Nằm trong loạt bài phóng sự điều tra về tình trạng phá rừng ở huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), gần đây nhất là ngày 27/5, Người Đưa Tin Pháp Luật có đăng tải bài viết “Tiếp tục phát hiện nhiều khu rừng phòng hộ ở Thanh Hóa bị lâm tặc xẻ thịt”.
Nội dung bài viết phản ánh, ngày 24/5, PV tiếp tục xâm nhập thực tế, điều tra mở rộng diện tích rừng bị phá tại xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân. Kết quả ghi nhận bất ngờ khi nhiều khu rừng tại địa bàn xã Xuân Chinh cũng bị xẻ thịt thời gian gần đây.
Mức độ và tính chất không thua gì những cánh rừng chúng tôi đã phản ánh và UBND huyện Thường Xuân có văn bản phản hồi Tạp chí trước đó.
Số cây gỗ bị chặt hạ phần lớn đã được cưa xẻ đưa ra ngoài, nhiều cây khác được cắt khúc bị bỏ lại rừng. Quan sát vết cưa, nhựa mủ chảy tại gốc cây và những con đường mòn được lâm tặc tạo ra, dùng để kéo gỗ thì có thể phán đoán những cách rừng này mới bị chặt hạ cách đây không lâu.
Điều đáng nói là số cây gỗ bị “xẻ thịt” trái phép đến thời điểm PV phát hiện, ghi lại hình ảnh thì vẫn chưa được chính quyền địa phương, lực lượng kiểm tra kiểm tra, phát hiện, đánh dấu và lập hồ sơ xử lý.
Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND xã Xuân Chinh và Hạt kiểm lâm Thường Xuân đã tổ chức đoàn đi kiểm tra rừng tại thôn Tú Ạc, xã Xuân Chinh.
Gỗ rừng bị lăm tặc xẻ thịt, nhưng chưa kịp vận chuyển ra ngoài.
Theo biên bản kiểm tra được lập hồi 16h, ngày 24/5 vừa được Hạt kiểm lâm Thường Xuân cung cấp cho PV xác định: “Tại khu vực lô 52, khoảnh 4, tiểu khu 555, rừng sản xuất của chủ rừng là Lê Văn Cường, có địa chỉ tại xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân. Phát hiện rừng bị khai thác trái pháp luật 8 cây gỗ nhóm 7, khối lượng là 1,6m3, gỗ còn tại rừng là 15 khúc, thời điểm khai thác là tháng 5/2020. Tại thời điểm kiểm tra không phát hiện đối tượng khai thác trái phép.
Tại khu vực lô 53, khoảnh 4, tiểu khu 555, rừng sản xuất, chủ rừng là ông Cầm Bá Tân, có địa chỉ tại thôn Hành, xã Xuân Chinh phát hiện 1 cây gỗ nhóm 7 bị khai thác, với khối lượng 0,1m3, thời điểm khai thác là tháng 5/2020. Thời điểm kiểm tra tra không phát hiện đối tượng khai thác trái phép”.
Đoàn kiểm tra thống nhất đề nghị UBND xã Xuân Chinh thu hồi 15 khúc gỗ tròn, nhóm 7 còn lại tại hiện trường để điều tra, xác minh đối tượng khai thác trái phép, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đây là phần còn lại của cây gỗ rừng hàng chục năm tuổi tại xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân.
Trước đó, ngày 20/5, Tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật có bài viết đầu tiên trong loạt bài phản ánh tình trạng phá rừng ở xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân với tiêu đề “Hàng loạt cây gỗ rừng tự nhiên, đường kính lớn ở Thanh Hóa bị "lâm tặc" chặt hạ”.
Báo cáo của UBND huyện Thường Xuân xác định, kết quả kiểm tra rừng tại thôn Tú Ạc, xã Xuân Chinh là khu vực giáp ranh với xã Thanh Sơn, huyện Như Xuân, phát hiện tại lô 11, khoảnh 5a, 5b, tiểu khu 561, có 15 cây gỗ, sản phẩm nhóm 6 đến nhóm 7 khai thác trái pháp luật, khối lượng là 3,8m3. Cụ thể, tại lô 11, khoảnh 5a, tiểu khu 561, loại rừng phòng hộ, được giao cho hộ gia đình ông Vi Văn Dũng trú tại thôn Tú Ạc, xã Xuân Chinh bị khai thác 6 cây gỗ, thuộc nhóm 7, khối lượng 1,25 m3, thời điểm khai thác là tháng 3/2020.
Tại lô 11, khoảnh 5b, tiểu khu 561, thuộc rừng phòng hộ được giao cho hộ ông Cầm Bá Đức, trú tại thôn Chinh, xã Xuân Chinh bị khai thác 9 cây gỗ rừng thuộc nhóm 7, khối lượng là 2,59m3. Tiến hành kiểm tra mở rộng không phát hiện có khai thác gỗ trái pháp luật.
Theo tìm hiểu của PV, ông Cầm Bá Đức hiện là Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc (nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh), còn ông Vi Văn Dũng là cán bộ địa chính xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân.
Gỗ rừng sau khi bị chặt hạ, được cửa xe thành phẩm chuẩn bị vận chuyển ra ngoài tiêu thụ.
Ông Phạm Thăng Long – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Thường Xuân xác định, phản ánh của Người Đưa Tin về tình trạng phá rừng tại xã Xuân Chinh là đúng thực tế. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng phá rừng là do nguyên nhân khách quan, cán bộ kiểm lâm địa bàn, trạm kiểm lâm Bù đồn (quản lý các xã: Xuân Chinh, Xuân Lẹ, Xuân Lộc và Vạn Xuân) và lãnh đạo hạt đã làm hết trách nhiệm. Không có việc cán bộ kiểm lâm thông đồng với lâm tặc, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, báo vệ rừng.
Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Thường Xuân thông tin, hiện tại đơn vị có 23 cán bộ, nhưng được giao quản lý, bảo vệ tới 93.210 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trung bình mỗi kiểm lâm viên phải quản lý, bảo vệ hơn 4.000 ha (cao gấp khoảng 4 lần so với quy định của nhà nước).
Trước tình trạng rừng bị phá, ông Long đã điều động 3 kiểm lâm viên từ các trạm khác tới tăng cường cho trạm kiểm lâm Bù Đồn. Ngoài ra, Hạt kiểm lâm Thường Xuân cũng đã đề xuất và được Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa điều động ông Nguyễn Xuân Vĩnh – Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Bù Đồn lên nhận công tác tại huyện Mường Lát và điều ông Lê Văn Minh từ huyện Mường Lát về làm trạm trưởng trạm kiểm lâm Bù Đồn.
Ông Phạm Thăng Long - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Thường Xuân trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật.
Ông Mai Hữu Phúc – Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa cảm ơn PV và Tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật đã kịp thời cung cấp thông tin để ngành kiểm lâm tăng cường công tác kiểm tra, tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Theo ông Phúc, để xảy ra tình trạng phá rừng ở xã Xuân Chinh, ngoài nguyên nhân khách quan thì có trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm. Tuy nhiên, trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan đến sự việc này chưa đến mức phải kỷ luật mà chỉ yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm trước tập thể đơn vị và lãnh đạo chi cục.
“Sau khi có phản ánh của báo chí, Chi cục đã giao đồng chí Việt chi cục phó chỉ đạo trực tiếp vụ này. Chi cục đã thành lập một đoàn kiểm tra đi lên trên đó cùng với Hạt và đội kiểm lâm cơ động số 2 tổ chức kiểm tra toàn diện khu vực bị phá như báo nêu, để báo cáo tỉnh, sở và trả lời báo. Đồng chí Việt cũng làm việc với Hạt để làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan. Các cá nhân, tổ chức có liên quan chưa đến mức kỷ luật mà kiểm điểm trách nhiệm nghiêm túc trước lãnh đạo chi cục và tập thể lãnh đạo đơn vị” – Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa cho hay.
Ông Mai Hữu Phúc - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa làm việc với PV.
Liên qua tới việc này, hai chủ rừng phòng hộ được nhà nước giao khoanh nuôi, bảo vệ là cán bộ, lãnh đạo địa phương (ông Cầm Bá Đức hiện là Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc - nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh; còn ông Vi Văn Dũng là cán bộ địa chính xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân) nhưng lại để rừng bị phá, ông Mai Hữu Phúc cho biết, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã cử một chi cục phó dẫn đầu đoàn công tác trực tiếp lên làm việc với UBND huyện Thường Xuân về công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong đó có nội dung trên.
“Là chủ rừng cho dù cá nhân, tổ chức hoặc cán bộ thì chúng tôi cũng đề nghị huyện làm việc cụ thể. Bảo vệ rừng còn có trách nhiệm của cấp ủy của chính quyền địa phương và chắc chắn họ sẽ có kiểm điểm. Khi lãnh đạo xã mà được nhà nước giao rừng thì đúng ra anh phải có trách nhiệm cao hơn người khác” – Ông Phúc cho hay.
X.C