Đã nhiều lần nói chuyện với cô gái khiếm thị Hương Giang (SN 1995, sống tại Hà Nội) khi cô trở thành MC khiếm thị đầu tiên cho VTV, tôi vẫn thầm cảm phục nghị lực phi thường của Hương Giang. Hương Giang bảo, cô chưa từng tự ti với việc mình bị khiếm khuyết, với cô, sự khiếm khuyết biến thành động lực để cô chinh phục giấc mơ. Từ việc không có ánh sáng của đôi mắt nhưng cô lại có nghị lực phi thường để tự khẳng định năng lực của mình trong mọi công việc, mọi hoàn cảnh.
Hương Giang kể rằng, năm học cấp 2 cô đã đam mê làm nghề phóng viên và viết bài cộng tác cho một số báo. Nhưng trong tâm tưởng cô vẫn mang nặng một suy nghĩ “khiếm thị có thể trở thành phóng viên?” Chính bản thân cô cũng không nghĩ đến tình huống này có thể xảy ra huống hồ những người bên cạnh. Nhưng rồi Hương Giang đã làm được điều không tưởng. Năm 18 tuổi, trong cuộc thi thách thức thanh niên công nghệ toàn cầu người khuyết tật, khi một PV của VOV sang phỏng vấn cô, thấy cô nói nhiều và có sẵn máy nghi âm nên đề nghị cô làm thử một, hai phóng sự.
“Nhận được lời đề nghị đó tôi cũng khá run nhưng tôi bỗng nhớ lại ngày trước các cô chú PV đã phỏng vấn mình như thế nào thì mình sẽ phỏng vấn nhân vật như vậy. Hơn nữa, tôi được các anh chị có tay nghề chỉ bảo từng thứ một như viết kịch bản, chọn đề tài, dựng…để làm một bản phát thanh hoàn chỉnh. Sau đó, tôi được làm chuyên mục Studio cảm xúc, Trải nghiệm với bóng tối thuộc chương trình Niềm tin ánh sáng của VOV và tôi đã làm “phóng viên đặc biệt” của VOV suốt 3 năm”, Hương Giang nhớ lại.
Hương Giang giao lưu cùng các bạn trẻ.
Những ngày đầu đi làm, nữ phóng viên khiếm thị đi bằng xe bus và có khẩu hiệu “nơi nào xe bus đến được thì nơi đó không xa”. Thế nhưng, cũng không ít lần cô gái khiếm thị đi nhầm chuyến xe rồi lại hỏi đường bắt xe về nhà.
“Không chỉ bắt nhầm xe mà việc sử dụng máy ghi âm đối với tôi ban đầu cũng khá khó khăn. Nhiều lần phỏng vấn nhân vật xong xuôi, nhưng về mở máy ghi âm ra nhưng không có tín hiệu gì, hóa ra, dây míc hỏng hoặc tôi bật máy nhưng không bật míc. Ngày đó, tôi cũng khá liều vì còn trẻ, giống như chú ngựa muốn chinh phục mọi thứ nên xông xáo đi lấy tin, khi đề tài tại Hà Nội vơi đi thì xin các anh chị cho vào TP.Hồ Chí Minh.
Khi đi sẽ không có chi phí hỗ trợ, nhuận bút bù tiền đi lại nhưng tôi vẫn đam mê vì tìm được những đề tài hay. Thời điểm đó có khá nhiều sóng gió, vì nơi tôi đến mưa đổ bất chợt, cứ bước chân ra đường là trời mưa to. Vậy mà tôi vẫn nhất quyết mò mẫn đi một mình. Niềm tin, sự đam mê của tuổi trẻ cho tôi một quyết tâm: Chỗ nào có tin là đến, đừng nghĩ việc đó có vất vả hay không, dù có vất vả mà được làm nghề là một hạnh phúc”, Hương Giang nhớ lại những kỉ niệm.
Với Hương Giang, nghề báo như một cái duyên, bởi ban đầu cô chỉ muốn thử sức, nhưng sau đó, nhận được sự phản hồi của khán giả, nhất là những bác lớn tuổi nhìn thấy cô liền kéo tay hỏi “Cô bé này có phải là người dẫn chương trình trên VOV không?” Thậm chí có fan hâm mộ còn đọc từng nội dung mà cô dẫn dù họ không hề nhớ tên nhưng lại nhớ giọng nói.
“Khi tôi nghỉ ở VOV và trở thành MC khiếm thị đầu tiên của VTV những vẫn không ít thính giả vẫn nhớ tác phẩm mà tôi làm. Với tôi, điều đó rất hạnh phúc, đấy cũng là lý do để tôi theo và đam mê với nghề báo. Tôi nhớ nhất khi làm chương trình trải nghiệm bóng tối để những bạn mắt sáng nấu ăn trong bóng tối với một đầu bếp khiếm thị. Nhưng, cô đầu bếp lại mắc căn bệnh ung thư, cứ sát đến ngày thu âm là cô nhập viện, nên tôi khá lo lắng.
Nhưng khi đến nơi tôi rất bất ngờ vì phong thái cô lúc nào cũng vui vẻ dù đã bị bệnh viện trả về. Cô vẫn chăm sóc gia đình, khi có thời gian đến dạy nghề cho những bạn trẻ gặp khó khăn. Từ đây tôi cảm thấy công việc của mình nó là điều gì đó tuyệt vời, giống như cầu nối, dựa trên các câu chuyện đặc biệt để truyền cảm hứng đến với thính giả. Mỗi ngày thính giả nghe được những câu chuyện của tôi thấy yêu đời hơn thì đấy là niềm hạnh phúc của một PV, nhất là PV khiếm thị như tôi”, Hương Giang bày tỏ cảm xúc.
Hương Giang luôn mong muốn được đi nhiều nơi, có nhiều trải nghiệm.
Từ khi trở thành MC khiếm thị đầu tiên của VTV, cô gái Hương Giang làm việc với cả một ê-kíp, bắt buộc phải tương tác với đạo diễn, quay phim, biên tập và khách mời, như một thử thách mới trong cuộc sống và cô bắt đầu mọi thứ lại từ đầu. Dù công việc mới, môi trường mới nhưng cô lại khiến nhiều người khá ngạc nhiên khi cô phản ứng nhanh với các tình huống và có thể làm MC trên truyền hình.
Nhiều người hỏi cô đó có phải là khả năng bẩm sinh? Cô lắc đầu! Bởi làm báo cần có sự rèn luyện mỗi ngày, kiên nhẫn từng giây, mở rộng trái tim để cho bản thân có sự hòa nhập với mọi người và đặc biệt là không được nghĩ đến cái “bóng tối vĩnh cửu” đã đeo bám mình từ năm 10 tuổi.
Hương Giang trở thành Á khôi 1 tại Liên hoan “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” năm 2019.
“Là một PV, nếu không thể nhìn thấy hãy nhắm mắt để tưởng tượng và cảm nhận sẽ thấy được rất nhiều điều thú vị. Chính vì thế, trong chương trình Bạn có thấy những điều tôi thấy… làm về người khiếm thị tôi đã cố vấn cho các anh chị trong phòng câu chuyện nên đi theo hướng nào, sáng tạo ra sao.
Dù mỗi người khiếm thị đều có một câu chuyện riêng nhưng điểm chung của họ là đang sống và lao động một cách tích cực bằng tất cả nguồn năng lượng trên cơ thể của họ. Nhiều người nói khiếm thị làm truyền hình là bất lợi nhưng nhiều khi tôi thấy vì không nhìn thấy là lợi thế, tôi rất dễ đồng cảm với những người có cùng hoàn cảnh”, Hương Giang xúc động nói.
Cô gái khiếm thị Hương Giang đã trở thành 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2019. Không chỉ có vậy, Hương Giang còn được nhiều giải thưởng như: Huy chương Đồng tại cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin với thanh niên khuyết tật toàn cầu” tổ chức tại Hàn Quốc. Danh hiệu Á khôi 1 tại Liên hoan “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” năm 2019…
M.T