sinh lợi ích của bản thân để giúp đỡ những người đang gặp họan nạn. Trên TV, trên báo đài, truyền thông vẫn đưa tin về những tấm lòng cao cả dám xả thân vì người khác. Nhưng ở ngoài đời thì sao?

Cách đây không lâu, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một vụ tai nạn giao thông, chiếc xe máy phóng nhanh trong đêm đã không kịp phản ứng khi chiếc xe taxi bẻ lái rẽ trái. Cú va chạm khiến 2 người trên xe máy ngã khỏi phương tiện, văng lên vỉa hè, 1 người nằm bất động người kia lên cơn co giật.

Tài xế taxi xuống xe, đứng nhìn một lúc rồi... lên xe bỏ đi.

Nhìn thấy cảnh ấy, ai trong chúng ta cũng cảm thấy phẫn nộ vì sự thiếu nhân đạo của người lái xe taxi. Nhưng đó chưa phải là điều đáng buồn nhất.

Sau khi chiếc taxi rời đi, nhiều người qua đường phát hiện vụ việc đã tới gần, quan sát, bàn tán. Có tổng cộng có 17 xe máy và 1 ô tô đi qua khu vực xảy ra tai nạn, thấy cảnh nam thanh niên vùng vẫy kêu cứu, còn cô gái nằm bất động trên vỉa hè, nhưng chỉ có một người đi xe máy dừng lại.

Tại sao vậy? Phải chăng do chúng ta sợ? Sợ rằng nửa đêm không muốn chuốc họa vào thân? Không muốn tốn thời gian cho những việc không phải của mình? Sợ rằng nạn nhân sẽ đổ hết tội lỗi lên đầu mình khi đầu óc còn chưa tỉnh táo?...

Tất cả chỉ là lời bao biện thôi. Những lời ấy chẳng ai muốn nghe cả, người bị nạn cũng không cần những lý do “chính đáng” ấy. Họ cần một chút tình người, để có thể vượt qua cơn họa nạn, giữ được sinh mạng quý giá này.

Một người không giúp thì đáng chê trách thật, nhưng chừng ấy người mà không ai đưa bàn tay ra với người gặp nạn thì nó trở thành đáng sợ. Đáng sợ rằng xã hội cạn kiệt tình người đến mức này sao.

Lòng tốt bỗng dưng trở thành một điều gì đó xa xỉ

Câu chuyện chiến sĩ công an chở thí sinh ngủ quên đi thi khi đến tai công chúng trở nên kỳ lạ và giả dối. Chúng ta hoài nghi, tin vào những lời đàm tiếu đồn đoán rằng những cảnh ấy hoàn toàn dàn dựng, chỉ nhằm tô điểm cho những cá nhân, tổ chức nào đó. Chúng ta nhân danh “lẽ phải” để “bài trừ” những hành động “dối gian” ấy. Chúng ta nhiếc mắng, chì chiết những chiến sĩ đã giang tay giúp đỡ cô nữ sinh khó khăn không bỏ lỡ kỳ thi quan trọng.

Khi tai họa giáng xuống rừng cây miền Trung, những người dân nơi đây thay vì trốn chạy đã ở lại đương đầu với ngọn lửa hoang hung tàn.

Một người phụ nữ ở Nghệ An vượt rừng, mang 20 lít nước men theo con đường dốc đứng để tiếp nước uống cho con trai và những người tham gia chữa cháy rừng. Sau khi đưa nước lên cho mọi người, bà lại lao vào dập lửa. Và chỉ trong phút giây bất cẩn bà đã bị ngọn lửa bao vây và nuốt chửng.

Gia đình bà không khỏi đau xót trước sự ra đi đột ngột này. Nhưng khi nước mắt đã khô, khi năm tháng đã đi qua, họ sẽ kể về bà bằng những ký ức đáng tự hào nhất. Rằng giây phút cuối đời, bà đã sống đầy lòng nhân đạo.

Không chỉ người phụ nữ ở Nghệ An, biết bao người đã đi ra từ rừng cây rực cháy với những vết bỏng vết thương trên người.

Họ là những người dân thường, họ có thể phó mặc mọi việc cho chính quyền, họ có thể bảo vệ bản thân khỏi những hiểm nguy khó lường. Nhưng họ đã không làm vậy, họ lựa chọn sát cánh cùng lực lượng chức năng để nhanh chóng dập tắt ngọn lửa ấy.

Rừng không phải của họ nhưng đâu thể bỏ mặc rừng cháy được? Dẫu biết rằng một hai xô nước không thể dập tắt được đám cháy cả trăm hecta nhưng họ vẫn muốn góp chút sức lực của mình.

Bởi vì họ quan tâm, họ quan tâm đến xã hội, quan tâm đến cộng đồng, quan tâm đến thiên nhiên. Bởi vì cuộc sống không chỉ có riêng chúng ta và những lợi ích của bản thân.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img