Người Đưa Tin (NĐT): Nhận quyết định nghỉ hưu vào tháng 9/2023, trở thành người không có chức vụ, cuộc sống của bà trong gần nửa năm qua có nhiều thay đổi không?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga:
Tất nhiên là có nhiều sự thay đổi. Thứ nhất là không phải hằng ngày đến cơ quan. Thứ hai là không phải xử lý những công việc trước đây hằng ngày phải làm, vì thế áp lực phải hoàn thành khối lượng công việc lớn trong một thời gian nhất định, với nhiều deadline được giảm tải đi rất nhiều. Tôi cũng có nhiều thời gian hơn cho bản thân, gia đình và bạn bè, được làm những công việc theo sở thích mà trước đây chưa có điều kiện để làm.

Thực sự đó là một sự thay đổi thú vị, cảm nhận mình đã hoàn thành một giai đoạn quan trọng của cuộc đời và bây giờ bước sang một giai đoạn mới với nhiều điều hấp dẫn, mới mẻ và thú vị đang chờ đón mình, cần tiếp tục nạp thêm năng lượng để sống vui, sống có ích trên chặng đường tiếp theo.

NĐT: Khi còn làm việc, do đặc thù ngành và vị trí đảm nhiệm, có một điều chắc chắn là bà rất bận rộn. Vậy sau khi nghỉ hưu, bà cảm thấy chút hụt hẫng nào không?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga:
Tôi không thấy bất kỳ sự hụt hẫng nào cả. Trước kia tôi rất bận rộn nhưng bây giờ cũng bận rộn không kém. Tôi vẫn luôn cảm thấy thời gian một ngày 24 tiếng là quá ít và còn rất nhiều việc cần làm. Chưa bao giờ tôi thấy mình quá rảnh rỗi đến mức không biết nên làm gì.

NĐT: Nhìn lại chặng đường làm đối ngoại, ở xuất phát điểm, điều gì đã thu hút để bà quyết định lựa chọn dấn thân theo con đường này?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga:
Tôi có thuận lợi là được sống trong gia đình có bố mẹ được đào tạo ở nước ngoài và công tác trong lĩnh vực đối ngoại. Ông ngoại tôi cũng có thời gian dạy tiếng Pháp ở trường Đại học Ngoại giao (nay là Học viện Ngoại giao). Chứng kiến cuộc sống, công việc của bố mẹ, giúp tôi ngay từ nhỏ đã có được những hình dung ban đầu về nghề ngoại giao. Khi được đọc về bà Alexandra Kollontai - nữ Đại sứ đầu tiên của Liên Xô. hình tượng người phụ nữ làm ngoại giao càng trở nên rất hấp dẫn đối với tôi. Do vậy khi tốt nghiệp phổ thông, tôi đã lựa chọn thi vào Đại học Ngoại giao và may mắn có thể theo đuổi ước mơ ban đầu của mình.

NĐT: Được tiếp xúc với nghề ngoại giao từ rất sớm, khi đó bà hình dung đây là một công việc như thế nào?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga:
Tôi hình dung ngoại giao là một nghề rất vất vả. Trước hết đòi hỏi ta phải không ngừng học hỏi, phải giỏi ngoại ngữ và có hiểu biết rất nhiều về thế giới, bên cạnh vốn kiến thức sâu sắc về đất nước mình để có câu chuyện trao đổi hấp dẫn với bạn bè quốc tế.

ngoai-giao-la-nghe-rat-vat-va.mp4

Những người làm ngoại giao thường xuyên phải đi công tác xa nhà, không có nhiều thời gian dành cho gia đình và con cái. Như trong gia đình tôi, vì bố mẹ có những giai đoạn phải đi công tác xa nên chị em tôi phải tập sống tự lập từ bé.

Ngoại giao là một công việc phức tạp, gắn với trách nhiệm rất lớn trên mặt trận quốc tế, phải nắm bắt, tổng hợp và cung cấp thông tin, thiết lập và phát triển các mối quan hệ, xây dựng mạng lưới, vận động, tranh thủ bạn bè, thúc đẩy quan hệ giữa đất nước mình với các nước khác, bảo vệ lợi ích của đất nước.

Sống trong gia đình ngoại giao giúp tôi hình dung được sự phức tạp, khó khăn của nghề này. Không như suy nghĩ thông thường rằng ngoại giao là một nghề sung sướng “lên xe, xuống ngựa”, bận rộn tiệc tùng chiêu đãi. Nghề ngoại giao rất hấp dẫn và thú vị, là cánh cửa để mình đi ra với thế giới, được tiếp xúc với nhiều nền văn hoá, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, hy sinh.

Khi biết con đăng ký thi vào trường ngoại giao, bố tôi lúc đó đang ở nước ngoài đã viết thư khuyên tôi: “Đấy không phải là một nghề dễ dàng, nó rất vất vả và đòi hỏi nhiều hy sinh. Con phải suy nghĩ kỹ trước khi quyết định”. Nhưng sức hấp dẫn của nghề nghiệp và suy nghĩ mình có thể cố gắng để làm được như bố mẹ nên tôi vẫn quyết định theo nghề.

NĐT: Từng ở nhiều cương vị công tác khác nhau, đâu là quãng thời gian để lại cho bà nhiều kỷ niệm nhất trong cuộc đời làm đối ngoại?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga:
Mỗi vị trí công tác lại có những đặc thù riêng và đều để lại cho tôi những kỷ niệm sâu sắc cả về công việc cũng như về các bác, các cô, chú, anh, chị lớp trước và các bạn đồng nghiệp mà tôi có thời gian được cùng sống và làm việc. Ở vị trí Người phát ngôn hay khi làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao là các cuộc họp báo, những đợt tuyên truyền lớn cho các sự kiện quan trọng của đất nước, tham gia tổ chức và phục vụ các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Khi làm Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, là kỷ niệm về những cuộc vận động để Việt Nam trúng cử vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc, các cuộc tiếp xúc với bạn bè quốc tế, bạn bè Mỹ hay những lần đón lãnh đạo cấp cao Việt Nam sang thăm làm việc tại Mỹ và Liên hợp quốc. Đến khi trở thành Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam thì lĩnh vực hoạt động lại được mở rộng hơn và tôi thêm được hiểu hơn về đối ngoại Nhân dân, nét đặc sắc của đối ngoại Việt Nam.

Mỗi công việc đều mang lại cho tôi cảm hứng và tình yêu, sự đam mê. Có những việc được giao đảm nhận đối với tôi là khó hoặc không phải là mong muốn cá nhân, nhưng đều giúp tôi có thêm bản lĩnh và trưởng thành.

NĐT: Nếu như hoạt động trong ngành đối ngoại là thực hiện ước mơ thì cái duyên nào đã đưa bà đến với vị trí Người phát ngôn?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga:
Bên ngoài nhìn vào có thể nghĩ rằng việc tôi làm Người phát ngôn là có thể hiểu được và có nhiều thuận lợi bởi kể từ khi về công tác ở Bộ Ngoại giao cho đến trước thời điểm bổ nhiệm thì tôi đã có một số kinh nghiệm nhất định với 20 năm công tác ở Vụ Thông tin – Báo chí. Nhưng thực ra tôi rất lo lắng vì hiểu rõ tính chất khó khăn, vất vả của nhiệm vụ này. Khi kết thúc nhiệm kỳ ở Bỉ về nước, tôi đã tính tới việc thử sức ở một đơn vị khác để không phải làm nhiệm vụ Người phát ngôn. Tuy nhiên, được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ, sự động viên của các anh, chị tiền nhiệm và sự tin tưởng của tập thể anh chị em trong Vụ nên tôi đã có đủ dũng cảm để nhận nhiệm vụ, trở thành Người phát ngôn.

NĐT: Bà có thể cho biết những khó khăn gì mà một Người phát ngôn phải đối mặt?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga:
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phải cung cấp thông tin, quan điểm chính thống của Bộ Ngoại giao, của Nhà nước ta nên công việc của Người phát ngôn có khối lượng lớn, chịu áp lực lớn, cường độ rất cao. Người phát ngôn thường xuyên phải cập nhật thông tin, phải có thông tin chính xác và nhanh chóng về gần như mọi việc xảy ra ở trong nước hay quốc tế để kịp thời đưa ra phản ứng.

Và để làm được điều đó, Người phát ngôn phải đọc rất nhiều, phải đặt mình trong tình trạng “trực chiến” về mặt thông tin, phải tiếp cận trực tiếp, phải nghiên cứu sâu. Bởi khi đứng trước bục phát biểu, Người Phát ngôn phải dựa vào chính mình chứ không thể dựa vào bất kỳ ai khác.

Công tác phát ngôn phải bảo đảm mục tiêu bảo vệ lợi ích đất nước đồng thời bảo đảm đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, chính xác nhất, trung thực nhất, toàn diện nhất của công chúng thông qua báo chí. Người phát ngôn cần phải có quan hệ làm việc tốt, tin cậy, hợp tác với các đơn vị trong Bộ Ngoại giao, các cơ quan, bộ ngành, địa phương trong hệ thống chính trị, cũng như với bạn bè quốc tế và cơ quan báo chí trong nước và quốc tế.

Người phát ngôn phải rèn luyện phong cách ứng xử, có cách thể hiện chân thành, hợp tác, có sức thuyết phục. Để làm được những điều đó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.

NĐT: Những nhân vật hoạt động trong địa hạt truyền thông thường chịu những áp lực khi phải thực hiện công việc chuyên môn của mình trước sự quan tâm, xem xét của đám đông. Liệu có thể tưởng tượng áp lực của Người phát ngôn kinh khủng tới cỡ nào?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga:
Bất kỳ người nào đứng trước công chúng đều phải chịu áp lực cả. Người nghệ sĩ đứng trên sân khấu biểu diễn cũng phải chịu áp lực rất lớn.

Với Người phát ngôn, áp lực không phải chỉ riêng việc đứng trước phóng viên, ống kính, máy quay mà cả sự tiếp nhận cũng như tác động của thông tin mà Người phát ngôn đưa ra, phản ứng của dư luận, công chúng rộng rãi – những người trông đợi thông tin từ Người phát ngôn và xem, đọc, nghiên cứu sản phẩm của báo chí. Áp lực đến từ chính nhiệm vụ là đại diện hình ảnh, là tiếng nói của cơ quan, tổ chức và quốc gia.

NĐT: Liệu Người phát ngôn có phải vị trí công tác áp lực nhất mà bà từng đảm nhiệm?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga:
Có lẽ là vậy.

NĐT: Công chúng vẫn đang nhìn nhận vai trò của Người phát ngôn gắn liền với những buổi họp báo khi trả lời các câu hỏi. Nhưng dường như công việc của họ không đơn giản chỉ có vậy?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga:

Ở Vụ Thông tin – Báo chí (Bộ Ngoại giao), chúng tôi thường nói Người phát ngôn họp báo chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Khi họp báo, trả lời phỏng vấn là lúc thể hiện quan điểm, chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, của Nhà nước. Để có được những những thông tin đó là cả một quá trình chuẩn bị, nghiên cứu, là nhờ công sức của biết bao người từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức.

Bên cạnh chủ trì các buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí, trên cương vị người đứng đầu Vụ Thông tin Báo chí, Người phát ngôn còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như: Chủ trì triển khai nghiên cứu, tổng hợp dư luận nắm bắt được sự quan tâm của công chúng trong nước và quốc tế, đề xuất chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch thông tin, tuyên truyền; xây dựng quan hệ hợp tác với các cơ quan báo chí; quản lý, tạo điều kiện, hỗ trợ hoạt động của báo chí đưa tin về các sự kiện lớn của Việt Nam, phối hợp tổ chức các chiến dịch truyền thông nhân kỷ niệm các sự kiện trọng đại của đất nước hay các hoạt động đối ngoại lớn; tổ chức sản xuất các ấn phẩm thông tin đối ngoại...

NĐT: Dù chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng có lẽ không phải lúc nào Người phát ngôn cũng dự trù được tất cả các câu hỏi của phóng viên. Trước mỗi câu hỏi bất ngờ, Người phát ngôn sẽ ứng phó thế nào?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga:
Người phát ngôn luôn có “cẩm nang” là chủ trương đường lối, chính sách đối ngoại, định hướng phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước để đưa ra thông điệp nhất quán. Song trên nền tảng những nguyên tắc bất di, bất dịch đó, Người Phát ngôn phải đồng thời linh hoạt ứng xử phù hợp nhằm tranh thủ sự ủng hộ của dư luận và bảo đảm cao nhất lợi ích của đất nước. Báo chí cũng hiểu Người phát ngôn có quyền ghi nhận, hẹn trả lời sau đối với những vấn đề chưa có đầy đủ thông tin.

NĐT: Vậy còn cách xử lý với những tình huống mà phóng viên không ngại che giấu sự khiêu khích vốn đã được lên kế hoạch từ trước đó?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga:
Nhiệm vụ của Người phát ngôn là truyền tải thông điệp về chính sách của Đảng, Nhà nước, quan điểm, lập trường của cơ quan, tổ chức mà mình đại diện. Và dù câu hỏi thiện chí hay không thì Người phát ngôn cũng đều truyền tải thông điệp đó. Người phát ngôn thể hiện thái độ tôn trọng, chuyên nghiệp, không sa vào tranh cãi, đôi co với phóng viên bởi đối tượng cần hướng đến là công chúng rộng rãi chứ không phải chỉ là cá nhân phóng viên.

Trong trường hợp những thông tin mà phóng viên đưa ra không đúng sự thật, Người phát ngôn cần thẳng thắn bác bỏ. Người phát ngôn mềm dẻo, linh hoạt nhưng phải thể hiện rõ thông điệp, kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.

NĐT: Có lẽ khả năng chịu áp lực và giữ bình tĩnh là yếu tố kiên quyết của một Người phát ngôn. Ngoài ra, Người phát ngôn còn phải có những yếu tố bắt buộc nào nữa?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga:
Không chỉ riêng Người phát ngôn mà bất cứ nhà ngoại giao nào cũng đều phải có khả năng chịu áp lực. Bình tĩnh là rất cần thiết để có thể xem xét vấn đề một cách kỹ lưỡng từ nhiều góc độ. Khi nóng vội, chúng ta khó có thể đưa ra giải pháp sáng suốt. Trên hết, Người phát ngôn cần kiên định với sự thật và tuyệt đối trung thành với lợi ích quốc gia, dân tộc.

Người phát ngôn phải luôn ghi nhớ rằng mình là tiếng nói, đại diện cho hình ảnh quốc gia, phải bảo đảm mọi lời phát ngôn và hành động đều phải vì mục tiêu tối thượng là lợi ích quốc gia, dân tộc. Một Người phát ngôn cần có bản lĩnh, kiên định, kiên quyết đồng thời cũng cần mềm dẻo để có sức thuyết phục cao nhất.

NĐT: Vậy điều tối kị nhất đối với một Người phát ngôn là gì?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga:
Điều tối kị đối với Người phát ngôn là nói dối. Khi đã nói dối thì rất khó để che đậy và sẽ mất hết uy tín. Giữ chữ tín, được tin cậy rất quan trọng đối với Người phát ngôn.

NĐT: Với một công việc nhiều áp lực như vậy, ký ức ở lần đầu tiên chủ trì một cuộc họp báo trên vai trò Người phát ngôn của bà như thế nào?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga:
Trước bất kỳ cuộc họp báo nào, tôi đều có chút lo lắng và hồi hộp nhất là trước những cuộc họp báo đầu tiên. Sau cuộc họp báo đầu tiên và cả sau này, tôi rút được nhiều kinh nghiệm về những gì cần làm tốt hơn. Tôi may mắn có được các đồng nghiệp là những “giám khảo”, “huấn luyện viên” rất tốt và khắt khe, luôn chú ý quan sát, thẳng thắn góp ý và chỉnh sửa cho tôi, ngoài việc truyền tải nội dung thông điệp, còn cả dáng đứng, cách nhìn, cách nói, trang phục, giúp tôi hoàn thiện hơn.

NĐT: Có thể nói bà là một trong những nhà ngoại giao nữ thành công. Nếu nói về một yếu tố khiến bà trở nên vững vàng và làm tốt ở mọi vị trí được giao thì đó là gì?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga:
Tinh thần trách nhiệm và tình yêu, sự đam mê với nghề, niềm tự hào về đất nước, về truyền thống vẻ vang của ngành ngoại giao. Và yếu tố rất quan trọng là sự tin tưởng, hỗ trợ của cấp trên, đồng nghiệp, đối tác, gia đình và bạn bè.

NĐT: Tóm tắt cuộc đời vừa làm công chức vừa làm chính trị, bà thấy mình làm được những gì?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga:
Quá nhỏ (cười). Cùng với các đồng nghiệp ở các đơn vị từng công tác, tôi đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao, nhưng vẫn là quá nhỏ để có thể kể.

NĐT: Vậy có điều gì còn khiến bà nuối tiếc?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga:
Còn nhiều việc tôi mong muốn làm tốt hơn, như công tác nghiên cứu chiến lược, đào tạo và thúc đẩy hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để củng cố hệ thống các tổ chức thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam thật vững mạnh.

dieu-kho-khan-nhat-phai-doi-mat-sua.mp4

NĐT: Sau chặng đường làm đối ngoại, bà cảm nhận đâu là cái khó nhất của một nhà ngoại giao?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga:
Khó nhất là cân bằng và hài hòa giữa bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc với lợi ích của đối tác và những lợi ích chung của nhân loại. Nước nào cũng có lợi ích quốc gia – dân tộc, phải làm thế nào để tìm được điểm đồng, vừa bảo vệ, thúc đẩy được lợi ích của Việt Nam và lợi ích chung, vừa phải giữ gìn và phát triển được mối quan hệ hòa hiếu, hợp tác và hữu nghị với các nước đối tác và bạn bè.

NĐT: Chúng ta đã thấy bà ở phương diện công việc. Trở về với cuộc sống đời thường, bà là một người như thế nào?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga:
Tôi là một người bình thường như bao người khác. Tôi luôn quan niệm rất đơn giản: Chức vụ chỉ là cái áo, mình khoác cái áo đó lên nhưng không phải là mặc mãi, khi cởi ra thì con người mình có sao vẫn vậy. Mình có vừa, có xứng đáng để mặc đẹp cái áo đó hay không lại là một chuyện khác. Cũng giống như đặt vào một cái ghế, có người ngồi thì vừa vặn nhưng cũng có người thì ghế rất rộng. Nhưng khi rời cái ghế đó ra, bỏ cái áo xuống, về với đời thường, con người mình có sao vẫn vậy.

NĐT: Là một người phụ nữ bận rộn, bà cân bằng giữa công việc và mái ấm riêng như thế nào nhất là để có sự đồng cảm của người chồng?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga:
May mắn là tôi có được sự đồng cảm, hỗ trợ và chia sẻ của gia đình, nhất là của chồng. Anh chấp nhận được việc tôi phải đi công tác rất nhiều và ngay cả khi về nhà vẫn phải tiếp tục xử lý công việc, đôi khi những công việc của gia đình phải xếp lại sau. Nhờ sự thông cảm đó mà tôi có thể tập trung đảm đương những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách được giao. Khi không bận việc, tôi đều tận dụng tối đa thời gian cho gia đình và các con.

NĐT: Một nhà ngoại giao liệu sẽ dạy con mình như thế nào, thưa bà?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga:
Tự lập và trung thực. Mỗi người đều có những mong muốn, hoài bão, năng lực, sở trường riêng, điều cần thiết là tạo điều kiện để các con được làm những thứ mà mình yêu thích và sống có trách nhiệm. Chúng tôi luôn cố gắng tôn trọng và lắng nghe, để bố mẹ và các con có thể là những người bạn.

cai-ao-da-sua.mp4

NĐT: Những năm gần đây, người ta nhắc nhiều đến khái niệm người phụ nữ hạnh phúc như một thước đo cho một xã hội tiến bộ. Nhìn lại bản thân, bà có thấy mình là một người phụ nữ hạnh phúc?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga:
Tôi nghĩ rằng mình rất may mắn được là một người phụ nữ hạnh phúc. Tôi biết ơn cấp trên, đồng nghiệp, gia đình, bạn bè đã giúp tôi hoàn thành trách nhiệm của mình với xã hội trong vai trò là một công chức, cán bộ nhà nước, có một gia đình viên mãn, các con trưởng thành, được sống trong tình thương yêu, đùm bọc của gia đình, bạn bè. Tôi hạnh phúc vì được làm những việc mình yêu thích và tìm thấy tình yêu trong công việc.

NĐT: Không ai có thể bắt chước ai để tìm kiếm niềm hạnh phúc, mỗi người lại có một cách cảm nhận và tận hưởng riêng. Nhưng nếu có thể chia sẻ một điều gì đó với mọi người để có thể cảm thấy nhẹ nhàng hơn trong cuộc sống, đó sẽ là gì?

Đại sứ Nguyễn Phương Nga:
Mỗi người đều có quyền mơ ước và cần có hoài bão nhưng sẽ rất tốt nếu biết vui với những gì mình đã đạt được và đang có. Đó không đơn giản là chấp nhận, buông xuôi, không phấn đấu. Trong khi nỗ lực theo đuổi ước mơ, thực hiện hoài bão, thì nên trân trọng và tận hưởng niềm vui, hạnh phúc mà cuộc đời ban tặng trong từng phút, từng giờ chúng ta may mắn được sống, được cống hiến, và cố gắng mang lại niềm vui, hạnh phúc cho những người xung quanh ta.

NĐT: Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này. Chúc bà luôn cảm thấy hạnh phúc ở từng phút giây trong cuộc sống.

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 6, 08/03/2024 | 10:11