Cái tên Bo Bo Hoàng không rực rỡ, chói sáng như các ngôi sao cải lương cùng thời nhưng mọi người phải công nhận bà là một “quái kiệt” của sân khấu. Đào thương, đào lẳng, đào độc… đều được nữ nghệ sĩ nhập vai một cách ngọt ngào. Tài năng của cô bé Lê Thị Thanh Hoàng được vun đắp từ khi được sinh ra vào năm 1947 trong đại gia đình có truyền thống sân khấu. Nội ngoại đều “ăn cơm” sân khấu thì như một lẽ dĩ nhiên, nữ nghệ sĩ cũng chỉ biết đi hát, chứ không nghĩ đến việc rẽ lối sang nghề khác.
Nghệ sĩ Bo Bo Hoàng, "quái kiệt" của sân khấu Cải lương.
Lúc nhỏ, mọi người nghĩ bà kỵ tuổi cha, mà cậu mợ lại không có con. Cho nên, Bo Bo Hoàng được đưa sang sống với cậu mợ. Cha mẹ làm chủ gánh hát, cậu mợ cũng vậy. Bởi thế, từ bé, bà đã theo cha mẹ nuôi rong ruổi khắp nơi. 4 tuổi, bà lên sân khấu hát. Giọng hát cô bé 4 tuổi thanh tao, ngọt ngào, vững nhịp, được khán giả tán thưởng. Bà nhớ: “Hồi còn bé xíu, tôi đã rất dạn dĩ, thích lên sân khấu hát. Người thì thấp bé, micro thì tít trên cao, mỗi lần tôi lên hát, người trong đoàn phải kê một chiếc ghế cao cho tôi đứng lên”.
Thấy bà ca vọng cổ tốt, ông bầu Minh Tơ mới cho ghép cặp đào kép với nghệ sĩ Thanh Tòng. “Anh Thanh Tòng ca không xuất sắc nhưng vũ đạo rất tốt. Anh Thanh Tòng đóng Lữ Bố thì tôi đóng Điêu Thuyền, anh trai của tôi vào vai Đổng Trác… Thấy khán giả quá yêu mến, ông bầu Minh Tơ mới phát triển thành đoàn Đồng ấu Minh Tơ. Lúc đó, tôi mới 8 tuổi. Sau này, cha tôi thấy trẻ con mà đi hát những vai của người lớn thì không phù hợp nên rút tôi về, đưa sang đoàn Thủ Đô của bác Ba Bản. Lúc đó, Thủ Đô là đoàn hát tân tiến nhất Việt Nam. Tại đây, tôi vào vai cô bé Bo Bo trong vở Tiếng trống sang canh, được khán giả yêu thích cuồng nhiệt. Khán giả yêu mến đến độ không gọi tên tôi nữa mà chuyển sang gọi Bo Bo. Từ đó, tôi chuyển sang nghệ danh Bo Bo Hoàng theo cách gọi của người hâm mộ”., nghệ sĩ Bo Bo Hoàng kể.
Nếu các nghệ sĩ khác chỉ cần một vai diễn để đời thì bà thực sự giàu có khi hóa thân đến 3 nhân vật được khán giả yêu mến và nhắc nhớ cho đến hôm nay. Một vai diễn giúp bà định danh cái tên Bo Bo Hoàng trong lòng khán giả, vai gái điếm giúp bà đoạt giải Thanh Tâm và nhờ vai Cám mà bà mua được nhà. Nghệ sĩ Bo Bo Hoàng nhớ: “Thời điểm mua được nhà ở quận 1, tôi nghèo dữ lắm, một mình nuôi 3 đứa con. Với 3 con nhỏ, tôi rất cần một chỗ ở ổn định nhưng nhà ở tận Tân Quy Đông (quận 7), mỗi ngày phải đi 3 lượt xe lam, xe đò, xe ngựa để sang quận 1 hát, con cái thì phải mướn người trông giữ”.
Nữ nghệ sĩ vẫn lưu giữ những hình ảnh của thời thanh xuân.
Có lần, bà về nhà bất ngờ để kiểm tra thì thấy người giữ trẻ cho con bà ăn cơm với muối. Quá xót xa, bà muốn mua nhà gần chỗ làm để tiện chăm sóc các con. Cùng lúc đó, vai Cám của nghệ sĩ Bo Bo Hoàng trong tuồng Tấm Cám rất được khán giả rất yêu thích. Trước tài năng của bà, nhà hát Trần Hữu Trang muốn mời nữ nghệ sĩ về hợp tác nhưng lúc này, bà vẫn đang hoạt động ở đoàn Huỳnh Long. Hai đoàn đều muốn có bà nên “giằng co” với nhau, kiện lên cơ quan quản lý. Cuối cùng, cơ quan quản lý yêu cầu đoàn Huỳnh Long tạo điều kiện cho nữ nghệ sĩ có chỗ ở ổn định. Ngay lập tức, đoàn Huỳnh Long ứng cho nghệ sĩ Bo Bo Hoàng 200.000 đồng để lo chuyện nhà cửa.
Sau đó, bà mua một ngôi nhà nhỏ trong hẻm ở quận 1 với giá 800.000 đồng nhưng chỉ trả được 200.000 đồng, số tiền còn lại, bà góp dần nhờ vào sự trợ giúp của đoàn Huỳnh Long. “Tính đến nay, tôi đã có hơn 60 năm theo bộ môn nghệ thuật cải lương nên không thể đếm hết những thương mến khán giả dành cho mình. Tôi nhớ, khi hát vai Cám ở rạp Đại Đồng, mỗi tối, tôi đều chạy xe đạp về nhà. Lúc đó, tôi chưa mua được nhà và còn thuê nhà trọ. Tôi chạy xe đạp phía trước thì phía sau có một có một chiếc xe hơi đi theo. Họ lặng lẽ theo sau để tìm hiểu cuộc sống của tôi. Sau này, tôi mới biết họ là người có quyền thế từ Campuchia sang Việt Nam sinh sống. Cả vợ lẫn chồng đều mến mộ tôi nên đêm đó âm thầm theo tôi về nhà”, nghệ sĩ Bo Bo Hoàng kể.
Tận mắt nhìn thấy nữ nghệ sĩ tài danh bước vào căn gác ọp ẹp, những khán giả giàu sang, có địa vị rất thương cảm. Sau này, họ có mời bà đến nhà ăn cơm. Trong bữa cơm thân tình, họ nói sao bà tài hoa như thế mà sống cơ cực. Sân khấu cũng mang đến cho bà những mối yêu thương lạ lùng. Bà nhớ: “Khi ra Huế hát tăng cường, tôi có 1 mối tình liên quan đến nghệ thuật. Thời điểm đó, có anh chàng ái mộ tôi lắm. Biết đoàn liên tục di chuyển từ Đông Hà rồi ra Quảng Trị, anh ấy bỏ cơ quan để đi theo đoàn, theo tôi mãi”.
Bà bộc bạch: “Bây giờ, nếu yêu cầu tôi kể lại những khổ cực khi đi hát thì không đúng. Những cái khổ đó thực chất là vui sướng, hạnh phúc của tôi, làm sao tôi xem đó là khổ được. Ngồi nhớ lại, tôi thèm có được cơ hội trở về những chuyến lưu diễn trước kia. Hay như, sau mỗi đêm diễn, ngủ trên gác ọp ẹp hoặc nằm ngoài sân bãi, dư âm của suất hát vừa qua khiến mình hạnh phúc quá, sung sướng đến độ không thể chợp mắt. Nghệ sĩ bây giờ không còn được cái sướng như chúng tôi lúc đó đâu”.
Thấy nghệ sĩ Bo Bo Hoàng làm mũ mão đẹp, nhiều đồng nghiệp nài nỉ bà làm bán cho họ.
Bà tâm đắc, nghệ sĩ ngày nay không có cơ hội trải qua cảm giác mênh mang, bồng bềnh sóng nước khi nằm trên mui ghe trong đêm, thỏa mắt ngắm sao trời. Bà cảm nhận, ngày xưa đi hát, cuộc đời mới đáng là cuộc đời đủ sự tận hưởng, trải nghiệm mà khó có được lần thứ hai. Đời người nghệ sĩ giống như một thầy tu, phải có trách nhiệm với cuộc sống. Người nghệ sĩ phải có đức hạnh mới đứng ra sân khấu, đảm nhận được hết tất cả các vai. Mỗi đêm, người nghệ sĩ không ác nhưng phải nhập vai kẻ ác, để người xem thấy mà sửa sai, nhắc cho người đời nhớ cái phải, cái chính, cái tà.
“Em xem một vở tuồng nếu không có kẻ ác, không có anh hề, không có người tốt, không có nhạc hoạ… thì chán lắm. Nó phải có đủ thứ. Cuộc đời cũng vậy. Phải có người nghèo, có người tốt, kẻ xấu. Tôi luôn khẳng định mình giàu có dù nhà nhỏ, không có xe hơi nhưng tôi đang hạnh phúc. Nhiều người nói về tôi sai lắm. Họ nói tôi nghèo khổ, đi hát một đêm không đủ tiền ăn… Có bao giờ tôi đi than thở như thế đâu. Tôi không xin xỏ gì cả”, bà cười hãnh diện.
Làm thêm mũ mão bán cho đồng nghiệp
Nhiều năm trong nghề, nghệ sĩ Bo Bo Hoàng không thể trông chờ thu nhập từ sân khấu mà tự học lấy thêm nghề làm mũ mão cho các đoàn hát. Thu nhập của nghề này cũng bấp bênh, có tháng làm được cả trăm triệu đồng nhưng cũng có lúc mấy tháng liền không ai đặt mua. Ban đầu, bà tự làm mũ mão để diễn, đồng nghiệp nhìn thấy những phụ kiện bà làm đẹp quá nên nài nỉ làm cho họ dùng. Trời thương, bà ngồi suốt ngày để thêm thắt từng hạt kim tuyến, bẻ từng sợi kẽm nhưng không thấy đau nhức, mệt mỏi.N.L