Nụ cười…tha hóa tính thiện

Kẻ ác trước tội lỗi của mình biết cúi đầu, biết hoảng sợ nghĩa là trong sâu thẳm con người đó vẫn còn le lói, nhen nhóm tính thiện. Kẻ thản nhiên bước qua tội lỗi, mỉm cười đắc ý thì lương tâm đó, tâm hồn đó đã bị quỷ ám hết thuốc chữa.

img

Triệu Quân Sự cười nói thản nhiên khi bị bắt giữ

Những dòng tin về kẻ sát nhân nguy hiểm trốn trại Triệu Quân Sự cũng thưa dần, phần nào giảm bớt sự chú ý của công chúng khi y bị bắt. Nhưng ở một góc độ khác, vẫn có những bàn luận về thái độ, bản chất con người nguy hiểm này.

Sự bị bắt khi đang chơi game. Điều này khiến nhiều người ngạc nhiên, một kẻ chạy trốn lại ung dung ngồi chơi game như ngoài kia thế giới bình lặng chẳng có chuyện gì xảy ra. Hắn hồn nhiên như đứa trẻ ư? Diện quần áo mới, đi chơi bị công an bắt kẻ thủ ác vẫn bình tĩnh đến lạ thường.

Hắn cười, nụ cười quái quỷ. Khuôn mặt hốc hác, hóp hai má, mắt sâu trũng lại khóe miệng cười thách thức. Hắn ngồi đung đưa ghế, hồn nhiên như người vô tội nói chuyện với công an.

Một kẻ giết người, trốn trại có thái độ như vậy khiến chuyên gia phân tích tâm lý tội phạm cũng lấy làm lạ. Không hiểu, trong đầu kẻ thủ ác ấy nghĩ gì? Một con người vô cảm đến mức dửng dưng với tội ác mình gây ra liệu có còn nẻo về hoàn lương?

Ám ảnh nụ cười của kẻ ác khiến giấc mơ hướng thiện vỡ vụn. Trong phiên tòa xử kẻ ác nhân sát hại bác dâu cướp tài sản. Dù cố tỏ vẻ ăn năn, hối cải nhưng khi tòa tuyên án tử, kẻ thủ ác vẫn nở nụ cười.

Nụ cười ấy như sát thêm muối vào lòng người thân của nạn nhân. Nụ cười ấy là nỗi ê chề của người thân bị cáo. Cái chết sẽ đến với kẻ ác, nhưng nỗi đau của đấng sinh thành không biết dạy con sẽ bị người đời nghị luận mãi.

img

Triệu Quân Sự lẩn trốn gần 100km từ đèo Hải Vân vào TP Tam Kỳ (Quảng Nam) thì bị công an bắt - Ảnh: Nguyễn Thành

Có nụ cười như mũi tên xuyên vào tim người gây đau đớn, gợi lại một vòng bi kịch không lối thoát. Ở một phiên tòa ly hôn đứa trẻ lẳng lặng ngồi nghe bố mẹ tranh luận trước tòa.

Nét mặt cậu bé không còn biểu cảm, nó vô hồn trước nỗi đau quá sức chịu đựng với bản thân. Trả lời câu hỏi của Tòa, cậu bé kể về những vết sẹo trên người mình, cứ thế từng chút, từng chút những vết sẹo mới, sẹo cũ là minh chứng cho nỗi đau, sự ám ảnh của con trẻ: “Vết bỏng ở mông do bị bố đốt nilon nhỏ vào, mẹ kế dùng bút bi đâm vào mu bàn tay…”.

Những câu nói đều đều, ánh mắt đờ đẫn, không còn nhỏ ra nổi một giọt nước mắt cho thấy tuổi thơ em đã quá bi đát. Điều ấy làm nặng trĩu nỗi lòng người tham dự phiên tòa. Nhưng khi Tòa tuyên cậu bé tiếp tục ở với cha, cậu bé đã mất kiểm soát đạp đổ ghế, la hét, khóc lớn… Còn người cha quay sang nhìn bé mỉm cười. Nụ cười ấy làm lạnh sống lưng bé. Nụ cười ấy khiến nhiều người phải nghĩ: Liệu những chuỗi ngày sau này của cậu bé sẽ tiếp tục với những trận đòn roi?

Chỉ có cái khóc và cười thôi cũng làm cho cả đời người loay hoay mệt nhoài với nó. Hai từ khóc cười đó dệt nên một tấn kịch cuộc đời vừa bi, vừa hài...

Nụ cười tươi với người thiện nhân tạo ra động lực sống khuyến khích người ta vươn tới những điều tốt đẹp.

Nụ cười trên môi kẻ ác nhân khiến vũ trụ đảo điên, giông tố vần vũ mang đến bi thương, chết chóc. Lý Mạc Sầu khi giết người trên môi vẫn nở nụ cười ma mị là nỗi ám ảnh muôn đời.

Kẻ ác mỉm cười, ác tà ngấm vào xương tủy. Chúng không thể được thức tỉnh. Đó là khi lòng nhân, tính thiện bị tha hóa, xói mòn đã hết thuốc chữa.

Minh Khánh *Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

img