Xưa nay quan tham "ngã ngựa" không phải hiếm, song người có thể nảy sinh lòng tham khi "bóng đen" dịch bệnh bao trùm, người lao động mất việc, trẻ em bị tước quyền đến trường, người nghèo đội mưa nắng đi nhận từng cân gạo cứu trợ... thì chỉ có thể là ông Nguyễn Nhật Cảm.
Đọc những dòng tin tức về vụ việc Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội (thuộc Sở Y tế Hà Nội) - ông Nguyễn Nhật Cảm cùng 6 đồng phạm bị bắt hôm 22/4 vì vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (quy định tại Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017), một bạn đọc của chúng tôi đã thốt lên: "Trời ơi sao có thể nhẫn tâm đến thế? Ông tên Cảm mà sao quá vô cảm ?".
Có lẽ không cần phải nhắc lại rằng 3 tháng qua, Chính phủ cùng toàn bộ hệ thống chính trị đã cùng với toàn dân bước vào cuộc chiến "chống dịch như chống giặc" cực khổ ra sao, tiêu tốn sức người sức của như thế nào để có được thành quả hôm nay: 7 ngày liên tiếp không phát hiện ca nhiễm mới, không một ai trong số 268 bệnh nhân bị tử vong.
Ông Nguyễn Nhật Cảm không làm cho tình hình dịch bệnh căng thẳng hơn, nhưng ông đã phá hoại - đến mức nghiêm trọng - thành quả chống dịch của cả nước về mặt kinh tế.
Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động (xét nghiệm Covid-19) khi nhập khẩu về Việt Nam có giá 2,3 tỷ đồng, nhưng dưới sự chỉ đạo của ông Cảm, CDC Hà Nội đã mua vào với giá trên... 7 tỷ đồng, chênh lệch khoảng 4,7 tỷ đồng.
Kết quả điều tra của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) cho biết, có hành vi gian lận, móc ngoặc, thổi giá thiết bị vật tư y tế trong vụ việc này.
Cụ thể, lợi dụng quy định được phép chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm thuốc hoặc thiết bị y tế trong hoàn cảnh gấp gáp vì dịch bệnh nguy hiểm, ông Cảm được cho là đã thông đồng với Công ty CP Định giá và Bán đấu giá tài sản Nhân Thành và hai công ty khác thực hiện việc mua bán lòng vòng khiến cho giá trị thiết bị khi CDC mua vào bị nâng khống thêm 4,7 tỷ đồng, tương đương cao gấp 3 lần.
Trong khi cả nước căng mình chống dịch, là một cán bộ y tế được giao trọng trách, là người được học hành đào tạo bài bản có học hàm học vị lên tới phó giáo sư - tiến sĩ, ông Cảm lại để những toan tính thấp hèn của mình làm vấy bẩn tư cách người công dân, cán bộ, Đảng viên.
Không những thế, ông còn làm phương hại thành quả chống dịch của nhân dân, làm xấu mặt với quốc tế về hình ảnh người trí thức Việt Nam.
4,7 tỷ đồng đó là bao nhiêu viên thuốc cho người bệnh, bao nhiêu chiếc khẩu trang cho nhân dân, bao nhiêu suất gạo từ thiện cho người nghèo đang khốn khổ vì dịch bệnh?
Trong hoàn cảnh nhiều hoạt động kinh tế bị ngưng trệ, du lịch "đóng băng", thông thương với quốc tế hầu như tê liệt, đồng bằng sông Cửu Long khốn đốn vì hạn mặn, doanh nghiệp phá sản tăng, thất nghiệp tăng phải hỗ trợ..., ngân sách khó khăn ví như chiếc chăn hẹp đang phải co kéo, ông Cảm lại làm cái việc vô cảm đến thế.
Tuy nhiên, một mình Giám đốc CDC Hà Nội không thể làm được việc này, mà cần sự giúp sức của một bà trưởng phòng tài chính, một nhân viên khác cùng với một vài đối tác. Hôm xảy ra vụ việc, một người bạn của tôi chia sẻ rằng chị ấy học cùng bị can Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính Kế toán của CDC Hà Nội, người bị bắt cùng ông Cảm.
"Thương quá, chị ấy tốt lắm!", người bạn tôi nói. Còn tôi thì cho rằng, hoặc là chị Trưởng phòng ấy không thể là người tốt (người tốt thì phải tốt trong mọi hoàn cảnh chứ?), hoặc chính vì bị lây nhiễm sự vô cảm mà một người "tốt lắm" đã nhúng chàm.
Từ câu chuyện của ông Giám đốc CDC Hà Nội, chúng ta có cơ sở để lo ngại rằng việc xử lý sẽ làm phát lộ thêm những sai phạm tương tự ở những tỉnh thành khác, giống như hệ quả của "vết dầu loang".
Nghe nói, trước đó tại một tỉnh thành lớn, việc mua sắm máy xét nghiệm Realtime PCR tự động đã từng được dự trù lên tới... 15 tỷ đồng (?!)
Dư luận trông chờ việc rà soát sẽ được thực hiện quyết liệt, trên diện rộng.
Một chiếc khẩu trang được "thổi giá" vài nghìn đồng để trục lợi đã là tội ác, thì một chiếc máy xét nghiệm bị nâng khống giá hàng tỷ đồng càng thể hiện sự độc ác, vô cảm cao độ, cần thiết phải xử lý đến nơi đến chốn.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả