Nước sạch nhiễm dầu thải: Hội Bảo vệ người tiêu dùng “hữu danh vô thực”

Vụ nước sạch sông Đà nhiễm váng dầu vẫn được cung cấp đến các hộ dân, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, nhưng hội Bảo vệ người tiêu dùng vì sao vẫn “im hơi lặng tiếng”?

img
img

Với tôn chỉ hoạt động là một tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật, hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chính thức ra mắt vào ngày 29/11/2018, trên cơ sở tách ra từ hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (vốn đã được thành lập 27 năm).

Tuy nhiên, phần đông người tiêu dùng tỏ ra khá bức xúc khi từ ngày ra mắt, hội dường như ít khi lên tiếng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Cuộc chiến thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái vẫn đang sục sôi từng ngày, nhưng lực lượng tác chiến và đồng hành cùng người tiêu dùng lại chính là báo chí, còn hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam được xem như đang “khoanh tay đứng nhìn”.

Mỗi ngày, người tiêu dùng bị lạc giữa “ma trận” thực phẩm bẩn, thực phẩm đã ôi thiu, nấm mốc được gian thương “hô biến” thành tươi ngon; thực phẩm giả với những “tiểu xảo” và hóa chất, như nước mắm giả từ hóa chất và nước lã ở Bình Dương, rượu giả ở Gia Lai,… trực tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thậm chí, đến xăng, dầu cũng được sản xuất giả từ dung môi pha chế. Đồ gỗ cũng được “tô trét” từ gỗ thường trở thành gỗ quý để “thét giá cắt cổ”. Đời sống của người tiêu dùng rõ ràng đang bị đe dọa nghiêm trọng, nhưng những người nhân danh bảo vệ quyền lợi cho họ vẫn lặng thinh.

Mới đây nhất, khi nước sạch sông Đà nhiễm váng dầu với những nguy cơ độc hại vẫn tiếp tục được cung cấp đến khách hàng, thậm chí, âm thầm xử lý ở đầu nguồn mà không một lời khuyến nghị, hội Bảo vệ người tiêu dùng vẫn tiếp tục lựa chọn sự im lặng, khiến không ít người cảm thấy băn khoăn về vai trò và ý nghĩa tồn tại của hội này.

Phải chăng cái mác “Bảo vệ người tiêu dùng” chỉ là “hữu danh vô thực”, chỉ để trưng cho đẹp? Hay những người đứng trong tổ chức “sợ bận việc” nên phải né tránh việc?

Thế nhưng, trước khi phán xét hoạt động của tổ chức, tìm hiểu kỹ về Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thì mới biết họ đang ở thế khó.

Trước đây, khi xảy ra những lùm xùm giữa đơn vị kinh doanh và người tiêu dùng, dư luận cũng đã đặt ra không ít thắc mắc về trách nhiệm của hội.

Bất lực hơn, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng bộ phận thường trực hội (nguyên Tổng thư ký hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) còn đưa ra câu trả lời khiến nhiều người “cạn lời”: “Hội cũng chỉ là một kênh mà người tiêu dùng có thể gõ cửa, trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng còn có các cơ quan chức năng của Nhà nước”.

Lý do không có trang thiết bị, trụ sở, không có ngân sách… để hoạt động; hội phải tự trả tiền nước, điện, điện thoại và lương cho nhân viên trực... cũng được đưa ra để giải thích cho những lần “im lặng” bất thường của hội.

Còn nhớ, có lần hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.Hồ Chí Minh trong một lần hiếm hoi, xông xáo ra thị trường lấy mẫu bún thử tinopal, tuy cảnh báo đúng nhưng đã gặp áp lực lớn từ các cơ quan Nhà nước, suốt một thời gian dài vẫn bị nhắc nhở là sai quy trình.

Đó là những lý do khiến hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng hoạt động “mờ nhạt”, không lên tiếng dù lùm xùm vụ nước sạch sông Đà đã khiến hàng nghìn hộ dân phải “kêu trời”.

Tiến sĩ kiêm nhà thuyết trình nổi tiếng người Mỹ từng nói: “Trước khi bạn phán xét con đường tôi đi, xin hãy chú ý bùn trên giày của chính bạn”. Đứng trước bất cứ câu chuyện nào, sự tỉnh táo vẫn luôn cần thiết để soi xét và thấu hiểu sự việc, đứng trên vị trí của người đối diện để cảm nhận trước khi đánh giá một cách chủ quan. Có thể bạn nói về công việc của người hàng xóm rất hay và thuyết phục, nhưng nếu đổi vị trí cho bạn và anh ta, chưa chắc bạn đã làm được phân nửa công việc đó.

Hơn nữa, để tự bảo vệ quyền lợi của bản thân, người tiêu dùng hoàn toàn có thể hợp sức và hành động, thay vì chỉ chờ đợi một tổ chức “tự nguyện”, “không ngân sách” vào cuộc, lên tiếng.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img