a
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Trần Đức Cảnh (chuyên gia Giáo dục Hoa Kỳ, thành viên hội đồng Quốc gia Giáo dục & Phát triển nhân lực) nhận định: “Tôi không có nhiều kinh nghiệm về sách giáo khoa bậc tiểu học ở Việt Nam, nhưng qua quan sát tôi nghĩ đây không đơn thuần chỉ là sai sót về nội dung soạn sách giáo khoa ở lớp 1, mà phải nhìn vấn đề rộng hơn về mặt triết lý, tâm lý giáo dục của chương trình ở bậc mầm non, tiểu học... hiện nay.
Đây cũng là một cơ hội tốt để bộ GD&ĐT và các đơn vị có liên quan, kiểm tra và đánh giá lại về cấu trúc, cách tiếp cận chương trình dạy và học như vậy có đúng chưa?”.
Còn về chi tiết “sai sót” của sách giáo khoa tốt nhất là nên nghe ý kiến phản biện của các giáo viên lớp 1 hay tiểu học về các phần nội dung chi tiết qua các phương tiện.
Ông bày tỏ quan điểm: “Theo ý kiến của tôi, nhân chuyện này chúng ta nên lùi lại một vài bước đánh giá tổng thể xem chương trình dạy theo sách giáo khoa soạn như vậy có đúng hay quá đà không; chứ bây giờ điều chỉnh, sửa chỗ này, ráp chỗ kia, mang tính chắp vá e không giải quyết được vấn đề lâu dài một cách bài bản.
So sánh với chương trình học sinh lớp 1 ở các nước phát triển, thường họ chỉ yêu cầu học chữ cái và ghép câu vần thôi, vừa học vừa chơi, sinh hoạt lớp và tập thể, học cách ứng xử với người và tiếp cận với môi trường xung quanh một cách nhân văn, thể dục thể thao... từ đó phát triển theo từng bậc lớp.
Theo tôi, ở Việt Nam, các lớp nhỏ học rất nhiều, nếu không nói là bị nhồi nặn có khi quá đà. Nếu không chấn chỉnh chương trình bậc tiểu học sớm thì khi lớn lên học sinh, sinh viên rất dễ bị mất đà ở các bậc học cao hơn. Năng, thể lực và trí tuệ phải phát triển cùng chiều thì con người mới phát triển tốt và hạnh phúc”.
Là một người tâm huyết với giáo dục, ThS Phan Vũ Diễm Hằng (nữ sinh đầu tiên của Việt Nam tham dự và đoạt huy chương tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế) cũng bày tỏ những trăn trở: “Tôi cho rằng, chất lượng của cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 - Cánh Diều thực sự rất kém. Nếu trẻ học theo sách này, thì sẽ trở thành những người rất cộc cằn, bởi những câu trong cuốn sách rất ngớ ngẩn!
Tôi thấy những người biên soạn sách này không đủ tâm trí để làm một cuốn sách cho tốt, thậm chí là rất ẩu. Khi muốn làm một cuốn sách, người Chủ biên phải nắm được chi tiết, tiếp cận thế nào, lấy kiến thức ở đâu để đưa vào… Tất cả phải rất cẩn thận”.
“Ở đây, câu chuyện lùm xùm vừa rồi chứng tỏ một điều, không ai chịu trách nhiệm. Bộ GD&ĐT dựa vào hội đồng thẩm định có nghĩa vụ đảm bảo chất lượng sách giáo khoa đưa vào mỗi nhà trường phải tốt. Tuy nhiên, nhóm biên soạn và nhà xuất bản đã in sách, hội đồng thẩm định đã xác định có lỗi sai mà không kiên quyết bắt sửa. Đó là lỗi lớn. Sách có lỗi, hội đồng biên soạn không chịu sửa, tức là chất lượng không đạt yêu cầu đề ra thì hội đồng thẩm định phải loại ngay, phải xóa bỏ, chứ tại sao lại thông qua để xuất bản và đưa vào giảng dạy, lại cho phép lưu hành. Điều này chứng tỏ một tư duy rất không rành mạch, rõ ràng! Làm sách giáo khoa thì sao có thể xuê xoa như vậy?” - bà Hằng phân tích.
Cuối cùng, ThS Phan Vũ Diễm Hằng nhấn mạnh: “Chính vì vậy, tôi cho rằng, cần phải thu hồi ngay toàn bộ những sách giáo khoa này, không thể để những trang sách đầy rẫy “sạn” tiếp tục hủy hoại tuổi thơ, hủy hoại tương lai của học sinh. Bên cạnh đó, hội đồng biên soạn, hội đồng thẩm định cũng phải bồi thường cho phụ huynh học sinh. Phụ huynh học sinh có quyền trả lại sách, và lấy lại số tiền mình đã bỏ ra trước đó. Phụ huynh học sinh không có lỗi gì cả!”.
GS.TS Trương Việt Bình (nguyên Giám đốc học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam) nêu rõ: Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 được xây dựng chương trình giới thiệu kiến thức đến học sinh một cách tuần tự, khi đã sai là sai cả hệ thống, với rất nhiều nội dung phản giáo dục. Chính vì thế, không thể sửa được nữa. Điều cần thiết là phải loại bỏ ngay bộ sách này và thay thế bằng bộ sách khác để không ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của học sinh”.
Còn chuyên gia giáo dục, TS Vũ Thu Hương thì cho rằng: “Cần phải thu hồi và các trường đang học sách Cánh Diều có thể chuyển ngay sang một trong 4 bộ sách còn lại, như vậy vừa tiết kiệm thời gian và không ảnh hưởng quá nhiều đến học sinh. Nếu cần thiết, tập huấn online ngắn hạn cho giáo viên với sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 thuộc bộ sách khác, trong thời gian đó, học sinh có thể tạm nghỉ một số tiết môn Tiếng Việt và học các môn khác thay thế trước”.
Cần đánh giá khách quan, toàn diện
Luật sư Nguyễn Cao Đạt (công ty Luật Nguyên Khang và Cộng sự) cho biết: “Về vấn đề có cần thiết thu hồi sách giáo khoa Cánh Diều hay không, theo quan điểm của cá nhân tôi, cần phải có một sự đánh giá khách quan, toàn diện. Trước tiên, chúng ta cần xác định những lỗi sai nào đang tồn tại trong bộ sách giáo khoa này, so sánh trong tổng thể cả bộ sách những lỗi sai này chiếm tỉ trọng cụ thể ra sao.
Nếu xác định có lỗi sai nhưng những lỗi sai này xét trên tổng thể không nhiều, những phần khác, nội dung khác của bộ sách vẫn còn giá trị thì nên theo hướng sửa đổi, chỉnh sửa sẽ tốt hơn. Bởi lẽ, quy trình để cho ra đời một bộ sách khoa không đơn giản, công sức của tác giả, tập thể tác giả không ít, nếu chỉ bởi mỗi vài lỗi có thể chỉnh sửa được mà thu hồi cả bộ sách thì không cần thiết.
Về vấn đề bồi thường, tôi xin nêu quan điểm như sau: Nếu bên biên soạn, thẩm định sách và nhà xuất bản thừa nhận những lỗi sai như báo chí đã nêu và chọn phương án chỉnh sửa những lỗi sai đó mà không thực hiện thu hồi thì quyền lợi của người tiêu dùng, cụ thể là những người đã mua sách ở đây có thể được đảm bảo. Bằng cách, khi ban hành bộ sách mới (đã chỉnh sửa), những ai đã mua bộ sách cũ được quyền đem ra để đổi lại bộ sách mới này, đổi ngang giá không bù trừ nếu có chênh lệch về giá. Trong trường hợp bên có thẩm quyền quyết định thu hồi sách thì người mua được quyền trả lại bộ sách đã mua và được hoàn lại số tiền đã mua. Cách xử lý như vậy, theo tôi là đảm bảo được quyền và lợi ích của cả đôi bên”.
T.T