Phân tích phát ngôn: “Đàn ông Hàn không có điều kiện mới lấy vợ Việt”

Việc 80% số phụ nữ Việt Nam lấy chồng ngoại quốc vì lợi ích kinh tế là con số không lạ nhưng dư luận dường như vẫn không chịu chấp nhận sự thực nghiệt ngã sau các vụ kết hôn chớp nhoáng và ra sức “ném đá” các phát ngôn cay đắng về thân phận các cô dâu Việt.

img
img

“Các chú rể Hàn Quốc lấy vợ Việt Nam là những người không có đủ khả năng, địa vị trong xã hội, không thể nào kiếm được bạn gái nên mới phải đi lấy vợ ngoại quốc”, phát ngôn có phần miệt thị các rể xứ Hàn này của vlogger Khoa Pug mới đây đã khiến nhiều cư dân mạng, đặc biệt là một bộ phận người Việt làm dâu xứ Hàn không đồng tình, thậm chí phẫn nộ.

Chẳng có gì bất ngờ khi phát ngôn với lời lẽ có phần kém tế nhị của Khoa Pug đã nhanh chóng thổi bùng “cơn thịnh nộ” của một bộ phận cư dân mạng. Chê các chú rể Hàn như vậy có khác gì mỉa mai thân phận thấp kém của các cô dâu Việt và cũng chẳng khác gì việc "chỉ mặt đặt tên" những cô gái lấy chồng Hàn là vì... tiền chứ chẳng có chút tình yêu nào.

Hàng loạt những từ ngữ cay độc như thích chơi trội, ác miệng, chảnh chọe, phiến diện, quy chụp được ném tả tơi về phía vlogger... trong sự hậm hực của những người phản đối.

Thậm chí, nhiều ý kiến còn nâng quan điểm lên rằng nói thế chẳng khác nào hạ thấp vị thế phụ nữ Việt.

Tuy nhiên, ngẫm một cách thấu đáo, phát ngôn của vlogger Khoa Pug không hẳn là vô lý.

Về phía chú rể, thử hỏi, có người đàn ông bình thường nào lại dại dột đi đánh cược cuộc đời mình khi kết hôn với một người lạ hơ lạ hoắc, khác ngôn ngữ, bất đồng văn hóa và giao tiếp với nhau chỉ bằng... mấy động tác khua tay múa chân? Có doanh nhân thành đạt nào lại mù quáng đến độ quyết gắn bó đời mình trong cuộc hôn nhân với một người lần đầu biết mặt, biết tên ở xứ sở xa lạ?

Ngắm 3 vòng, ưng cái mặt và tung một khoản tiền ra làm lệ phí, chỉ vài tiếng sau là có ngay được cô vợ, nhanh gọn và giản đơn như mua một món hàng. Một người đàn ông coi việc lấy vợ dễ và nhanh như đi mua hàng vậy thì thôi, cũng đừng đòi hỏi gì thêm. Xúc cảm, lòng tốt hay sự bền vững ư? Có chăng cũng chẳng khác gì chuyện chơi vé số hên xui.

Số liệu điều tra của Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Hàn Quốc năm 2010 được báo Hà Nội Mới đăng tải cho thấy: trong số phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc có tới 22,5% người thuộc lớp người có thu nhập thấp.

Khảo sát của viện Nghiên cứu gia đình và giới (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) tại Hải Phòng cũng từng tiết lộ không ít chú rể nước ngoài của các gia đình Việt bị bệnh hoặc tàn tật.

Câu chuyện về những chú rể người nước ngoài, có người nặng hơn 100kg, có người bị bỏng hết toàn thân, có người bị dị tật, tàn tật, thậm chí bị tâm thần vẫn ra rả được nhắc đến trên nhiều phương tiện truyền thông như một bài học nhãn tiền.

Về phía cô dâu, phụ nữ Việt cũng chẳng việc gì phải bất bình hay sợ bị quy chụp trong những phát ngôn có phần động chạm. Bởi lẽ phụ nữ lấy chồng ngoại quốc chớp nhoáng qua các công ty môi giới hôn nhân kia không phải là đại diện cho phần đông những phụ nữ Việt trọng tình, vẹn nghĩa, đảm đang tháo vát.

Hôn nhân bao giờ cũng rất công bằng. Nồi nào sẽ đi với vung ấy mà thôi!

Muôn đời nay, hôn nhân chỉ bền vững, chỉ hạnh phúc khi được xây dựng trên nền tảng tình yêu. Vậy nhưng theo một khảo sát của ngành tư pháp, có tới 80% phụ nữ Việt lấy chồng ngoại quốc là vì mục tiêu kinh tế.

Nếu ngay từ đầu lợi ích kinh tế đã là “kim chỉ nam” cho việc kết hôn thì chuyện gặp được người chồng tốt hay có cuộc sống gia đình hạnh phúc thực chẳng khác gì chuyện trúng số độc đắc.

Nồi nào sẽ úp vung ấy mà thôi!

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

img