Tiền tài, danh vọng vốn là ham muốn của người đời. Bởi, với nhiều người có tiền có quyền đồng nghĩa với việc thích làm gì thì làm, muốn mua gì thì mua, được vạn người tung hô ngưỡng mộ. Con người vốn dĩ thích được trở thành tâm điểm, thích được chú ý. Thế nên, đôi khi, ta làm những việc không tưởng chỉ để gây chú ý...
Ông Shankar Kurhade đeo chiếc khẩu trang vàng có giá 4.000 USD. (Ảnh. AFP)
Một doanh nhân tại Ấn Độ đang trở thành tâm điểm của truyền thông châu Á khi xuất hiện ngoài chợ với chiếc khẩu trang bằng vàng. Ông Shankar Kurhade đã chi khoảng 4.000 USD để làm chiếc khẩu trang đặc biệt này. Chiếc khẩu trang mỏng và có những lỗ li ti để giúp ông Kurhade có thể thở được. Trong đại dịch Covid-19, khẩu trang được coi là giải pháp mang lại hiệu quả để bảo vệ người dùng, nhưng ông Shankar lại “không chắc liệu nó có bảo vệ tôi trước virus Corona hiệu quả hay không?”. Với ông Shankar, an nguy sức khỏe chẳng là gì so với ham muốn thể hiện sự giàu có của mình. Ông Shankar tiết lộ, với chiếc khẩu trang mới, ông được nhiều người chú ý và đề nghị chụp ảnh cùng. Mọi người hào hứng và ông cũng rất vui.
Người ta vẫn bảo, tiền không mua được hạnh phúc cũng chẳng mua được niềm vui. Điều này chưa hẳn đã đúng trong trường hợp của ông Shankar. Vị doanh nhân này đã tự kiếm niềm vui, nụ cười cho mình giữa đại dịch Covid-19 bằng chiếc khẩu trang làm từ vàng. 4.000 USD có sá chi khi ông Shankar có được điều mình muốn.
Chẳng thể phủ nhận tiền có thể mang lại nụ cười, sự thỏa mãn và nhiều điều khác nữa. Nhưng, tiền cũng là… bạc. Đồng tiền không được sử dụng đúng sẽ gieo mầm hậu họa và gây ra những hệ lụy.
Một huyện nghèo khẩn trương xây dựng tượng đài 48 tỷ đồng đang là câu chuyện nhận được sự quan tâm đặc biệt. Những câu hỏi treo không chỉ đến từ dư luận mà còn chính với những người dân ở nơi đặt tượng đài.
Công trình tượng đài Khởi Nghĩa Vĩnh Thạnh do UBND tỉnh Bình Định phê duyệt năm 2019. Khắc cốt ghi tâm những hy sinh, cống hiến của người đi trước là một trong những truyền thống làm nên vẻ đẹp Việt. Bao đời này, truyền thống này đã tạo nên những trang sử hào hùng cho dân tộc ta. Tuy nhiên, một huyện miền núi nghèo “ngốn” đến 48 tỷ đồng để xây tượng đài lại là điều khiến người ta hoài nghi về động cơ phía sau. Có hay không sự khuất tất trong quyết định xây tượng đài ta không thể chứng minh, nhưng rõ ràng với một huyện miền núi nghèo, thì tượng đài cao 20m kia không thể giúp họ có thêm miếng cơm, manh áo. Khi cái đói, cái khát còn đeo bám, còn đó những mảnh đời gian khó thì một tượng đài tinh thần liệu đã thực sự cần thiết?
Cách đây không lâu, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản "chưa xem xét chủ trương đầu tư xây dựng tượng đài Bà Triệu tại khu công viên quảng trường trung tâm huyện Yên Định”. Thay vì xây tượng đài trị giá 20 tỷ đồng, UBND tỉnh yêu cầu huyện Yên Định tập trung dành nguồn lực triển khai thực hiện các công trình, dự án dở dang. Đây là một quyết định hợp lý. Bởi, trước đó, công nợ của huyện này lên đến hơn 50 tỷ đồng.
Nợ hơn 50 tỷ đồng nhưng lại đề xuất xây tượng đài đến 20 tỷ đồng… Quả là điều khó hiểu. Thật đáng buồn khi trọng trách đặt không đúng chỗ. Thống tướng nổi tiếng của Mỹ, Douglas MacArthur đã từng nói: “Bổn phận, Danh dự, Đất nước. Ba từ thiêng liêng ấy cung kính nêu lên điều anh phải trở thành, điều anh có thể trở thành và điều anh sẽ trở thành”.
Vậy, với việc “quan huyện” đặt trách nhiệm sai trọng tâm, dân sẽ ra sao?
Hãy bỏ lại các nghi vấn về trách nhiệm của “quan huyện” để quay trở lại với đất nước Ấn Độ. Một cặp vợ chồng tại đất nước này đã làm việc khiến nhiều người phải suy ngẫm. Ở đâu đó, đất rừng và rừng bị chặt phá để thỏa mãn nhu cầu lợi ích của một vài cá nhân thì tại bang Rajasthan, cặp vợ chồng này đã dành 16 ha đất cho rừng và các loài thú. Mặc dù, vợ chồng ông Singh nhận được nhiều lời đề nghị về việc sử dụng mảnh đất này cho mục đích sinh lợi nhưng họ từ chối. Mảnh đất của họ giờ đây trở thành khu rừng xanh mát, là nơi trú ngụ của nhiều động vật hoang dã.
Cách nhìn khác nhau vẽ nên bức tranh cuộc sống khác nhau. Thế nên, chỉ cần một thay đổi nhỏ nhất về cách nhìn ta có thể biến đổi cả một cuộc đời. Thế giới cũng sẽ vậy, chỉ cần ta thay đổi thái độ chút thôi, nó cũng sẽ khác.
Người ta hay nói đến định mệnh, đến số phận nhưng ta có thể xoay chuyển nó bằng việc thay đổi bản thân. Ta không thể điều khiển những gì xảy đến với mình, nhưng có thể thay đổi thái độ khi đón nhận nó. Vậy nên, đừng đổ lỗi cho cuộc đời.
Lê Anh
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.