Pháo sáng bắn như rocket trên sân Hàng Đẫy: Hãy hâm mộ, đừng cuồng nộ

Có 2 loại người đến sân xem bóng đá. Một mang tim và não; Một mang pháo sáng.

img

Một ngày tháng 6/2009, trong trận đấu với Thể Công, CĐV của Xi măng Hải Phòng làm náo loạn SVĐ Hàng Đẫy cũng vì không bằng lòng với kết quả. Tưởng rằng đó là câu chuyện của quá khứ, ký ức đã lùi xa khi xã hội hiện đại và nền bóng đá văn minh hơn. Nhưng không, nó tiếp tục tái diễn trên chính sân vận động này 10 năm sau đó.

Trận cầu nảy lửa, kịch tính giữa CLB Hà Nội và Nam Định trong trận đá bù vòng 22 V.League 2019 đã diễn ra trên sân Hàng Đẫy vào tối 11/9. Mọi thứ có lẽ chỉ dừng ở cảm xúc vui – buồn nếu như tỷ số không nâng lên quá đậm cho FC Hà Nội.

Phút 54, Văn Quyết thoát xuống bên cánh trái trước khi tạt bóng khôn ngoan về khía Kebe ở phía trống trải để tiền đạo này tung cú sút chìm hạ Xuân Việt. Tỷ số nâng lên 4-1 cho FC Hà Nội khiến trái tim nhiều cổ động viên của FC Nam Định tan vỡ.

Và một kẻ (tôi phải gọi là kẻ) đã đẩy sự hâm mộ trở thành điên rồ và biến chúng từ suy nghĩ thành hành động. Hắn bắn quả pháo dù như tên lửa rocket từ khán đài B về phía khán đài A – nơi CĐV của Hà Nội FC đang hân hoan trong bàn thắng mới. Trong sự hỗn loạn, hình ảnh một nữ cổ động viên bị pháo bắn trúng chân phải, nằm trên cáng được đưa ra từ đám khói mù mịt khiến nhiều người chưa hết hoảng sợ.

Tiếp tục trường đoạn hỗn loạn là hình ảnh lực lượng CSCĐ thưa thớt “vùng vẫy” trấn áp CĐV nơi khán đài B. Các chiến sĩ CSCĐ bất lực trong vòng vây khi các fan cuồng bóng đá chèn ép, chửi bới, thậm chí là dùng đến vũ lực. Chưa bao giờ, tính cộng đồng lại bộc phát ở hoàn cảnh đầy oái oăm như SVĐ Hàng Đẫy. Vậy là không chỉ cô gái, nghe đâu có đến 2 chiến sĩ CSGT cũng bị thương trong quá trình làm nhiệm vụ.

Trận đấu kết thúc, sân bóng chưa hết loạn. Văn Quyết (cầu thủ của FC Hà Nội) được phen hú hồn vì pháo sáng vẫn rượt trên đầu trong lúc trả lời phỏng vấn.

Nhiều người cho rằng, để xảy ra vụ “bạo loạn” ở sân vận động là lỗi rất lớn của ban tổ chức. Đó đâu cần phải bàn cãi thêm nữa! Nhưng, nếu chỉ trích BTC thôi chưa đủ. CĐV đốt pháo sáng không phải là câu chuyện lần đầu. Rất nhiều vụ việc liên quan đến pháo sáng trên sân bóng đã từng xảy ra đều để lại hậu quả. Và hôm nay, nó đã ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người hâm mộ. Trong khi đó, vấn đề cốt lõi của hành vi này lại bắt nguồn từ ý thức của chính những người hâm mộ.

Thiết nghĩ, khi đã là fan hâm mộ, thì dù thần tượng lúc được sủng ái hay khi thất thế cũng cần được yêu thương. Quả pháo sáng kia đâu phải là lời động viên cho sự thất bại của FC Nam Định. Thực tế, CĐV quá khích đang ném sự giận dữ về phía đối thủ, trước sự bất lực của đội nhà.

Đây là trận bóng hay trận chiến? Đây là sân bóng hay đấu trường? Từ bao giờ, sân bóng đã thành nơi không an toàn. Từ bao giờ, sân bóng ngoài là sàn đấu của các cầu thủ mà còn là nơi đấu đá giữa các cổ động viên quá khích?

Cùng hâm mộ bóng đá, cùng yêu những trận cầu nhưng cô gái chắc hẳn không thể ngờ có ngày, mình trở thành nạn nhân của sự ghen tị, đố kị giữa fan quá khích với nhau. Và gia đình cô cũng không thể ngờ, người thân của mình phải quằn quại chịu đau với vết thương chỉ nhìn thôi cũng muốn chảy nước mắt.

Một người yêu thể thao từng nói: “Có 2 loại người đến sân xem bóng đá. Một mang tim và não; Một mang pháo sáng”.

Nếu hâm mộ bóng đá nguy hiểm như thế này, ai còn dám trở thành fan?

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

img