Cách đây hơn 1 năm, khi phim chưa bấm máy, tổ sản xuất có điện thoại mời tôi tham gia vai ông Thạch. Bởi trước đó, tôi có làm phim Sống chung với mẹ chồng nên anh em có biết nhau. Nói chung, tôi là gương mặt khá quen thuộc trên truyền hình. Gương mặt của tôi đóng được nhiều vai đa dạng, có thể là một ông bố hiền lành và cũng có thể một ông bố ghê gớm, trăng hoa. Nhà sản xuất đã ướm trước rằng 3 tháng tới sẽ có một bộ phim như này, anh có tham gia được không? và tôi đã nhận lời ngay.
NSƯT Trần Đức có thể vào vai nhiều dạng vai.
Ông Thạch trong phim là một người gian xảo, tính cách này khi diễn có làm khó ông?Cách diễn này không thể làm khó tôi, bởi vì hơn 40 năm làm nghề, tôi cũng đảm nhận nhiều dạng vai. Thời gian gần đây, tôi đóng nhiều ông bố lắm, từ phim Sống chung với mẹ chồng, Nhà trọ Balanha đến Tình yêu và tham vọng. Ông Thạch là một người thực dụng, gian xảo, cũng nằm trong một dạng nhân vật có tính cách, tôi diễn sao cho khác với các ông bố khác. Ông Thạch là vai diễn có màu sắc của tôi.
Ông nhận xét gì về dàn diễn viên trẻ trong phim, nhất là những diễn viên ở Miền Nam ra như: Nhan Phúc Vinh, Diễm My hay Lã Thanh Huyền?Tiếp xúc với Nhan Phúc Vinh và Diễm My thấy rất dễ chịu, các cháu rất ngoan và hăng say với công việc của mình, họ không có thái độ ngạo mạn, bệnh ngôi sao, gây khó cho đoàn. Lã Thanh Huyền là một trong những học trò đầu tiên của tôi. Năm 2003, khi ấy tôi mới sang trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội giảng dạy. Khi đó, Lã Thanh Huyền đến nộp hồ sơ muộn và nhà trường không nhận, tôi đi qua nhìn thấy một cô bé nhỏ nhắn, đội một cái mũ nồi đứng lơ ngơ ở góc sân trường, tôi hỏi: Con có việc gì mà đứng đây vậy, thì Huyền bảo, con đi nộp hồ sơ vào khoa Diễn viên mà hết hạn nên không được nhận. Tôi mới bảo, đưa hồ sơ cho thầy, tôi vào phòng Đào tạo nói khó với các cán bộ trong đó, Huyền là cháu tôi, thế là hồ sơ bạn ấy được nộp và Huyền đã nỗ lực thi đỗ.
Trong thời gian học tại trường, tôi đã dạy Lã Thanh Huyền. Huyền được đánh giá diễn xuất tốt, tôi tự hào vì mình có một học trò như vậy.Lã Thanh Huyền là học trò của NSƯT Trần Đức, ngoài đời, diễn viên 8X gọi nghệ sĩ gạo cội là bố xưng con.
Trong phim, ông đóng cùng NSND Minh Hoà, có thông tin cho rằng hai người từng mẫu thuẫn với nhau, liệu có đúng không?Tôi với NSND Minh Hoà cùng công tác ở nhà hát Kịch Hà Nội nhiều năm. Trên sân khấu chúng tôi đóng cặp với nhau, là người yêu của nhau. Ở vở kịch Khoảng trống, Minh Hoà cũng đóng vai người vợ trẻ của tôi trên sân khấu, vở kịch lưu diễn trong gần hai tháng nên tối nào chúng tôi cũng khóc với vai diễn của mình, chúng tôi diễn ăn ý và hợp nhau. Khi Minh Hoà mới về Nhà hát, tôi đã là một nghệ sĩ lâu năm ở đấy rồi. Minh Hoà là đàn em của tôi, chứ không có mẫu thuẫn gì với nhau cả.
Nghệ sĩ Trần Đức thường được mời vào những vai phản diện trên truyền hình.
Đôi lúc cũng có thấy nhàm chán, nhưng ở mỗi vai diễn, tôi cố gắng để có những nét riêng khác biệt. Ít ai biết, tôi giành huy chương vàng trên lĩnh vực sân khấu với những vai hiền lành, tử tế chứ không phải là những vai ác. Tôi được phong NSƯT cũng là từ những vai hiền lành, nhưng khi sang truyền hình, vô tình được phân vào những vai phản diện, và các đạo diễn cứ quen mặt là mời thôi. Khi được mời vào những vai ấy, tôi cố gắng tính toán để tạo sự đa dạng cho từng vai diễn.
Dù đã nghỉ ở nhà hát Kịch Hà Nội gần 20 năm, nhưng mỗi khi nhắc đến Nhà hát, ông rất vui và tự hào?Đúng vậy, nhà hát Kịch Hà Nội là dấu ấn nghề nghiệp đầu đời của tôi. Tôi vào nhà hát từ năm 1971, khi ấy Hà Nội vẫn còn đang chiến tranh. Hồi đó, tôi làm tiểu phẩm ở đền Ngọc Sơn, sau đó được sở Văn hoá và Thông tin TP. Hà Nội bấy giờ tuyển vào Nhà hát, và Nhà hát đã cử tôi cùng 12 bạn diễn đi thi lần nữa ở trường Sân khấu, cuối cùng có 2 người trụ lại rồi học tiếp. Bạn kia sau đó chuyển vào miền Nam sinh sống, vì thế lứa diễn viên đó còn mỗi tôi.
Sau 3 năm học Sân khấu, tôi đã về Nhà hát làm. Tôi đã có 35 năm công tác ở đây. Nơi đó là cả thanh xuân của tôi, từ những vai diễn đầu đời còn vụng về đến những thành công sau này. Ngày mới vào nghề, tôi từng làm đủ các việc như hậu đài, là quần áo, đến vai phụ, vai chính đi khắp nơi trên đất nước diễn cùng Nhà hát. Năm 2003, khi 50 tuổi, tôi mới chuyển công tác, sang giảng dạy ở trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.Nghệ sĩ Trần Đức có nhiều năm công tác ở nhà hát Kịch Hà Nội.
Hồi ông mới về Nhà hát, mọi thứ chắc rất khó khăn, có ai vì nghề diễn vất vả, lương thấp mà không chịu được mà phải bỏ nghề không?Đúng là nghề diễn viên rất vất vả mà không có thu nhập cao, nhà hát Kịch Hà Nội là nơi đầu tiên tôi được cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Nhiều diễn viên cùng lứa với tôi đã có người không chịu đựng được đồng lương ít ỏi nên bỏ nghề đi buôn bán, làm ăn, có người bỏ hẳn, có người phải làm thêm để duy trì cuộc sống và nuôi ước mơ trên sân khấu.
NSƯT Trần Đức khẳng định, ông và NSND Minh Hoà là đồng nghiệp tốt của nhau.
Người ta vẫn nhắc đến Trần Đức là người đàn ông phố cổ lịch lãm, thường ngày ông có khó tính không?Tôi là trai phố cổ nhưng không phải là người khó tính. Tôi phân biệt được đâu là lịch lãm, đâu là xuề xoà buông thả. Tôi biết cách ứng cứ đúng mực trong cuộc sống. Mọi người tiếp xúc với tôi thì đều thấy rằng tôi là một người biết cách ứng xử. Tôi luôn cư xử có văn hoá, văn minh và thường dạy học trò mình như vậy.
Nghe nói, vợ nghệ sĩ Trần Đức là một người phụ nữ xinh, đài các và hết lòng vì chồng con?Bà xã tôi là một giáo viên dạy nhạc, ít hơn tôi 10 tuổi. Cô ấy là một người tâm lý và chiều chồng con. Tôi cũng rất chiều vợ, nhiều người hỏi tôi: Tại sao ở nhà ông chiều vợ thế, mà lên phim Tình yêu và tham vọng ông đểu vậy? Đó chỉ là cách diễn thôi, không liên quan đến chuyện ngoài đời.
Tôi là nghệ sĩ, nhưng bà xã không bao giờ ghen tuông. Tôi luôn cư xử đúng mực chứ không có chuyện nọ chuyện kia. Tôi đã lên chức ông nội của 2 cháu, con trai út cũng chuẩn bị có con, nên giờ sống vui, sống khoẻ, quây quần cùng vợ và con cháu.Diễn viên phim Tình yêu và tham vọng cho hay, ông là người rất chiều vợ.
Mới đây, NSND Minh Hằng có tâm sự, thời trẻ bà từng tham gia đóng phim, lồng tiếng mà mua được cả căn nhà, ông có như vậy không?Cái đó là lộc của mỗi người, tôi thì chưa được như vậy. Làm diễn viên vất vả, ráo mồ hôi là hết tiền thôi. Nếu làm phim như vậy thì quá nhiều đó chứ, vì lồng tiếng thì tôi chưa tham gia. Nhiều người đến nhà tôi đều ngạc nhiên, bảo sao nghệ sĩ lại ở nhà thế này? Một ngôi nhà nhỏ giản dị ở phố Hoa Lư, Hà Nội.
Hồi mới sinh con, hai vợ chồng cố hết sức để nuôi hai con trai, thậm chí cả kinh doanh ngoài nữa. Ngày tôi đi làm ở ngoài, đến tối đi diễn để nuôi nghề. Khi nào Nhà hát đi diễn thì phải bỏ kinh doanh để đi diễn. Ngày xưa khó khăn chứ không như bây giờ. Nhưng, tôi thấy vui vì mình sống và cống hiến được với niềm đam mê của mình. Tôi cũng hạnh phúc là con trai cả, Trần Hoàng, giờ cũng theo nghề của bố, cháu đang làm diễn viên của nhà hát Tuổi Trẻ, hai bố con có nhiều điểm chung nên thường xuyên trò chuyện cùng nhau về nghệ thuật. Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!L.T