Thời gian qua, không chỉ có cánh mày râu gửi tinh trùng mà nhiều chị em phụ nữ độc thân, nhiều cặp vợ chồng đã tìm đến các trung tâm hỗ trợ sinh sản gửi trứng để dành. Bên cạnh đó, những người phụ nữ lập gia đình muộn có xu hướng gửi trứng để tránh rủi ro.
Để hiểu rõ hơn về phương pháp trữ lạnh trứng, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật đã lắng nghe những chia sẻ từ bác sĩ Phạm Văn Hưởng – người có 9 năm công tác tại bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Đồng thời, bác sĩ Hưởng cũng bật mí nhiều ca trữ trứng mà mình ấn tượng nhất.
Bác sĩ Phạm Văn Hưởng chia sẻ về phương pháp trữ lạnh trứng.
Mở đầu câu chuyện, vị bác sĩ này cho biết: “Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều phụ nữ đến trao đổi nguyện vọng với bác sĩ tạm thời chưa muốn kết hôn và chưa muốn có con, họ muốn gửi trứng tại bệnh viện để một vài năm sau đó mới có ý định dùng. Có những trường hợp đã tiến hành gửi trứng tại bệnh viện, tuy nhiên cũng có một số lượng bệnh nhân sau khi đến nghe bác sĩ tư vấn tỏ vẻ băn khoăn và cần thời gian tìm hiểu kỹ hơn về phương pháp”.
Trong 9 năm công tác tại Bệnh viện này, bác sĩ Hưởng cho biết đã tiếp nhận rất nhiều ca bệnh gặp vấn đề về sinh sản, trong đó 2 trường hợp giảm dự trữ buồng trứng đã mang thai thành công sau thời gian trữ trứng. Đây là một kết quả ấn tượng và được xem như là kỳ tích đối với những bệnh nhân mắc bệnh lý giảm dự trữ buồng trứng.
Bác sĩ Hưởng cho hay, những bệnh nhân đến thực hiện trữ trứng có thể là chủ động hoặc bị động. Trữ trứng chủ động thường gặp ở 3 trường hợp: trữ trứng để bảo tồn khả năng sinh sản (áp dụng cho bệnh nhân phải điều trị ung thư,…); trữ trứng để trì hoãn việc có thai sớm khi phụ nữ chưa muốn kết hôn và chưa muốn có con (bởi qua 35 tuổi buồng trứng sẽ bị giảm chất lượng); trữ trứng trong các trường hợp hiến tặng vì mục đích nhân đạo.
Còn về trường hợp trữ trứng bị động là những bệnh nhân thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), nhưng đến ngày hút trứng thì chồng không lấy được tinh trùng bằng xuất tinh hoặc làm thủ thuật cũng không có tinh trùng thì người vợ phải trữ trứng bị động”.
Bác sĩ Hưởng cho biết: “Các trường hợp chúng tôi hay gặp nhất là bệnh nhân cần tích lũy trứng để thực hiện IVF. Do các chu kỳ bệnh nhân nữ rất ít trứng nên phải dồn tích lũy hai, ba chu kỳ nhằm tăng số lượng trứng rồi làm IVF thì hiệu quả sẽ tăng lên”.
Vị bác sĩ kể lại về trường hợp tích luỹ trứng mà mình nhớ: “Một người phụ nữ tầm ngoài 40 tuổi, trước đó có một em bé, nhưng khi đến thăm khám các bác sĩ phát hiện bị giảm dự trữ buồng trứng nên phải làm IVF. Bệnh nhân phải kích trứng ba lần, cuối cùng cũng thành công và có em bé. Đây là trường hợp người phụ nữ lớn tuổi tích lũy trứng và hái được quả ngọt”.
Thêm một trường hợp nữa mà bác sĩ Hưởng gặp và ấn tượng đó là một người phụ nữ rất trẻ nhưng rơi vào trường hợp giảm dự trữ buồng trứng, trứng không có nhiều để kích nên bác sĩ đã phải tư vấn chọc hút trứng bằng chu kỳ tự nhiên, mỗi chu kỳ sẽ gom 1 quả trứng và gom 3 chu kỳ được 3 quả. Và sau thời gian tích lũy người phụ nữ này cũng sinh được một bé trai.
Bác sĩ Hưởng tại phòng khám cho bệnh nhân.
Bác sĩ Hưởng chia sẻ, quy trình trữ trứng diễn ra từ 2 - 3 tháng tùy vào sức khỏe của mỗi người. Sau khi thăm khám tổng quát về buồng trứng, các bệnh truyền nhiễm, đảm bảo sức khỏe để gây mê, bệnh nhân được lập hồ sơ theo dõi. Tiếp đó, bệnh nhân sẽ được tiêm kích thích buồng trứng để các nang trứng phát triển đều lên và sẽ gây mê để chọc hút trứng. Cuối cùng là đánh giá chất lượng trứng trưởng thành tốt có thể trữ và tiến hành trữ lạnh trứng bằng phương pháp đông nhanh (thủy tinh hóa) trong ni-tơ lỏng ở mức -196 độ C. Chi phí trữ lạnh trứng tại bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội dao động khoảng 3 - 4 triệu đồng/năm.
Bác sĩ Hưởng thực hiện chọc trứng.
Bên cạnh những ca bệnh thành công, có con nhờ phương pháp này thì trữ lạnh trứng cũng tiềm ẩn tỉ lệ rủi ro và nguy cơ không hề nhỏ. “Mặc dù bây giờ hiệu quả của trữ trứng đã tăng lên, tuy nhiên vấn đề lo ngại nhất chính là khi trứng rã ra tỉ lệ thoái hóa khá nhiều. Như vậy vô tình bệnh nhân sẽ mất đi một lượng trứng, đồng thời khả năng có con cũng sụt giảm so với việc thụ tinh bằng trứng tươi. Ngoài ra, bệnh nhân cũng phải trải qua các quy trình kích thích buồng trứng, chọc hút trứng và phải gây mê để lấy trứng ra thì cũng có những nguy cơ nhất định”, bác sĩ Hưởng chia sẻ.
Bác sĩ Hưởng cũng khẳng định hiệu quả trữ trứng không bằng trữ phôi, chỉ đạt khoảng 70 - 80%: “Sẽ có một tỉ lệ trứng bị thoái hóa, nên số trứng ban đầu trữ thông thường được khuyến cáo tầm 15 trứng để khi rã ra tạo phôi thì tỉ lệ thành công đạt từ 40 - 45%. Tuy nhiên, hiệu quả phương pháp này còn tùy vào lứa tuổi của người phụ nữ và chất lượng trứng đầu vào”.
Mặc dù là giải pháp tối ưu cho nhiều ông bố bà mẹ hiện thực hóa giấc mơ sinh con, các bác sĩ cũng khuyến cáo bệnh nhân tìm đến phương pháp trữ lạnh trứng nên suy nghĩ kỹ càng vì những rủi ro tiềm ẩn và hiệu quả không đảm bảo tuyệt đối. Bác sĩ Hưởng vẫn luôn khuyến khích các cặp vợ chồng không nên lệ thuộc; sinh con tự nhiên trước 35 tuổi vẫn là tốt nhất: “Trữ trứng chỉ nên thực hiện trong những hoàn cảnh nhất định để dự phòng vì nó có những rủi ro và hiệu quả không tốt, khiến bệnh nhân mất cả một khoảng thời gian chuẩn bị. Hay như những bệnh nhân thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thì tỉ lệ thành công cũng không đảm bảo 100%, ví dụ như khi bệnh nhân lấy trứng từ lúc trẻ, đến lúc có ý định mang thai thì trứng rã ra một phần hỏng đi, đến lúc có phôi chuyển thì cũng không có thai được”.
Tìm đến phương pháp trữ trứng
Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thu Hương (Hà Nội), đang là Phó phòng của một công ty, chia sẻ: “Tôi năm nay gần 30 tuổi rồi nhưng vì vòng xoay công việc nên đến giờ vẫn chưa tìm được ai phù hợp để kết hôn. Bố mẹ tôi cũng rất lo lắng phiền muộn thậm chí nói tôi là con gái giỏi giang mà lại không kiếm được tấm chồng, chưa kể còn lo lắng cho khả năng làm mẹ sau này của tôi. Được nhiều người bạn mách, tôi tìm hiểu về phương pháp trữ lạnh trứng và quyết định tiến hành để sau này còn có khả năng sinh sản”.
T.L-H.Y