Việc phá dỡ hơn 600m con đường gốm sứ sẽ chẳng có gì nuối tiếc nếu như để phục vụ dự án cầu vượt nút giao An Dương một cách thuận lợi và đem lại những giá trị to lớn về kinh tế- xã hội.
Nhiều người, đặc biệt là các nghệ sĩ xót xa khi hơn 600m của con đường gốm sứ bị phá bỏ nhằm phục vụ thi công giai đoạn hai của dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên.
Sự tiếc nuối ấy cũng dễ hiểu, bởi với chiều dài gần 4.000 m, diện tích 7.000 m2, kéo dài từ đường Nghi Tàm đến cửa khẩu Vạn Kiếp, con đường gốm sức là bức tranh gồm 21 trường đoạn với nhiều chủ đề, ghép từ các mảnh gốm lên tường ven đê sông Hồng, mang nhiều giá trị về văn hóa và tinh thần.
Thế nhưng tôi tin rằng, sẽ chẳng ai cảm thấy bức xúc bởi suy cho cùng, dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên là hoạt động nhằm mục tiêu chung cho sự phát triển của xã hội. Nhất là khi, dự án này đáp ứng nhu cầu giao thông cấp bách, giải tỏa ùn tắc, kết nối Cảng hàng không quốc tế Nội Bài về trung tâm chính trị Ba Đình.
Một lý do khác nữa, bên cạnh vẻ đẹp và thơ mộng, kể từ khi hoàn thành, nhiều đoạn đường gốm sứ vô tình trở thành nạn nhân của những kẻ thiếu ý thức mắc bệnh “tiểu đường”. Mặc dù từ đầu năm 2017, nghị định mới về xử phạt người tiểu bậy có hiệu lực, nhưng “căn bệnh” được mệnh danh là “thâm căn cố đế” chẳng có vẻ gì… thuyên giảm. Từng đoạn đường gốm sứ vẫn bị “tấn công” không thương tích. Từ một bức tranh di sản, con đường gốm sứ bốc mùi, ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường.
Chưa kể, chuyện “xây-phá” ở Thủ đô là lẽ thường tình…
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Mộc Miên