Khi đang học cấp 3, Thảo nhận được tin sét đánh ba tử nạn sau một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ba mất, mẹ con Thảo sống nương tựa vào nhau. Cũng sau ngày định mệnh đó, gia đình nhà nội tỏ rõ thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh khiến mẹ con Thảo phải dắt díu nhau về ở cùng bà ngoại và cậu ruột.
Để có tiền trang trải cho cuộc sống, mẹ Thảo phải đi bán hàng thuê đến tối muộn mới về nên không có nhiều thời gian quan tâm, chăm lo cho con gái. Đổi lại, cậu ruột của Thảo lại học rất giỏi, hiện đang học lên thạc sĩ nên được mẹ Thảo tin cậy, nhờ cậu dạy Thảo học.
(Ảnh minh họa).
Từ đây, những ngày tháng u ám một lần nữa bủa vây cô bé. Thảo liên tục bị cậu xâm hại mỗi lần “dạy học”. Khi sự việc mới diễn ra, Thảo nói với mọi người nhưng không ai tin vì trong mắt tất cả mọi người thì cậu giống như một tượng đài hoàn hảo, lúc nào cũng hiền lành, đạo mạo. Thậm chí, hắn còn ăn vạ ngược là cháu gái học dốt, sợ học nên bịa đặt vu oan cho cậu vì cậu nghiêm khắc!?.
Kết quả của việc sẻ chia là mọi người bắt Thảo xin lỗi cậu, còn người đàn ông đồi bại kia thì tiếp tục sống với vai diễn "người cậu tốt bụng bị cháu gái vu oan nhưng vẫn rộng lượng bỏ qua, tiếp tục dạy cháu học vì tương lai của gia đình"...
Sau quãng thời gian dài chịu đựng, cô bé đã tuyệt vọng đến mức luôn nghĩ về cái chết, thậm chí còn có suy nghĩ tiêu cực là lúc nào đó sẽ đâm chết cậu rồi tự sát để được giải thoát. Bạn thân của Thảo biết được việc này nên đã chủ động liên hệ với chị Ngọc để xin giúp đỡ.
Sau khi được tư vấn, nhận được sự đồng cảm của chị Ngọc, Thảo phần nào cảm thấy nhẹ nhõm khi có người chia sẻ và cùng em tháo gỡ vướng mắc. Lúc này, cậu của Thảo biết rằng em đã nhờ sự giúp đỡ từ bên ngoài, lo sợ trách nhiệm, “yêu râu xanh” này đã tạm dừng hành vi bỉ ổi của mình và không dám đến gần cô bé. Tuy giúp được Thảo, nhưng tận trong sâu thẳm, chị Ngọc mong muốn Thảo và những cô bé rơi vào hoàn cảnh tương tự, thì hãy mạnh dạn đứng lên tố cáo, đưa những tên “râu xanh” ra trước ánh sáng pháp luật.
Bên cạnh những vụ án xâm hại trực tiếp thì những vụ xâm hại tình dục qua mạng cũng tiềm ẩn nhiều hiểm họa khó lường. Nếu như không ngăn chặn và giải quyết kịp thời rất dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Nổi bật là vụ 1 cô gái bị người yêu cũ tống tiền. Gã đàn ông bỉ ổi này đe dọa nếu nạn nhân không đưa tiền, hắn sẽ đăng các hình ảnh nóng mà hắn đã chụp và quay trong thời gian hai người yêu nhau lên mạng. Do số tiền quá lớn, cô gái từ chối. Tên này đăng một số ảnh và clip lên mạng rồi gửi cho các bạn chung và nơi cô gái đang làm việc. Khi cô gái gọi điện để van xin, hắn đồng ý gỡ ảnh, song liên tục đe dọa và đòi tiền một cách trắng trợn.
Chị Lê Bảo Ngọc.
Hay một vụ việc khác xảy ra hồi cuối tháng 2/2020 từng gây “bão” trên mạng, thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Đó là một nam sinh người Việt hiện là du học sinh tại châu Âu đã có hành vi quấy rối tình dục qua mạng đối với nhiều nữ sinh tại Việt Nam, trong đó phần lớn là nữ sinh cấp 3 của một trường điểm trên địa bàn TP.Hà Nội.
Thủ đoạn của nam sinh này là add nick tán tỉnh, đòi làm người yêu, khi bị các nữ sinh từ chối và block nick thì hắn ta dùng nhiều tài khoản ảo để nhắn tin quấy rối, gửi ảnh và clip đồi trụy, thu thập ảnh của các nữ sinh đăng lên các trang web đen... Khi các nữ sinh phản ánh thì gia đình nam sinh lại bao che, thậm chí bênh con một cách mù quáng là quay ra dọa nạt các nạn nhân. Do đó, nam sinh này càng tiếp tục quấy rối và thách thức các nạn nhân.
Khi nạn nhân “cầu cứu”, chị Lê Bảo Ngọc đã tận tình tư vấn, đồng thời đại diện cho nhóm nạn nhân làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an. Kết quả, đến đầu tháng 4/2020, công an đã “mời” gia đình của nam sinh lên làm việc. Đến lúc này nam sinh trên mới biết sợ, gia đình đã gọi video call để nam sinh xin lỗi và cam kết sẽ không tái phạm. Tất nhiên, tới lúc này, cha mẹ của nam sinh mới nhận lỗi và hứa sẽ dạy dỗ lại con mình.
(Còn nữa)
* Tên nạn nhân đã được thay đổi
Là người tư vấn pháp luật cho trẻ em trên mạng internet, chị Lê Bảo Ngọc cho biết, đối với các nạn nhân đang chịu đựng sự xâm hại - đặc biệt là do người thân quen gây ra thì mong muốn lớn nhất của họ không phải là trừng phạt, trả thù hay là công bằng xã hội. Hầu hết các trường hợp mà chị Ngọc tiếp nhận, nạn nhân đều có chung một mong muốn: "Em chỉ muốn người kia hãy dừng lại, đừng làm thế nữa. Em muốn được bình yên thôi"!.
T.V