Sách giáo khoa ngập “sạn”: Khi “lão làng” còn ngây thơ đến ngớ ngẩn

Khi Cánh Diều bị chỉ ra những hạt “sạn” đầu tiên, một vài người vẫn có thể “tặc lưỡi” bênh vực rằng, đội ngũ biên soạn và nhà xuất bản chưa có nhiều kinh nghiệm nên còn sơ suất. Nhưng, nếu các bộ sách của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng cùng chung một “vết xe đổ” thì chẳng ai có thể chấp nhận!

img

Từ cuối tháng 11/2019, Bộ trưởng bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã phê duyệt 5 bộ SGK lớp 1 với danh mục 32 cuốn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, các nhà xuất bản (NXB) đại học Sư phạm Hà Nội và đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh cũng cho ra đời một bộ tham gia vào chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK. Với hơn 60 năm kinh nghiệm trong việc biên soạn, biên tập, in và phát hành SGK, NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị dẫn đầu đóng góp 4 trên tổng số 5 bộ sách.

Những tưởng, không chỉ dẫn đầu về số lượng các bộ SGK mà NXB Giáo dục Việt Nam cũng sẽ khẳng định được vị thế với chất lượng biên soạn và xuất bản sách. Khi sách Tiếng Việt 1 - Cánh Diều được “mổ xẻ” kỹ lưỡng, phát hiện những “hạt sạn” lớn, dư luận không ngừng lên tiếng, mong những cuốn sách này bị thu hồi và cho học sinh chuyển sang học 4 bộ sách còn lại của NXB Giáo dục Việt Nam.

Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày, 2 bộ sách Tiếng Việt 1 - Kết nối tri thức với cuộc sốngTiếng Việt 1 - Chân trời sáng tạo của NXB Giáo dục Việt Nam cũng liên tục bị các chuyên gia chỉ ra hàng loạt “sạn”.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt - Viện trưởng viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông - cho biết, sau phản ứng của dư luận về SGK Tiếng Việt 1 - Cánh Diều, ông tiếp tục xem kỹ một số bộ SGK tiếng Việt lớp 1 khác của NXB Giáo dục Việt Nam thì thấy, có rất nhiều vấn đề sai sót ở các bộ sách này, thậm chí có nhiều sai sót lặp lại đồng loạt ở nhiều bộ sách. Theo ông, khi áp dụng lý thuyết một cách máy móc và thiếu thực tế đã dẫn đến các loại lỗi đồng loạt và vì không có một vị tổng đạo diễn đủ tài để phát hiện và cho xử lý ngay các lỗi nên sách đến tay học sinh vẫn còn nhiều “sạn” đến vậy.

img

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt - Viện trưởng viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông - chỉ ra nhiều lỗi sai trong các bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam.

Bộ sách Cánh Diều của 2 NXB đại học Sư phạm Hà Nội và đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh có những lỗi sai cơ bản thì một vài cá nhân có thể “châm chước” vì dẫu sao, đây cũng được xem như 2 NXB “tay ngang” đối với SGK phổ thông. Còn chuyện những bộ SGK của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có vấn đề thì lại trở nên rất đáng phê phán!

Với bề dày kinh nghiệm biên soạn, in ấn và phát hành hàng chục năm, NXB Giáo dục Việt Nam chẳng khác nào một chuyên gia, “lão làng” về SGK. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của NXB Giáo dục Việt Nam chính là tổ chức biên soạn, biên tập, in, phát hành SGK của các bậc học trên toàn quốc.

Trong lời giới thiệu trên website, NXB Giáo dục Việt Nam cũng khẳng định, có đội ngũ cán bộ, công nhân viên có trình độ chuyên môn cao gồm nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân đủ các chuyên ngành khoa học cơ bản; có đội ngũ biên tập viên chuyên ngành giàu kinh nghiệm, nhiệt tình, tâm huyết với nghề; đội ngũ họa sĩ, kỹ thuật viên chế bản, thiết kế đồ họa giỏi; đội ngũ công nhân kỹ thuật in lành nghề; các chuyên gia thiết bị giáo dục, thư viện trường học, chuyên gia kinh tế, chuyên gia quản lý giỏi.

Ấy vậy mà, chuyên môn và sự chuyên nghiệp của những chuyên gia hàng đầu kia được thể hiện ở đâu? Khi lỗi sai còn tồn tại trong những cuốn sách đã đến tay học sinh, được chuyên gia ngôn ngữ đánh giá là không phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học; nội dung bài học một đằng, hình minh họa một nẻo; chưa kể, vi phạm bản quyền khi một số bài học “na ná” tác phẩm văn học thế giới nhưng lại không hề có “phỏng theo”... Những cuốn sách này còn có không ít những ngữ liệu được viết dễ dãi, tùy tiện, phản cảm, thậm chí phản giáo dục.

Đáng lẽ, những cuốn sách của NXB Giáo dục Việt Nam - bậc “lão làng” nắm trong tay nhiều lợi thế, không phải cực phẩm thì cũng phải là những sản phẩm đạt, đảm bảo chất lượng khi đến tay học sinh. Nhưng giờ đây, dư luận không thể không thất vọng với những gì mà những người làm sách mang đến cho thế hệ mầm non - tương lai của đất nước.

img

NXB Giáo dục Việt Nam.

Cho dù, bộ GD&ĐT có yêu cầu phát hành thêm tài liệu để chỉnh sửa, bổ sung, các thầy cô cũng không thể “cấm” học sinh không tiếp cận với những ngữ liệu phản cảm kia. Và khi tạm dừng các bộ sách để chờ bản thảo bổ sung, học sinh trên cả nước cũng đã vô tình bị đánh cắp thời gian, không tránh khỏi bị xáo trộn trong học tập.

Phải chăng, vì mải mê chạy theo “doanh số”, chạy theo số lượng, chăm chăm vào cái tiếng “biên soạn được nhiều bộ SGK”, mà những chuyên gia đã lỡ bỏ quên hai tiếng “chất lượng”.

Nếu cứ tiếp tục mang trẻ em ra làm chuột bạch cho những đổi mới, cho những “tài năng” biên soạn sách, những “sáng tạo” ngày một “tối” chỉ để đạt chỉ tiêu về số lượng, mà vỗ ngực “khoe mẽ” với dư luận kiểu: “Tôi làm được 4/5 bộ sách giáo khoa”... thì người ở những vị trí đó quả thực rất nhẫn tâm! Đây chẳng khác nào một hình thức “đầu độc” thế hệ trẻ.

Khi không đủ tiềm lực để làm ra cả 4 bộ sách tốt, thì tại sao không tập trung và đầu tư cho một bộ sách trước, làm thật tỉ mỉ, cẩn thận để có ít nhất một đứa con tinh thần đầy đủ và phù hợp với lứa tuổi học sinh?

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả!

img