Phượng vỹ kêu oan

Khi cây phượng vĩ đổ xuống tại ngôi trường nọ, mọi hình tượng thi ca về loài cây này cũng sụp đổ. Người ta bắt đầu căm ghét thứ hoa màu đỏ gọi hè về mà mình từng ca tụng. Vì trong buổi sáng định mệnh hôm đó, một học sinh gắn liền với phượng vĩ nơi sân trường đã ra đi mãi mãi ở tuổi 12.

img
img

Ngay khi cây phượng cổ thụ trong sân trường THCS Bạch Đằng, TP HCM bật gốc, đè 18 học sinh lớp 6 khiến một em tử vong, những bài viết về lý do vì sao phượng vỹ không nên trồng ở sân trường được đăng tải. Nhiều ý kiến cũng kêu gọi đốn hạ toàn bộ, coi loài cây này như một hiểm họa rình rập.

Màu hoa phượng vỹ đỏ nức lòng bao thế hệ học trò giờ trở thành màu máu đỏ nghiệt ngã. Nhưng phượng vỹ không phải kẻ sát nhân. Khi đau thương, nước mắt dành cho em học sinh vừa qua đời đã vơi dần, giờ là lúc cho lý trí hiện diện để trả lại cho loài cây này một bản án công tâm nhất.

Cây phượng bật gốc trong vụ việc được trồng từ năm 1996 và được nhà trường chăm sóc theo dõi hàng năm. Ít ra cây phượng đã sống 24 năm hiên ngang trước khi đổ gục. Nó ngã quỵ một cách ngẫu nhiên, khó tin và theo cách không ai lường trước. Cũng giống như một cỗ xe hoàn hảo, dù được bảo dưỡng kỹ lưỡng đến mấy cũng có thể chết máy giữa đường bất chợt.

Nếu phượng vĩ có tri giác, loại cây này chắc chắn sẽ không tàn ác đến mức đổ ập xuống những cô, cậu bé mà nó vẫn vươn rộng tán lá để che mát hàng ngày. Lý do chung quy lại vẫn là con người.

Hãy nhìn gốc cây bị bê tông hóa quá nhiều, sự già úa, rễ mục, rồi mùa mưa khiến đất ủng, rồi tổng hòa nhiều sự ngẫu nhiên khác mà chúng ta vẫn hay gọi là định mệnh, cây đổ xuống như một tai nạn không ai lường trước, như một người đi xe dù rất cẩn thận nhưng vẫn bị những kẻ ngổ ngáo tông vào.

Nếu chỉ vì một tai nạn đơn lẻ như vậy mà bao trùm sự sợ hãi lên toàn thể, để đổ lỗi cho phượng vỹ thì đó là lối suy nghĩ phiến diện. Cây cối trong tay con người chỉ là thứ công cụ. Chúng trở thành thế nào là do ý chí con người.

Chúng ta cải tạo tự nhiên để biến thành thứ phục vụ lợi ích cho mình. Do đó, trước một sự vật hư hỏng, hoạt động không đúng cách, chúng ta phải tái thiết kế, tái cấu trúc lại, sao cho chúng trở nên ổn định hơn chứ không phải bỏ đi. Cũng như với phượng vỹ, vấn đề ở chỗ là trồng và chăm sóc cây như thế nào, chứ không phải cứ xảy ra tai nạn lại chặt bỏ.

Chúng ta vẫn luôn đổ tại trách nhiệm cho những đối tượng ko thể tự bênh vực. Hãy nhìn cách ông hiệu trưởng tự nhận lỗi về mình. Ông hiệu trưởng ko “đè chết” em học sinh nào nhưng ông dám nhận lỗi cho một cái cây. Ít ra ông cũng không đổ tại cho một thứ vô tri. Trong khi những kẻ ngoài cuộc đang xử ép hoa phượng mà ko cho nó có luật sư bào chữa.

Thực tế, ngay cả bản thân mỗi chúng ta bước chân ra đường mỗi ngày cũng đã mạo hiểm tính mạng với đủ mọi hiểm hoạ vô tình từ trên trời rơi xuống giống như cây phượng vỹ đổ sụp vào em học sinh nọ.

Biết là nguy hiểm như vậy, nhưng chúng ta vẫn phải dấn bước và sống tiếp. Cuối ngày về nhà, nhìn lại thân thể không sứt mẻ là thở phào nhẹ nhõm. Nhưng đến sáng mai, ai cũng tiếp tục lao vào guồng quay sinh tử vì cơm áo gạo tiền. Vì chúng ta biết mình không thể chỉ sợ chết mà ngồi im một chỗ.

Như vụ bé trai lớp 1 tử vong vì bị bỏ lại trên xe đưa đón trường Gateway, cái chết đó dù bàng hoàng nhưng các em học sinh vẫn phải tiếp tục lên những chuyến xe đưa đón đi học mỗi ngày, vì đó là lựa chọn duy nhất. Những chuyến xe đó không thể dừng lại, chỉ có những bài học kinh nghiệm rút ra để tránh đau thương lặp lại.

Tương tự, sẽ không thể chặt bỏ toàn bộ phượng vỹ nơi sân trường chỉ vì một vụ tai nạn đau lòng nhưng hãn hữu. Nếu đi theo logic như vậy, chúng ta sẽ còn phải loại bỏ rất nhiều thứ nguy hiểm khác. Cấm xây dựng ngoài trời để tránh vật liệu xây dựng rơi đổ gây chết người. Cấm luôn phương tiện đi lại cho đỡ gây ra tai nạn giao thông – những thứ hiểm họa còn gây chết người nhan nhản hơn phượng vỹ.

Có rất nhiều tác phẩm ca ngợi phượng vỹ, nhưng chưa có bài thơ, ca khúc nào mô tả cảnh phượng vĩ đổ ập vào học sinh. Nói thế để thấy rằng, đó là một sự cố hiếm hoi. Thậm chí dù là một loại cây khác bật rễ trong trường mà không phải do bão bùng, giông lốc, cũng là chuyện hy hữu trăm năm.

Chặt bỏ phượng vỹ đi, cũng như một dấu chấm ngắt quãng cho hai thế hệ học sinh: Những người gắn bó với phượng vỹ và những người gắn bó với sân trường toàn bê tông. Một ngày nào đó những ca khúc viết về phượng vỹ sẽ biến thành một loài hoa an toàn, thấp bé, giậu giàn và không biết đổ ập xuống học sinh. Và chiếc giỏ xe chở mùa hè của nhà thơ Đỗ Trung Quân cũng chỉ còn chở hoa dâm bụt hay hoa hồng.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img