“Y tế online” lâu nay đã trở thành từ khóa không mấy xa lạ, đặc biệt là trong thời đại mọi thứ đều có thể “order” – yêu cầu ngay trên mạng. Không cần vất vả thăm khám trực tiếp tại các trung tâm y tế, giờ đây chỉ cần một cú nhấp chuột tìm kiếm thì người dùng đã dễ dàng có đến hàng trăm lựa chọn khác nhau với nhiều mức giá đa dạng về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà trong tích tắc.
“Phục vụ mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Chỉ cần nhấc máy điện thoại theo số hotline 0976671xxx – 0901754xx là có cả một đoàn người quan tâm”, đây là những lời quảng cáo về dịch vụ tiêm, truyền tại nhà khi PV ngẫu nhiên lựa chọn một “trung tâm y tế” trên mạng.
Với lời quảng cáo đầy tự tin là có đội ngũ bác sĩ trình độ cao, kinh nghiệm lâu năm, làm việc tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội, trung tâm này luôn cam kết tuân thủ mọi quy trình, quy định và đảm bảo an toàn khi tiến hành các dịch vụ. Sự “chuyên nghiệp” của địa chỉ này còn được thể hiện ở chỗ sẵn sàng phục vụ bệnh nhân 24/7 ngay khi có nhu cầu. Có lẽ vì thế nên dù đã hoạt động trong thời gian dài thì trung tâm y tế này đến hiện tại vẫn “quên” chưa đăng ký tên cơ sở khám chữa bệnh.
Những lời quảng cáo chữa bách bệnh từ truyền tại nhà.
“Cần tiêm truyền thì alo liền” kèm theo số điện thoại, nhưng đã vài tiếng trôi qua kể từ khi PV liên hệ để khảo giá dịch vụ thì người tên Lê (thông tin giới thiệu từng học tại đại học Y Hà Nội) vẫn chưa có hồi âm.
Còn Facebook Lê Thanh Truyền Nước là địa chỉ tiếp theo xuất hiện trên facebook cá nhân. Thông tin đăng tải của người này khiến cho PV không khỏi ngỡ ngàng vì cái gì cũng chữa được bằng phương pháp truyền tại nhà: Truyền thải độc, trợ sức cho người mệt mỏi, choáng, buồn nôn sau uống rượu; truyền thải độc gan định kỳ; truyền rối loạn tiền đình; truyền đẹp da cho người da sạm, choáng sau dùng chất kích thích; truyền cho người công việc mệt mỏi, thức đêm nhiều,… Vô số công dụng, cũng không thiếu các địa chỉ khách hàng dọc khắp Hà Nội mà người này đã thực hiện, thế nhưng đến hiện tại thì thông tin của vị “bác sĩ” này vẫn là một ẩn số.
Mặc nhiên giao phó sức khỏe cho dịch vụ tiêm, truyền tại nhà khiến cho nhiều người phải đối mặt với những rủi ro, biến chứng vô cùng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Anh N.V.C. (Đông Anh, Hà Nội) là một trong số đó. Chiều 4/7 vừa qua, do thấy trong người mệt mỏi lại vướng hai con nhỏ ở nhà nên anh C. quyết định sang cơ sở y tế tại nhà của một bác sĩ tại huyện Đông Anh để truyền dịch.
Theo thông tin của chị H.T. (vợ nạn nhân), anh C. không vào viện thăm khám mà hoàn toàn tin tưởng để bác sĩ tiến hành truyền dịch tại cơ sở ở nhà, một phần cũng vì ở gần nhà nên anh chẳng mảy may lo lắng gì. Cho đến khi anh C. xuất hiện những triệu trứng sốc thuốc thì cả bác sĩ và y tá của phòng khám mới tán loạn, cuống cuồng rút ống truyền dịch để sơ cứu và lập tức đưa anh này đi cấp cứu tại bệnh viện. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do tốc độ truyền dịch quá nhanh.
Một nạn nhân của việc tiêm, truyền tại một nhà bác sĩ người quen.
Chị C.T.H (Thái Nguyên), một nạn nhân khác, kể: “Tôi hay bị đau mỏi vai gáy nên thỉnh thoảng vẫn phải đi khám và mua thuốc uống tại bệnh viện. Đợt này không có thời gian nên tôi chưa xuống viện để khám lại và mua thuốc được. Nghe quảng cáo của bà V. chỉ cần tiêm là hết đau nên tôi đã thử. Một, hai mũi đầu thì thấy cơn đau cũng giảm, nhưng những mũi tiêm sau thì gần như không có hiệu quả gì, thậm chí bả vai bên phải của tôi còn ê cứng, mất cảm giác”. Vô cùng lo lắng trước tình trạng hiện tại, chị H. cho hay đã dừng tiêm thuốc và thu xếp thời gian để xuống bệnh viện khám lại trong thời gian sớm nhất.
Bỏ ngoài tai mọi lời cảnh báo về các dịch vụ tiêm, truyền kém chất lượng, chị Thanh Hoa (Bắc Giang) chia sẻ sau gần một tuần xây sẩm mặt mày vì truyền đạm tại nhà: “Thấy người mệt mỏi, không ăn uống được nên tôi gọi người về nhà truyền nước chứ không ra trạm xá như mọi khi. Thấy vẫn mệt và bị tụt huyết áp nên y tá đề nghị truyền đạm để bổ sung những chất đang thiếu trong cơ thể, tôi đã dồng ý. Khi truyền gần hết chai đạm, tôi thấy ven tay bị tím, sưng và đau.
Đến tối lại bắt đầu xuất hiện những cơn chóng mặt, khó thở, nôn nao trong người, thấy tình trạng không thuyên giảm nên tôi bảo chồng đưa đi nhập viện để kiểm tra. Bác sĩ cho biết, với những tình trạng như trên thì tôi không nên truyền đạm vì nguyên nhân xuất phát từ bệnh lý nền trong cơ thể chứ không phải do thiếu đạm”. Dở dang công việc vì phải nhập viện gần một tuần lễ, chị Hoa bức xúc: “Lần sau có cho tiền tôi cũng không dám tin quảng cáo ở trên mạng nữa”.
Trước hàng loạt những rủi ro khôn lường về sức khỏe, thị trường tiêm, truyền tại nhà vẫn “vô tư” hoạt động. Không đủ tỉnh táo trước mánh khóe mời chào thời “y tế online”, nhiều người cay đắng chịu đựng hậu quả mà chẳng biết kêu ai, nhẹ thì “lợn lành hóa què”, nặng thì tính mạng đã đặt bàn cân.
Nguy cơ tử vong khi tiêm, truyền tại nhà
Cảnh báo về tình trạng trên, bác sĩ Đoàn Mạnh Nam (khoa Hồi sức Cấp cứu – bệnh viện Đa khoa Hòa Bình) cho biết: “Nguy cơ rủi ro, tử vong đối với các trường hợp tiêm, truyền tại nhà hoặc tại các phòng khám tư nhân rất cao vì hầu hết các bác sĩ, y tá chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề, không có đủ trang thiết bị, máy móc, công cụ và thuốc để kịp thời ứng phó nếu bệnh nhân bị sốc thuốc. Có những bệnh nhân tiêm thuốc kháng sinh đến 7 ngày mới bị sốc thuốc hay còn gọi là dị ứng muộn. Triệu chứng nhận biết là khó thở, nổi mề đay, tím tái, suy hô hấp. Ngược lại, có những bệnh nhân chỉ cần tiêm một lượng nhỏ thuốc vào cơ thể là đã bị sốc thuốc.
Do vậy, để sức khỏe và tính mạng được đảm bảo ở mức tối đa tôi khuyên mọi người nên thăm khám tại các bệnh viện uy tín vì trước khi tiêm, truyền bất kỳ một loại thuốc gì vào cơ thể bệnh nhân cũng đều được tiến hành các xét nghiệm và chụp chiếu theo quy định, sau đó mới thực hiện tiêm, truyền theo loại thuốc, liều lượng mà bác sĩ chỉ định”.
H.Y