Khi dịch Covid-19 hoành hành, nhiều gia đình trở nên khó khăn về kinh tế và tảo hôn đã trở thành cứu cánh trong mùa dịch. Song có những đám cưới là mầm của bi kịch.
Thi thể của cô gái Waziran Chhachhar, 25 tuổi, được tìm thấy bên cạnh đường cao tốc ở tỉnh Sindh, phía đông nam Pakistan hồi cuối tháng 6. Waziran bị gia đình nhà chồng ném đá đến chết khi đang mang thai tám tuần. Cô là nạn nhân của “watta satta” – một dạng tảo hôn ở quốc gia Nam Á.
Theo SCMP, “Watta satta” là hình thức hôn nhân ghép đôi giữa các thành viên từ hai hộ gia đình. Thông thường, một cặp anh trai và em gái từ một gia đình sẽ được ghép với một cặp anh trai, em gái tương tự từ một gia đình khác. Nhiều cô gái đã phải ghép đôi từ năm 12 tuổi. Các gia đình tin rằng đây là cách tốt nhất để mang lại hạnh phúc cho người con gái, cũng như đỡ đi các chi phí phát sinh.
Phong tục này phổ biến tại nhiều ngôi làng thuộc tỉnh Sindh, Pakistan. Hình thức “Watta satta” chiếm khoảng 80% trong số 40 cuộc hôn nhân tại ngôi làng của Waziran trong 5 năm qua. Bất chấp sự phản đối của người trong cuộc, hôn nhân cưỡng ép vẫn diễn ra. Tình trạng này vẫn tiếp diễn mà không có giải pháp bởi Pakistan coi “watta satta” là vấn đề cá nhân giữa các gia đình thay vì vấn đề xã hội.
Không may mắn như những người phụ nữ khác, Waziran được gả cho một gia đình bạo lực và không được sống trong tình yêu thương. Cái chết thương tâm của người phụ nữ Pakistan đã gây phẫn nộ trên mạng xã hội những ngày qua, với hashtag #JusticeForWaziran – Công lý cho Warizan đang trở thành từ khóa nóng nhất trên Twitter. Người thân của Warizan kêu gọi những kẻ giết người phải bị trừng trị.
Cũng theo Indian Express, tháng trước, một cô gái 16 tuổi đã cầu cứu các nhà chức trách ở bang Tamil Nadu, miền Nam Ấn Độ khi cha mẹ ép buộc cô kết hôn với một người đàn ông 39 tuổi. Lý do đằng sau quyết định tảo hôn này là cha mẹ cô gái bị mất việc trong lúc dịch Covid-19 hoành hành và người đàn ông nói trên đã đề nghị chi trả toàn bộ chi phí đám cưới, cũng như không yêu cầu của hồi môn tốn kém từ nhà gái.
Rất may, đám cưới bất hạnh nói trên đã được các nhà chức trách can thiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đám cưới “chui” khác đang được nhiều phụ huynh ở Ấn Độ tổ chức cho con cái mình với lý do tương tự. Tảo hôn ở Ấn Độ thậm chí còn phổ biến hơn so với Pakistan khi nhiều vùng ở quốc gia này vẫn còn giữ các hủ tục, bất bình đẳng nam nữ và dân trí thấp.
Tảo hôn là câu chuyện không mới. Nó không quá lan rộng thành thực trạng đáng báo động nhưng lại luôn âm ỉ khó chấm dứt dù các nhà chức trách đã nỗ lực trong nhiều năm qua. Về cơ bản, tảo hôn đã trở thành lối suy nghĩ cố hữu không thể thay đổi ở nhiều gia đình.
Mới đây, một sản phụ 16 tuổi ở Đắk Nông đã gặp biến chứng nguy hiểm tính mạng cả mẹ lẫn con trong quá trình lâm bồn. Bệnh nhân là chị N. (16 tuổi, ngụ huyện Đắk G'long). Sinh con khi tuổi còn quá trẻ lại không thường xuyên siêu âm theo dõi thai kỳ và tiêm phòng, chị N bị sa dây rốn và may mắn được các bác sĩ kịp thời cứu chữa.
Theo thống kê, hiện nay tại huyện Đắk G'long có 99 trường hợp mang thai ở độ tuổi vị thành niên. Đắk G'long là một huyện có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao, trình độ dân trí thấp. Do đó, tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn biến phức tạp. Không chỉ riêng Đắk G'long, tảo hôn và hôn nhân cận huyết là những hủ tục hiện vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số ở nước ta.
Việc kết hôn sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ, sự phát triển bình thường của thai nhi và trẻ sơ sinh. Đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ và tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản.
Ngoài ra, hôn nhân cận huyết còn gây ra những hậu quả nặng nề khiến trẻ em mắc dị tật, chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội. Từ tảo hôn, hệ lụy của bạo lực gia đình cũng gia tăng.
Chính vì vậy, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần có các hoạt động tuyên truyền sâu rộng hơn về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình để phần nào đã cải thiện và nâng cao nhận thức về tảo hôn và vận động loại bỏ những phong tục, tập quán lạc hâu, tiến tới những thói quen, nề nếp văn minh hơn.
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.