Chuyện nữ công gia chánh vốn là của khuê nữ ngày xưa, nhưng nếu đã có ý định khôi phục môn học này, thì nam nữ bình đẳng. Cái tên nữ công gia chánh liệu có phù hợp?
Mới đây, thông tin học sinh Thừa Thiên - Huế sẽ được học nữ công gia chánh trong trường phổ thông đang khiến dư luận được phen xôn xao bàn tán.
Có thể nhận thấy, hiện nay, sau nhiều cải cách giáo dục, các thay đổi về dạy nghề trong trường phổ thông và ảnh hưởng của xu thế mới nên việc dạy và học môn nữ công gia chánh trong các nhà trường không còn được chú trọng. Điều này dẫn đến nhiều nữ sinh ra trường bị hạn chế kiến thức, kỹ năng về nữ công gia chánh, hay ở tầm rộng hơn, là thiếu am hiểu về văn hóa ẩm thực.
Hơn hết, mảnh đất cố đô Huế chứa đựng trong mình nhiều di sản văn hóa đặc trưng nổi bật, đặc biệt tiêu biểu là văn hóa ẩm thực với trên 1.700 món ăn, bao gồm ẩm thực cung đình, ẩm thực dân gian, ẩm thực chay… Nếu bắt đầu gieo vào hơi thở của giới trẻ những mảnh ghép đầu tiên như thế, có thể sẽ tạo nên nền tảng góp phần bảo tồn những nét văn hóa truyền thống.
Môn nữ công gia chánh sẽ trở lại trường phổ thông.
Với phương châm vừa học vừa trải nghiệm, mục tiêu của khóa học là sau khi tốt nghiệp phổ thông, học sinh biết chế biến một số món ăn cơ bản của Huế, đảm nhận được bữa ăn gia đình, đồng thời, có kỹ năng sống, hiểu biết về văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc, giữ gìn nét đẹp văn hóa ẩm thực Huế.
Đây chẳng phải là một điều tốt đẹp lớn lao hay sao?
Trong lúc có nhiều gương mặt trong giới trẻ vì yêu thích nghệ thuật nấu ăn, cắm hoa, thêu thùa… mà phải mò mẫm, tìm nơi chốn để học, thì khi nhà trường dọn đường sẵn, chẳng lẽ học sinh lại không đón nhận?
Nhiều người thậm chí phải tự mò mẫm tìm nơi học nữ công gia chánh.
Cho dù cuộc sống hiện đại có mang đến bao nhiêu tiện ích, người ta đôi khi chỉ cần một phút lướt mạng xã hội, một cú “click” chuột là đã có thể đặt đồ ăn đến tận cửa, nhưng nếu có thể tự hoàn thành một món ăn, một bữa ăn cho bản thân và gia đình, cũng sẽ an toàn và ý nghĩa hơn rất nhiều.
Còn nhớ, hồi học phổ thông, tôi có một cô bạn, gia đình cũng khá giả và lực học cũng thường xuyên đứng “top”, nhưng lại không biết đâu là rau ngót, đâu là rau dền?
Rồi trong một tập phát sóng của chương trình “Ai là Triệu phú?”, một người chơi đã phải sử dụng quyền trợ giúp ngay ở câu hỏi thứ 2 với nội dung: “Người ta thường nấu canh cua với thứ gì?” với 4 đáp án: “Củ cải”, “rau đay”, “mộc nhĩ”, “súp lơ xanh”. Lúc này, người chơi lúng túng chia sẻ với người dẫn chương trình: “Cháu đã ăn rồi nhưng không biết ở trong đó cho những cái gì?”…
Tôi rất lấy làm lạ, khi nhiều người lên tiếng bênh vực cho cô gái trẻ, bởi lẽ, nếu những món ăn đơn giản trong gia đình mà cũng không để tâm, thì sau này, cô ấy sẽ lựa chọn gửi gắm trọn đời trong những bữa ăn được nấu sẵn ư?
Dù ít dù nhiều, những kiến thức cơ bản như vậy, giới trẻ cũng không nên bỏ qua. Vậy nên, cho học sinh phổ thông tìm hiểu về những kiến thức và kỹ năng này là điều vô cùng cần thiết và cấp bách.
Điều thú vị hơn cả, là môn học nữ công gia chánh sẽ được truyền thụ cho tất cả học sinh, không phân biệt nam hay nữ. Tuy nhiên, nếu đề tên môn học là nữ công gia chánh, liệu nam sinh có tránh né?
Dẫu biết rằng, nữ công gia chánh chỉ là một thuật ngữ để bao quát các kỹ năng sống; ngoài việc tập trung dạy nấu ăn, giáo viên cũng sẽ dạy văn hóa ứng xử, tác phong của con người Huế từ những tiếng “dạ”, “thưa”, đến cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, gia đình và cộng đồng; để từ đó, mỗi học sinh sẽ hiểu thêm về văn hóa ẩm thực và con người xứ Huế.
Tất nhiên, sẽ có không ít người hiểu nhầm, nữ công gia chánh chỉ là môn học dành cho nữ sinh mà không dành cho nam sinh. Thế nhưng, đã là đào tạo nghề thì không kể nam nữ. Và bất kể là nam hay nữ, những kiến thức văn hóa và kỹ năng sống vẫn luôn luôn cần thiết trong cuộc sống.
Xã hội ngày càng phát triển, những hơi thở hiện đại đã và đang dần xóa nhòa đi những ranh giới, chênh lệch giữa nam và nữ. Không ít nữ nhân đang đứng trong hàng ngũ nghiên cứu khoa học, thực hiện những sứ mệnh mà trước đây, người ta vốn mặc định chỉ dành cho nam giới. Thậm chí, nhiều phụ nữ đã thành công trở thành những chính khách, với tài năng chẳng hề thua kém một nam nhân nào.
Trên thế giới hiện nay, nhiều đầu bếp nổi tiếng là nam không phải là nữ. Đặc biệt hơn, có những “vua đầu bếp” cũng say mê hương vị Việt ngay từ lần đầu nếm thử. Gordon Ramsay, vị bếp trưởng được mệnh danh là “vua đầu bếp” với 16 ngôi sao Michelin, trong một lần ghé thăm Việt Nam, đã quyết định chọn một món ăn Việt đưa vào bài thi trong chương trình Master Chef mùa thứ 4.
Bếp trưởng Gordon Ramsay say mê món Việt.
Hay như bếp trưởng người Anh Jamie Oliver, nổi tiếng nhờ chương trình truyền hình The Naked Chef, có niềm đam mê mãnh liệt với ẩm thực Việt. Trên trang cá nhân của mình, Jamie Oliver giới thiệu rất nhiều công thức nấu món Việt Nam.
Như vậy đã đủ để thuyết phục cánh đàn ông Việt Nam vào bếp nấu món Việt chưa?
Trong giới showbiz Việt, nhiều ông chồng nghệ sĩ đã không ít lần “gây sốt” khi đích thân vào bếp, như ca sĩ Đăng Khôi, nhạc sĩ Hoàng Bách, danh hài Trường Giang… Mỗi khi những hình ảnh các ông chồng vào bếp “nịnh vợ”, cộng đồng mạng lại được dịp xuýt xoa, ngưỡng mộ.
Ca sĩ Đăng Khôi không ngại vào bếp để phụ vợ việc nhà.
Đó, cho dù người đàn ông ấy có chỗ đứng như thế nào bên ngoài xã hội, nhưng khi trở về với gia đình, chỉ cần dành thời gian bước vào gian bếp, điều đó cũng thật tuyệt vời biết bao!
Vậy nên, những điều đang được mặc định mang tên nữ công gia chánh, nam sinh cũng không nên tránh! Có chăng, chỉ cần tìm một tên gọi khác, để tạo sức hấp dẫn với cả nam sinh.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!