Nỗi ám ảnh “con ông cháu cha”

Những ngày qua, bên cạnh cơn mưa lời khen dành cho “siêu nhân giữa đời thực” 31 tuổi Nguyễn Ngọc Mạnh với hành động kịp thời cứu nguy cho bé gái 3 tuổi, dư luận cũng không quên đặt nghi vấn trước quan lộ của một tân Phó Giám đốc Sở 31 tuổi.

img

Đó là câu chuyện của bà Trần Huyền Trang (31 tuổi), từ chuyên viên, chỉ trong chưa đầy 5 năm đã được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc sở Kế hoạch & Đầu tư. Điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm chính là bởi, bà Trần Huyền Trang là con gái của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đương nhiệm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Thăng (Thứ trưởng bộ Nội vụ) cũng đã cho biết: Với trường hợp bà Trần Huyền Trang không phải là cá biệt mà là tập thể. Theo báo cáo của sở Nội vụ Vĩnh Phúc, đầu tháng Hai, Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch, dự kiến bổ nhiệm 10-15 người, trong đó có 6 nữ và 8 cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi).

Trên thế giới, việc người trẻ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, thậm chí lãnh đạo cấp cao, đã không còn là quá hiếm, quan trọng là họ có trụ vững được trên đôi chân của chính mình hay không?

Ở Việt Nam, mỗi khi có quyết định điều động, luân chuyển, bổ nhiệm người trẻ, đặc biệt, ở những vị trí quan trọng, dư luận lại “giật mình thon thót” và ngay lập tức tò mò về nguồn gốc gia đình, xuất thân, hay chính xác hơn là “bệ đỡ” - theo sự mong đợi của không ít người. Lần này cũng vậy, khi thấy thông tin về vị Phó Giám đốc trẻ tuổi, bất giác, nhiều người nghĩ ngay đến những hình ảnh “con ông cháu cha” không có thực tài, ngồi ghế vì là “hậu duệ”... Gần đây nhất là vụ cha con ông Lê Phước Thanh (nguyên Bí thư tỉnh Quảng Nam) và con trai là Lê Phước Hoài Bảo được bổ nhiệm làm Giám đốc sở Kế hoạch & Đầu tư khi mới 30 tuổi. Liên quan đến việc này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận là “không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục” và cả hai cha con đều bị đề nghị xử lý trách nhiệm.

Âu đó cũng là điều dễ hiểu, là lẽ thường tình, bởi sự tò mò ấy cũng xuất phát từ sự quan tâm, muốn tìm hiểu để kỳ vọng khi người trẻ tài năng được đặt đúng vị trí, được “cầm cờ” sẽ phát huy hết khả năng, tâm huyết, trí tuệ, sức lực của mình để phục vụ cho sự nghiệp chung, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.

img

Tư duy “con ông cháu cha” trở thành nỗi ám ảnh của không ít người, mỗi khi có một cán bộ trẻ được tín nhiệm giao trọng trách.

Trong thực tế, đã có trường hợp cán bộ trẻ nhất tỉnh, nhất khu vực, nhất nước ở cương vị ấy khi lên làm lãnh đạo đã không đóng góp được gì nhiều, thậm chí đâu đó còn trường hợp vi phạm pháp luật, buộc phải xử lý kỷ luật…

Và sau những lùm xùm, bê bối về “quan lộ thần tốc” của một số “con ông cháu cha” trong những năm qua, dư luận lại một lần nữa băn khoăn, lo ngại về việc lựa chọn, bổ nhiệm người trẻ, là hoàn toàn có lý do. Đã có một số “hạt giống đỏ” bị “chín ép” do được đẩy lên quá thần tốc, quá bất ngờ và bất thường khiến sự nghiệp chính trị có khi dang dở, trở thành nỗi ám ảnh của bất kỳ ai khi nhắc đến chuyện “con quan thì lại làm quan...”.

Đó cũng chính là nguyên do chính khiến mỗi khi có một cán bộ trẻ nào được cất nhắc, bổ nhiệm, nhiều người buột miệng đặt câu hỏi: “Đồng chí này là con của đồng chí nào?”.

Ấy thế nhưng, đâu phải cứ “con quan” thì đều vô đức vô năng, đều dựa thế, dựa hơi? Đâu phải, cứ là nhân tố trẻ thì chỉ có thể thăng tiến thần tốc không trong sáng?

Hiện nay, nguồn cán bộ trẻ được đào tạo ở trong nước cũng như quốc tế rất nhiều, nếu sớm phát hiện thì cần kịp thời bố trí, đưa về cơ sở, từ cấp thấp nhất để cho họ có cơ hội được rèn luyện phát triển đi lên, nếu không sẽ để lãng phí tài năng.

Đảng và Nhà nước đã và đang rất coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, bảo vệ những cán bộ trẻ dám nghĩ, dám làm. Chọn đúng người tài, mạnh dạn giao trọng trách, người nhận nhiệm vụ mới có động lực để nỗ lực, phấn đấu hết mình, cùng tập thể quyết liệt đổi mới, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm cá nhân để gặt hái thành công.

Một số tư duy bảo thủ duy trì quan niệm “khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”, từ đó thiếu tin tưởng và vô tình tước đi những cơ hội với người trẻ. Thế nhưng, dù là cán bộ trẻ, nếu người đó được giao đúng việc, đúng chuyên môn và có tài năng thật sự thì hoàn toàn có thể làm nên chuyện.

Và có lẽ, cũng có nhiều người đang chỉ vì bị những “vệt đen” trong quá khứ kia ám ảnh, mà không muốn đặt niềm tin vào câu nói “tài không đợi tuổi”.

Nếu cứ mãi mang những sai lầm trong quá khứ để áp đặt cho hiện tại và tương lai, chúng ta sẽ dần làm thui chột tài năng, biết đâu chừng, sẽ giết chết những tài năng ngay khi chưa kịp chớm nở.

Khi những người trẻ thực tài, nhiệt tâm được trọng dụng, sẽ tạo ra “luồng gió mới”, kích thích khả năng sáng tạo trong công việc, khai mở tư duy dám nghĩ, vượt qua những khuôn khổ, giới hạn cứng nhắc vô hình… để đổi mới, tạo những bứt phá, trong hoạt động của tập thể, cũng như cá nhân người lãnh đạo.

Trong lịch sử Việt Nam, không thiếu những anh hùng dân tộc dám đứng lên “gánh vác” những trọng trách khi tuổi còn rất trẻ.

Năm 2018, công đồng mạng cũng đã “ồ” lên xôn xao trước câu chuyện của chàng trai Syed Saddiq Abdul Rahman (25 tuổi) khi nhậm chức Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao ở Malaysia, trở thành Bộ trưởng trẻ nhất thế giới.

img

Bộ trưởng 25 tuổi ở Malaysia.

Vị Bộ trưởng này cũng từng chia sẻ tại Việt Nam: “Chính phủ các nước trong khu vực ASEAN cần quan tâm và tạo ra những sân chơi màu mỡ cho người trẻ...”. Đó là tư duy của một lãnh đạo trẻ dành tâm tư cho giới trẻ, cũng là cách chăm chút cho thế hệ tương lai của đất nước.

Niềm tin cho những người tài chính là những viên gạch đầu tiên, đặt nền móng cho tương lai của đất nước.

Tại sao không thử đặt niềm tin?!

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả!

img