img

Chuyện những số phận rất khổ ở phố cổ

Người Hà Nội sinh sống tại phố cổ đã quá quen với hình ảnh thân thuộc “ngõ nhỏ, nhà nhỏ”. Hầu hết các con ngõ trên phố cổ nhìn vào đều xập xệ, xuống cấp, những bức tường ẩm mốc, bong tróc, lối đi tối tăm, quanh năm không thấy ánh mặt trời. 

img
img

Ở phố cổ không biết có bao nhiêu căn nhà, bao nhiêu con ngõ cùng chung một cảnh ngõ nhỏ, nhà nhỏ. Những con ngõ trở thành địa đạo ngay trên mặt đất, với những đường cắt ngang xẻ dọc dẫn lên những căn nhà chồng, xếp lên nhau. Người dân nơi phố cổ cũng đã quá quen với những con ngõ tối tăm. Ban ngày đi vào những con ngõ nơi phố cổ chẳng khác nào vào hầm tối, phải “chui” vào ngõ một lúc lâu mắt mới quen được với cái tối. Lò dò trong ngõ, thứ để phân biệt hai bên tường là ánh sáng lờ mờ hắt ra từ những khoảng sáng từ ô cửa thông gió hay ở cuối ngõ có ánh sáng của giếng trời. Hoặc như với những người không quen với ngõ cổ Hà Nội thì chắc chắn phải dùng đến đèn pin điện thoại để đi.

Vì nhà hẹp, người đông nên những sinh hoạt thường nhật của người dân phố cổ tràn cả ra lối đi chung. Con ngõ nhỏ - lối đi chung là nơi đã “cõng” một phần không gian sinh hoạt của nhiều gia đình sống trong lòng “địa đạo”. Suốt dọc bờ tường của lối đi được khoét lõm để chứa cái bếp tổ ong, để trở thành nơi đựng cái tủ bát đũa...

Những cảnh đó đối với người dân nơi khác có thể là lạ nhưng với người dân phố cổ nó hết sức bình thường, bởi còn có gia đình sống trong căn nhà 2m2 hay có gia đình 42 năm sống trên nóc nhà vệ sinh tập thể.  Chúng tôi tìm đến con ngõ 63 Thuốc Bắc, nơi có căn nhà 2m2 được xếp vào hạng nhỏ nhất Hà Nội, là nơi sinh sống của ông cụ 70 tuổi cùng người con trai suốt 25 năm qua.

img

Tới con ngõ nhỏ 63 Thuốc Bắc, sâu bên trong ngõ là căn nhà của ông Chu Văn Cao (SN 1947). Ông Cao đùa vui cho rằng: “Căn nhà của tôi nhỏ không có địch thủ ở Hà Nội này bởi diện tích chỉ vỏn vẹn 2m2. Nhẽ ra, căn nhà phải được xếp kỷ lục Guinness”.

img

Chiều dài của căn nhà nơi ông Cao sống chỉ khoảng 2m, rộng 1m và cao chưa đầy 1,4m. Nói là căn nhà cho sang, chứ thực tế chẳng khác gì cái hầm trong một địa đạo nổi trên mặt đất. Thế nhưng, hai cha con ông Cao đã sống ở căn gác xép này 25 năm. Căn phòng nhỏ hẹp, bí bách của ông cụ 70 tuổi này quanh năm không có ánh sáng, không có gió, không có nước. Dù là ở ngoài đang là ban trưa nhưng bước vào con ngõ 63 Thuốc Bắc tối om như ban đêm. Những ngày nắng nóng, căn phòng như cái lò thiêu. Vậy mà ông Cao vẫn lạc quan nói rằng: “Người khác thì thấy như vậy là khổ lắm nhưng với tôi, tôi không thấy nóng. Chắc do tôi đã quen rồi”.

Trong căn nhà chỉ có vài đồ đạc đơn giản: 1 chiếc quạt, 1 chiếc đèn, vài bộ quần áo được treo gấp theo cách riêng của ông. Ông gần như rất hiếm khi mua quần áo mới. Không phải vì không có tiền mua mà bởi có mua cũng không có chỗ để.

img

Suốt 25 năm, hai cha con ông Cao cố gắng khắc phục bằng một tinh thần lạc quan. Ông kể: “Nắng thì nóng như cái lò, mưa thì ẩm ướt, ngột ngạt lắm. Tôi cứ ngồi vỉa hè cả ngày, tối đến thì mò về nhà ngủ. Cuộc sống của tôi 25 năm nay như thế này rồi, tôi chấp nhận nó nên cảm thấy bình thường”.

Nói về cậu con trai 28 tuổi, khuôn mặt ông Cao thoáng chút buồn bã: “Vì gia cảnh như vậy, con trai tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện lập gia đình. Không được ăn học đàng hoàng nên nó chỉ làm được những công việc lao động phổ thông nay đây mai đó. Nhiều lúc tôi buồn lắm, sinh con ra mà không cho nó được cuộc sống cơ bản như bao bạn bè. Nhưng cũng thật may, từ nhỏ con trai tôi đã nhận thấy gia cảnh nhà mình như vậy, cháu cũng chưa từng trách bố. Hai bố con dựa vào nhau mà sống qua ngày. Những lần đi làm xa thì con trai tôi sẽ ở lại đó, còn nếu làm quanh Hà Nội, tối đến nó về căn phòng đó ngủ”.

img

Hai người đàn ông nằm trong căn phòng 2m2, tính ra mỗi người được 1m2. Đó là còn chưa kể đến đồ đạc xếp xung quanh. Ông Cao chia sẻ: “Mùa hè nóng bức, gần như cả đêm, hai cha con nằm nghiêng cho đỡ nóng lưng”.

Các cụ có câu “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” quả thật là không sai chút nào. Nhà ông Cao sống trong cảnh ngủ thì phải nằm nghiêng, ngồi thì phải khom lưng. Ấy vậy có khi lại hơn cảnh một gia đình trong con ngõ Hàng Bạc 42 năm sống trên nóc nhà vệ sinh tập thể.

img

Con ngõ hẹp 107 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) rộng chỉ đủ một người đi. Tôi vừa len vào được một đoạn thì lập tức phải lùi ra để nhường đường cho một người từ trong ngõ đi ra. Hai ba lần như thế tôi mới vào thăm được căn nhà của ông Nguyễn Phùng Hải ở cuối ngõ.

img

Có lẽ căn nhà này được xếp vào một trong những căn nhà khổ nhất phố cổ. Gọi là nhà nhưng đây thực chất chỉ là những mảnh tôn han gỉ cùng với những tấm bạt chăng dựng trên nóc nhà vệ sinh tập thể mà thành. Dù có diện tích vỏn vẹn 12m2 thế nhưng 42 năm qua, đây chính là nơi tá túc, sinh hoạt của 4 người trong một gia đình.

Gian nhà tối om, ẩm thấp, gạch xây đã cũ mèm, những vệt sơn tường loang lổ. Không gian quá chật hẹp cho 4 con người cùng sinh sống nên nhìn đâu cũng thấy đầy đồ đạc từ nồi xoong, bát đĩa cho đến quần áo, quạt điện… Bên ngoài nhà được quây bằng tôn mỏng, nên những ngày hè nóng bức không gian sống của gia đình ông Hải càng trở nên ngột ngạt.

Chia sẻ “cơ duyên” sống trên nóc nhà vệ sinh, ông Hải nói: “Trước đây, cả ngõ 107 chỉ có một mình nhà tôi sinh sống gồm 8 anh em. Về sau, khi các anh em lập gia đình, bố mẹ tôi chia nhỏ đất cho mỗi thành viên. Lúc đó, tôi chưa lập gia đình nên ở cùng với các anh chị. Sau lập gia đình, thấy chỉ còn nóc nhà vệ sinh là có thể tận dụng để ở được”.

Căn nhà của ông Hải thu gọn vừa đúng một ánh nhìn. Nó ẩm thấp, gạch xây đã cũ mèm, những vệt sơn tường loang lổ, chẳng có gì giá trị ngoài chiếc ti vi và đầu thu kỹ thuật số mà anh con trai được cơ quan cho.

img

Bà Sâm, vợ ông Hải buồn rầu kể về cảnh lần đầu về sống trong ngôi nhà: “Tôi chán, sốc bởi không nghĩ ở Hà Nội lại có một căn nhà tồi tàn đến mức đó. Phải nói là khổ đến tận cùng của nỗi khổ. Căn nhà còn nhìn thấy thông thống cả trời, rác thải, chuột bọ khắp nơi. Vừa vào nhà vừa phải bịt mũi.

Thậm chí thỉnh thoảng, đang ngủ hai vợ chồng giật mình thức dậy vì tiếng rầm rầm trên nóc nhà. Nhà hàng xóm cao hơn, họ cứ tiện tay vứt chai lọ, rác rưởi xuống”.

img

Căn nhà tối om, ngày cũng như đêm, chỉ có đúng một ô cửa sổ đón ánh sáng vào nhà. Chuột chạy lục sục khắp nhà giữa ban ngày như chốn không người. Ông Hải bảo, người phố cổ mà, phải quen với việc chuột bọ ngang nhiên “hoành hành”.

Để vào được căn nhà phải leo lên một cầu thang bắc chéo ngay gần nhà vệ sinh. 

Mặc dù sống trong sự chật chội, bất tiện nhưng ông Hải vẫn giữ được nét điềm đạm của người Hà Nội. Ngoài thời gian đi làm bơm, vá xe ở đầu ngõ, ông Hải còn sáng tác thơ để vơi đi phần nào sự cơ cực và mệt mỏi trong cuộc sống.

Thường cứ 3h chiều bà Sâm, vợ ông Hải đã cặm cụi nấu ăn cho bữa tối. “Nấu cơm từ giờ này, nhưng đến 7h gia đình tôi mới ăn tối. Giờ này mọi người đi làm, còn có chỗ để nấu nướng, chứ chốc nữa mọi người về, người tắm, người đi vệ sinh… không có chỗ để nấu đâu”, bà Sâm kể. Khoảng sân nhỏ la liệt những chiếc thùng phuy, chum, thùng, chậu dự trữ nước. Ở đây liên tục xảy ra tình trạng mất nước. Nhiều hôm ông bà phải thức đến 1, 2h sáng để hứng nước. Những hôm mất nước không dám rửa mặt, rửa chân tay mà để dành nước để giội nhà vệ sinh.

img

Cũng cảnh sống trên phố cổ, gia đình chú Nguyễn Phú Tùng ở ngõ 35 Hàng Buồm chia sẻ: “Con ngõ này được người dân ví như hầm địa đạo thời xưa. Ngày nắng hay mưa cũng không biết, chỉ biết đến cái tối”. Theo chú Tùng, người dân sinh sống ở đây muôn vàn nỗi khổ. Gia đình nào mà có người qua đời thì người sống khổ sở lo làm ma chay cho người khuất. Những nhà nào có điều kiện hơn một chút sẽ tổ chức ở nhà tang lễ. Những người ở tầng trên phải vòng dây, buộc vào thi thể người chết đưa xác ra ngoài. Thậm chí có những nhà phải đục cả tường mới có thể đưa người đã khuất ra bên ngoài để đến nhà tang lễ.

Chuyện sắm đồ đạc cho gia đình cũng là một vấn đề. Chú Tùng kể: “Cố gắng chắt bóp mua được món đồ thì lại phải nghĩ cách nào đưa đồ vào trong nhà. Như lần tôi mua cái kệ để ti vi phải dỡ các bộ phận ra mới chuyển vào được. Hay những bình tôn đựng nước thì phải nhờ những hộ dân khác ở xung quanh có mái thấp hơn, bê bổng lên đi qua hơn 5, 6 mái nhà mới lắp đặt được”. 

Cả phố cổ này, chắc con ngõ nào cũng mang nỗi nhức nhối về vấn đề vệ sinh chung. Con ngõ 35 Hàng Buồm với 6 hộ dân nhưng chỉ có một nhà vệ sinh dùng chung. Chú Tùng nói vui: “Các gia đình phải họp với nhau để lập ra lịch tắm rửa, sáng ra thì xếp hàng vào làm vệ sinh cá nhân. Ấy thế mà vẫn phải cố gắng khắc phục thôi, chứ biết sao bây giờ”.

img

Cô Nguyễn Thanh Phương (46 tuổi) – vợ chú Tùng chia sẻ: “Căn nhà 16m2 nhà tôi được coi là to đẹp nhất so với những nhà chỉ có 10 - 12m2 thôi. Vì nhà nhỏ, nên nhà tôi không có phân chia các gian phòng, có một cái gác xép nho nhỏ ở phía trên để làm chỗ ngủ, nhưng chỉ đủ cho một người và vẫn chật chội. Phòng khách vừa là nơi học bài của cậu út 13 tuổi, vừa là phòng ngủ cho cả gia đình 5 người”.

Khi được hỏi, điều gì khổ nhất khi sống trong con ngõ nhỏ hẹp nơi phố cổ, cô Phương nói: “Thứ nhất là chuyện mưu sinh kiếm tiền, thứ hai là chuyện vệ sinh chung. Người dân ở đây chủ yếu là dân lao động chân tay, đầu tắt mặt tối ngoài đường mới được đồng ra đồng vào. Ai cũng lo lắng ki cóp từng khoản tiền để cho lũ trẻ con được đi học và cả tiền để trang trải phí sinh hoạt hàng ngày. Mà sống giữa lòng phố cổ Hà Nội, cái gì cũng đắt đỏ hơn và tốn kém hơn rất nhiều.

img

Nói về môi trường sinh sống thì thôi rồi. Nơi này đã xuống cấp trầm trọng, không cải tạo được, vì nó quá nhỏ. Sợ nhất là lúc mưa về, nước cống rãnh dềnh lên chui vào trong ngõ, mùi hôi thối bốc lên càng làm cuộc sống thêm phần ngột ngạt”.

Cô Phương thủ thỉ rằng nếu trên đời này điều ước có thể thành sự thật thì tốt biết mấy: “Nếu bây giờ có một điều ước, tôi chỉ ước người dân ở con phố này tìm được một chỗ ở khác mà vẫn đảm bảo được mưu sinh, có điều kiện sống tốt hơn”.