img

Nữ sinh vượt cú sốc nhiễm Covid-19 để hiến huyết tương

Thanh Lam - Hải Yến

Rạng rỡ có mặt tại khoa Khám bệnh (bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) để tiến hành các xét nghiệm chuẩn bị hiến huyết tương, ít ai biết trước đó Cáp Thị Yến (SN 1999, quê Hưng Yên) từng hoang mang đến tuyệt vọng khi biết mình là người mang bệnh.

Sốc khi biết mình nhiễm Covid-19

Trong cuộc trò chuyện với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, Cáp Thị Yến đã có những trải lòng rất chân thực về quá trình mình phải cách ly điều trị vì có kết quả dương tính virus SARS-CoV-2, trở thành bệnh nhân thứ 155 mắc Covid-19 tại Việt Nam cho đến quyết định hiến huyết tương cứu người.

Là du học sinh từ Anh trở về thăm gia đình, cô gái trẻ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ rơi vào tình cảnh trớ trêu như vậy: “Khi biết mình nhiễm Covid-19, tôi vô cùng bất ngờ vì không có triệu chứng gì và cũng khá cẩn thận trong suốt quá trình từ bên Anh về. Tôi thực sự bị sốc, ban đầu tôi còn nghĩ chắc có nhầm lẫn gì chứ tôi không thể bị nhiễm được, tôi đã khóc rất nhiều”.

img

Yến tự nguyện đến xét nghiệm sàng lọc để hiến huyết tương.

Sốc vì vừa về đến Việt Nam, chưa kịp gặp người thân đã phải đi cách ly, Yến chia sẻ: “Bên Anh dịch bùng phát mạnh nhưng nơi tôi sinh sống không căng thẳng lắm, nhà trường chuyển qua học online. Thấy mọi người học online nên tôi tranh thủ về Việt Nam thăm gia đình, không nghĩ mình lại là người mang bệnh. Tôi không biết mình bị lây từ bên Anh hay lúc ngồi trên máy bay nữa”.

Sau khi trở về nước vào cuối tháng 3/2020, Yến được đi cách ly tập trung tại tỉnh Bạc Liêu. Sau khi có kết quả bị nhiễm Covid-19, cô gái quê Hưng Yên được chuyển về điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu. Trong suốt thời gian điều trị tại bệnh viện, Yến không ít lần tủi thân vì chẳng có người thân nào bên cạnh, lắm lúc nhớ nhà quá cũng chỉ biết cậy nhờ vào chiếc điện thoại để liên lạc với gia đình. Vừa buồn vừa hoang mang, Yến tâm sự: “Mỗi ngày thức dậy tôi đều lo lắng, hôm nay mình không có triệu chứng gì nhưng nhỡ ngày mai thức dậy lại có triệu chứng gì khác lạ thì sao, không biết sau đó tình trạng sức khỏe của mình có ổn không”.

Giữa lúc tuyệt vọng nhất, sự động viên và chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ đã giúp cô gái 21 tuổi vượt qua cơn khủng hoảng. “Ngoài những nhân viên trực tiếp phục vụ ăn uống thì thỉnh thoảng các bác sĩ cũng mua đồ ăn cho chúng tôi vì ăn cơm suất trong thời gian dài cả tháng như vậy cũng chán. Điều trị cùng tôi còn có 2 bạn nữa, hiện tại chúng tôi vẫn giữ liên lạc”.

Để thời gian điều trị trở nên có ý nghĩa, Yến đã tận dụng mọi lúc để làm bài tập, học online và tham gia các cuộc thi đã dự tính trước đó. Kết quả là cô du học sinh Anh đã đạt giải 3 cuộc thi giải vô địch tin học ngay trong thời gian cách ly tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu.

Sau thời gian điều trị, ngày 13/4/2020 Yến được công bố khỏi bệnh, không trở về nhà ngay sau đó, cô gái quê Hưng Yên tiếp tục tiến hành tự cách ly tại bệnh viện: “Để đảm bảo an toàn, tôi ở lại bệnh viện cách ly thêm 2 tuần nữa. Hết 2 tuần, tôi cũng không trở về nhà mà tự cách ly tại một căn nhà khác riêng biệt, ở căn nhà đó, tôi được nhìn thấy người thân nhưng không tiếp xúc trực tiếp”.

Hiến huyết tương mong cứu người

Tìm hiểu các thông tin trên mạng và biết đến chương trình kêu gọi hiến huyết tương từ những người đã khỏi Covid-19 để chữa cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng, Yến đã suy nghĩ rất nhiều và đưa ra quyết định táo bạo: “Gần đây nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 rồi không may bị tử vong, biết mình có thể làm điều gì đó có ích trong thời điểm hiện tại nên tôi đã quyết định tham gia hiến huyết tương, tôi muốn cứu người”.

Sáng 12/08/2020 Yến đã có mặt tại khoa Khám bệnh (bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) để tiến hành các xét nghiệm chuẩn bị hiến huyết tương. Yến cho biết, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe sẽ hiến được lượng huyết tương phù hợp.

img

Nữ sinh mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình vào việc cứu người.

Yến bộc bạch: “Việc chứng kiến sự vất vả của các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, đã thôi thúc tôi hành động, mong muốn góp chút gì đó để có thể cứu chữa được những bệnh nhân nặng. Dự kiến 1 - 3 ngày tới, sẽ có kết quả để biết tôi có đủ điều kiện thực hiện hiến huyết tương hay không”.

Yến cho biết tình hình sức khỏe hiện tại của mình ổn định, thậm chí cân nặng còn tăng lên và không cần phải kiêng kị gì. Thế nhưng, nhắc về những ngày đã qua, Yến chia sẻ thêm: “Hiện tại, tôi đang làm cho một công ty chứng khoán tại Hà Nội và bảo lưu kết quả học tập tại Anh vào năm sau. Ban đầu khi biết tôi mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh có nhiều người ái ngại tiếp xúc, nhưng hiện tại mọi sinh hoạt gần như đã trở lại bình thường”.

Liệu pháp điều trị bằng huyết tương từ người bệnh Covid-19 đã hồi phục

Trao đổi với PV, bác sĩ Vũ Minh Điền (bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết: “Tính đến ngày 12/8, bệnh viện tiếp nhận 27 bệnh nhân đã hồi phục đăng ký hiến huyết tương. Trong đó, có 2 bệnh nhân đủ tiêu chuẩn đã được lấy huyết tương.

Liệu pháp điều trị bằng truyền huyết tương từ người bệnh đã hồi phục là liệu pháp thuộc nhóm miễn dịch thụ động (Passive immunization – PI). Đây là một kỹ thuật để đạt được miễn dịch ngắn hạn ngay lập tức chống lại tác nhân truyền nhiễm bằng cách sử dụng các kháng thể chống lại một tác nhân gây bệnh cụ thể. Kể từ khi được biết đến, PI đã được chứng minh là cứu cánh cho nhiều bệnh nhiễm trùng cấp tính và gần đây liệu pháp này cũng đã cho thấy có thể ứng dụng trong liệu pháp điều trị bệnh nhân bị Covid -19.

Các sản phẩm máu, kết hợp thu được từ một bệnh nhân đã hồi phục sau khi bị nhiễm trùng và cơ thể phát triển miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh có thể là một nguồn cung cấp kháng thể điều trị có nguồn gốc con người. Việc truyền các sản phẩm này có khả năng vô hiệu hóa mầm bệnh, cuối cùng dẫn đến sự loại bỏ mầm bệnh ra khỏi cơ thể”.

Từ TPHCM ra Hà Nội hiến huyết tương

Ngoài Cáp Thị Yến còn có nhiều người khác tình nguyện hiến huyết tương, trong đó có bà Kelly Michelle Koch (50 tuổi, quốc tịch Mỹ, làm việc trong một tổ chức phi chính phủ và sinh sống tại Việt Nam từ năm 2013, đăng ký thường trú tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã đáp máy bay ra Hà Nội để tham gia sàng lọc hiến huyết tương điều trị bệnh nhân Covid-19. “Tôi mong mọi người không sợ hãi, hiến huyết tương cũng tương tự như hiến máu mà thôi", bà Kelly nói.

T.L - H.Y

img