Trong quá trình tác nghiệp kỳ thi vào lớp 10 vừa qua tại Hà Nội, chúng tôi bắt gặp một người phụ nữ đứng chờ trước cổng điểm thi trường THPT Chu Văn An, đôi mắt dõi về phía những thí sinh đang hối hả bước đến.
Dưới cái nắng oi ả của Hà Nội trong những ngày diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, người phụ nữ ấy vẫn đều đặn ghé thăm một số điểm thi. Những học sinh nhận ra “người mẹ thứ hai”, liền nở một nụ cười rạng rỡ, nhận một cái ôm, hay cái vuốt má động viên và cả những chiếc kẹo mút ngọt ngào.
Dường như đã trở thành một lẽ tự nhiên, cứ mỗi mùa thi đồng hành cùng học sinh lớp 9, cô Đào Thị Thu Hạnh (SN 1968), giáo viên dạy Ngữ văn trường THCS Trưng Nhị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại tìm đến điểm thi để tiếp thêm năng lượng cho học sinh của mình.
“Tôi đã đến điểm thi từ sớm để đón học sinh và bắt tay các con, chúc các con bình tĩnh, tự tin trước khi thi. Tôi cũng tặng mỗi trò một chiếc kẹo mút để động viên, hy vọng sẽ truyền năng lượng tích cực cho các con”, cô Hạnh bắt đầu chia sẻ, sau khi những học trò do cô chủ nhiệm đã tạm biệt cô để bước vào phòng thi.
Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp “đưa những chuyến đò tri thức”, và gắn bó với ngôi trường THCS Trưng Nhị, cô Đào Thị Thu Hạnh đã có gần 20 năm tiếp sức kỳ thi đặc biệt như vậy. Chính những quan tâm tưởng chừng như rất nhỏ của cô giáo, đã tiếp thêm động lực cho rất nhiều học trò.
“Mỗi gia đình vào mùa thi có thể chỉ có 1-2 con, đưa con đi thi. Còn tôi, có đến 45 người con, đăng ký vào nhiều trường khác nhau, tôi không thể đưa đón các con, chỉ có thể đến gặp và truyền năng lượng tích cực cho các con trước “giờ G”. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn mang lại tiếng cười và cũng không muốn áp lực đến các con rằng, cô đã đến tận điểm thi để động viên thì các con phải làm bài thế này, thế kia... vì vậy, tôi thường chỉ bông đùa với học sinh rằng, cô chỉ tình cờ đi qua đây thôi, các con hãy cười thật thoải mái để bước vào phòng thi nhé!”, cô Hạnh chia sẻ.
“Không chỉ một mình tôi, mà rất nhiều thầy cô tại trường THCS Trưng Nhị cũng muốn động viên học trò trước giờ thi và có những bí quyết riêng. Tôi cũng may mắn được ban phụ huynh đồng hành, ủng hộ nên mới có thể “sát cánh” cùng học sinh của mình ngay sát giờ thi.
Những năm nào tôi không nhận nhiệm vụ coi thi, thì tôi đều muốn dành thời gian cho học trò của mình. Có những học trò đặc biệt, tôi có thể đưa đón hoặc mua xôi cho các con ăn sáng, bởi tôi biết, nhiều bạn khá căng thẳng với chuyện thi cử nên dễ bỏ bữa sáng. Hoặc có những lần, một số học sinh thi ở những điểm trường gần nhà, tôi sẽ đón các con về nhà ăn trưa, nghỉ ngơi để chiều tiếp tục đi thi...”, cô Hạnh bật mí những câu chuyện không chỉ nằm ở những chiếc kẹo mút mang năng lượng ngọt ngào.
Với “người mẹ thứ hai” này, niềm vui lớn nhất sau mỗi kỳ thi, có lẽ là những tin nhắn, những cuộc gọi đầy hào hứng của các con, báo tin “làm bài thi tốt” với một sự tự tin nhất định.
“Mỗi mùa thi lại có những ấn tượng riêng, nhưng cảm xúc thì mùa thi nào cũng là, khi cô đến thì trò vui nên cô cũng vui theo. Năm nay, có một học sinh nam ở điểm thi trường THPT Trần Phú, ngay khi trống báo hiệu kết thúc giờ làm bài thi, nộp bài xong, con nhắn tin ngay cho tôi: “Trời ơi, cô ơi, con làm bài tốt lắm! Ôi, yêu cô lắm!”. Tôi cũng mừng theo và chụp màn hình gửi cho phụ huynh để phụ huynh phấn khởi. Sau đó, tôi nhận được những tin nhắn, những cuộc gọi của các con, chia sẻ rằng bài thi hôm nay con làm rất tốt, con rất hài lòng.
Tự nhận mình là một giáo viên nghiêm khắc khi lên lớp, nhưng cô giáo Ngữ văn này lại có những quan điểm giáo dục rất “trìu mến”: “Tôi tâm niệm, đã là giáo viên thì phải yêu học trò và cư xử với học trò như những đứa con trong gia đình. Với tôi, bất cứ đứa trẻ nào cũng có những góc thiện, tôi luôn nhìn được những góc tốt ấy và đánh giá tích cực, cư xử đúng mực và mang tính nhân văn... Quan điểm của tôi, giáo dục học sinh cũng như nuôi con vậy, trước tiên, đứa trẻ phải khỏe; phải vui; phải biết phân biệt phải - trái, đúng - sai; rồi sau đó mới là học và thi. Tôi đề cao sự tự tin, đề cao sự sáng tạo của học sinh, không đề cao áp lực điểm số hay thành tích...”.
Chính những chăm sóc tỉ mỉ được góp nhặt từ sự tận tâm hằng ngày của cô giáo Hạnh, đã tạo nên những dấu hiệu tươi đẹp, mở cánh cửa vào một môi trường giáo dục mới cho học sinh của cô, giống như những “trái ngọt đầu mùa” thật hấp dẫn.
Thầy Đặng Ngọc Kỳ (Phó Hiệu trưởng trường THCS Trưng Nhị) cho biết: “Cô Đào Thị Thu Hạnh đã gắn bó với trường THCS Trưng Nhị từ năm 1989, là một giáo viên dạy giỏi và cũng rất tâm huyết”.
“Người mẹ thứ hai” tận tâm của nhiều thế hệ
Chị Trần Thanh Hà (quận Hai Bà Trưng, phụ huynh học sinh Trần Tuấn Minh, lớp 9B, trường THCS Trưng Nhị) chia sẻ: “Con trai tôi, khi vừa thi xong xuống đến sân trường, trông thấy cô đứng đón, con chạy ùa lại, ôm chặt cô mà xúc động, khoe: “Cô ơi, hôm nay con làm được bài”. Chính vì những quan tâm của cô mà các con ai cũng yêu cô lắm, ai cũng gọi cô Hạnh là mẹ. Con trai tôi còn bảo, giá mà con không phải lên cấp 3, để con vẫn được học cô Hạnh”.
T.T-Q.T