img

Nỗi day dứt của bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy trước khi rời Đà Nẵng

Huy Cường

Trước khi lên xe, bác sĩ Linh mong muốn, sẽ quay trở lại TP.Đà Nẵng trong hoàn cảnh khác. Khi đó, mọi người có thể ngồi với nhau mà không cần khẩu trang.

Trải nghiệm duy nhất trong đời

Ngày 31/8, đoàn y, bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy đến TP.Đà Nẵng “chia lửa” trong cuộc chiến Covid-19 đã trở về TP.HCM. Có mặt tại buổi chia tay, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thành uỷ TP.Đà Nẵng chia sẻ, rất trân trọng, ghi nhận, cảm ơn những đóng góp của đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Bạch Mai đã trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng.

img

Đoàn y, bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy tại buổi chia tay.

Vị Phó Bí thư Thành uỷ thay mặt lãnh đạo và toàn thể người dân thành phố, trân trọng ghi nhận, cảm ơn đóng góp quan trọng của đội ngũ y bác sĩ nói chung và bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng. Ông cũng mong đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục quan tâm, trao đổi, giúp đỡ về chuyên môn đối với ngành Y tế TP.Đà Nẵng.

Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Chợ Rẫy, Trưởng đoàn cho biết, hạnh phúc khi đến làm việc tại TP.Đà Nẵng. Gần 1 tháng qua, ông và đoàn y, bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân TP.Đà Nẵng.

“Có lẽ đây là sự kiện xảy ra duy nhất một lần trong đời”, ông nói.

Khi TP.Đà Nẵng bắt đầu bùng phát dịch Covid-19, tình hình nguy cấp, ban Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy lần lượt cử 4 ê kíp ra TP.Đà Nẵng hỗ trợ. Đây là những người tinh nhuệ, từng có nhiều kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở lĩnh vực hồi sức tích cực, ECMO, chống nhiễm khuẩn.

Theo bác sĩ Linh, bệnh nhân 416, là bệnh nhân đầu tiên được xác định mắc Covid-19 trong đợt dịch lần 2 này và là trường hợp rất nặng, có tiên lượng tử vong. Tuy nhiên, bệnh nhân này hiện đã được chữa khỏi.

img

Bác sĩ Linh cùng ông Nguyễn Văn Quảng.

“Bệnh nhân đã có 3 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 dù đây được đánh giá là ca bệnh phức tạp, thậm chí nặng hơn bệnh nhân 91. Đến nay bệnh nhân đã hết Covid-19 theo tiêu chuẩn của bộ Y tế. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị bệnh lý và các biến chứng sau quá trình điều trị lâu tại bệnh viện”, bác sĩ Linh nhớ lại/

Nỗi buồn day dứt

“Có nhiều ca bệnh nặng đã được chữa khỏi và đó là sự gắn kết của tất cả các anh em làm y tế. Từ những chỉ đạo đúng đắn trong phác đồ điều trị và các cuộc hội chẩn trực tuyến của quốc gia thường xuyên, cho đến kinh nghiệm từ y, bác sĩ bệnh viện Bạch Mai hay bệnh viện Đà Nẵng, thấy được sự quyết tâm, chỉ đạo đúng đắn của các cấp, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch.

Đặc biệt, nếu TP.Đà Nẵng không có sự chuẩn bị chu đáo, quyết liệt và bài bản, cùng sự đầu tư về trang thiết bị, vật tư y tế thì dù lực lượng chi viện có hùng hậu đến đâu cũng sẽ gặp phải tình thế vô cùng khó khăn và dịch bệnh cũng không thể được đẩy lùi trong vòng một tháng”, bác sĩ Linh chia sẻ.

Thế nhưng theo bác sĩ Linh, đối với các y bác sĩ, niềm vui ấy vẫn chưa được trọn vẹn, bởi có quá nhiều bệnh nhân Covid-19 tử vong. “Ngày nào vẫn còn bệnh nhân tử vong, ngày đó các bác sĩ vẫn còn đau”, ông tâm sự.
img

Em trai viết thư gửi bệnh nhân 996

Bác sĩ Linh nghẹn ngào: "Hai ngày trước có một bức thư của em trai một bệnh nhân rất trẻ. Chúng tôi không thể mang bức thư gửi bệnh nhân 996 được vì lúc đó bệnh nhân đã hôn mê. Khi em mất rồi thì chúng tôi chỉ có thể ngồi lặng. Mình cảm thấy đau dù biết bản thân em có bệnh nền là máu ác tính, thời gian sống rất ngắn. Bệnh nhân nhiễm Covid-19 làm cho sự ra đi quá nhanh. Đó là nỗi đau, không chỉ của các anh em làm y tế mà còn nhiều anh em khác nữa. Xin thay mặt những người làm y tế, chia buồn sâu sắc đến những gia đình có người thân là bệnh nhân Covid-19 tử vong”. “Chúng tôi mong sao tất cả mọi người đều đồng lòng, đều chung sức, chung một ý thức để làm sao đừng có và không bao giờ có làn sóng dịch thứ ba. Lần này chúng tôi ra đi cùng miền Trung mình chống dịch. Chúng tôi cũng không mong muốn tiếp tục mình di chuyển đến nơi khác để chống dịch nữa. Và chắc có lẽ đó cũng là mong muốn chung của cả nước mình”, ông nói.
img

Giây phút tiễn biệt

Trước khi bước lên xe vào TP.HCM, bác sĩ Linh xúc động: “Tôi mong muốn sớm quay trở lại TP.Đà Nẵng nhưng trong hoàn cảnh khác. Khi đó, mọi người có thể ngồi với nhau mà không phải đeo khẩu trang”.

H.C

img