Hơn 200 đứa trẻ vô tội dương tính với sán lợn, 1.500 đứa trẻ khác ngơ ngác vào bệnh viện để xét nghiệm. Điều gì đã tạo nên một thảm cảnh như ở huyện Thuận Thành và cái giá của nó là gì?
Hàng kỳ, cứ đến mùa thực phẩm bẩn là “nó” lại trỗi dậy, len lỏi vào từng thớ thịt gieo rắc nỗi kinh hoàng cho các bà nội trợ.
Không qua mắt được đôi mắt cú vọ của “người cầm làn” chân chính, những con sán lợn sợ hãi rằng mình sẽ chết.
Nhưng thật may mắn khi “tấm lòng Mạnh Thường Quân” của các vị lãnh đạo có “tâm” trong 19 trường mầm non, kết hợp ăn ý với công ty TNHH Hương Thành giúp sán ta có cơ hội sống mòn cùng những đứa trẻ con.
Nói đến đây tôi cảm thấy rợn mình khủng khiếp, kinh doanh trên tính mạng của con trẻ như vậy liệu họ có cảm thấy vui hay không?
Thực phẩm bẩn – điệp khúc quen thuộc chúng ta vẫn thường nghe ra rả trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Từ trẻ nhỏ đến trẻ lớn đều học thuộc làu làu những bài học phải làm thế nào để giữ đôi tay trắng hồng trước khi ăn, ăn cái gì uống nước gì để sạch sẽ, tuân thủ quy định nào để tránh xa vi khuẩn và các con sán gây bệnh chết người.
Nhưng oái oăm thay, trẻ nhỏ lại không được dạy cách nhìn vào mắt người lớn để xem người lớn nghĩ gì và làm gì.
Tôi cảm thấy sợ hãi khi tưởng tượng ra nụ cười hiền từ của bậc lãnh đạo trường mầm non nào đó trở nên lạnh ngắt khi bắt tay thoả hiệp một bản “hợp đồng vàng” với công ty cấp thực phẩm thích dùng chữ “bẩn” làm tôn chỉ hành nghề.
Và những con sán kia, nó đang cười!
Nó cười cho một kiểu kinh doanh siêu lợi nhuận lấy sức khoẻ và tính mạng của những con trẻ ra để làm điều kiện.
Nó cười cho hành vi đầy giáo dục của những người xưng danh "cô giáo mầm non".
Và nó cười một chế tài lỏng lẻo, mù mờ để những miếng thịt vụn nát chứa ấu trùng sán lợn ngang nhiên nằm trên bát cơm những đứa bé chưa hiểu chuyện đời.
Tại sao lại vô lương tâm đầu độc con nhỏ?
Hồi tháng 9/2017, xe chở rau củ thối rữa được chở vào trường Tiểu học Lý Nhân (xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) gây xôn xao dư luận.
Tháng 5/2017, trường mầm non Thọ Sơn, Nghệ An làm rò rỉ hình ảnh nhân viên hợp đồng đi mua gà bệnh làm thức ăn cho trẻ nhỏ.
Năm 2016, trường mầm non Cẩm Thịnh (xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) sử dụng thịt bò “sạch” không rõ nguồn gốc.
Tháng 3/2015, trường Tiểu học chuẩn quốc gia Long Bình (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, Bình Dương) lấy cá thiu thịt thối để nấu ăn.
Ruốc chứa độc tố, bánh hoá học và còn những điều gì nữa sẽ xảy ra trong suốt quãng ký ức non nớt của trẻ thơ?
Có ý kiến đề xuất rằng, các vị lãnh đạo nên cùng học sinh thưởng thức khẩu phần ăn khoa học ấy để cùng “hữu phúc đồng hưởng hữu nạn đồng đương".
Tôi cho rằng điều đó đáng lẽ phải thực hiện lâu rồi mới đúng!
Để những vị ấy có cơ hội cùng nhau cảm nhận những cơn sốt, cơn đau bụng hành hạ trong tiếng cười hả hê ngạo nghễ của đồng tiền.
Thú vị thật!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.