Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Đặng Ngọc Tuyến - Phó Chánh Thanh tra bộ Tài chính cho biết, với tinh thần xử lý triệt để sai phạm cùng với biện pháp nghiệp vụ, đơn vị đã phát hiện tại 7/22 cục Dự trữ của nhà nước có dấu hiệu về dự trữ lương thực trái quy định.
Ông Tuyến thông tin: “Hiện nay, Luật Dự trữ quốc gia năm 2012, Thông tư số 56 của bộ Công an đều quy định rất rõ về việc nghiêm cấm cho gửi hàng hóa vào kho dự trữ, kể cả kho dự trữ chuẩn bị thanh lý không được gửi vào. Như quy định tại Điều 1, Thông tư số 56 đã nêu rõ hệ thống mạng lưới và kế hoạch bảo vệ đối với các kho Dự trữ Nhà nước thuộc Danh mục bí mật nhà nước của ngành Tài chính.
Tuy nhiên, khi tiến hành thanh tra tại các đơn vị trên, đoàn thành tra đã phát hiện và ngay lập tức lập biên bản đối với sai phạm của 7 cục Dự trữ Nhà nước khu vực là Hà Bắc, Đông Bắc, Bắc Thái, Hà Nội, Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên và Thanh Hóa”.
Theo ông Tuyến, tại văn bản báo cáo sự việc của một số Cục thì có nêu rằng, số gạo gửi là của các doanh nghiệp trúng thầu đợt 1 (tức ngày 12/3/2020) nhưng không tiến hành ký hợp đồng bán gạo cho cơ quan dự trữ. Các cục Dự trữ đã cho phép để vào kho, nhưng sau đó không chuyển gạo ra kịp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
“Chúng tôi cũng nhận thấy rằng vụ việc trên có nhiều uẩn khúc. Việc các doanh nghiệp này có thông đồng với các cục Dự trữ Nhà nước chờ nâng giá để bán gạo cho Dự trữ Nhà nước hay không thực sự phải cần phải điều tra làm rõ. Do đó, tôi đã soạn thảo văn bản đề xuất tới bộ Tài chính về việc chuyển giao Cơ quan CSĐT bộ Công an để xác minh, làm rõ vụ việc và từ đó có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, ông Đặng Ngọc Tuyến nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Phó Trưởng ban Dân nguyên, đoàn Bến Tre) nhận định: “Việc có hay không các cục Dữ trữ Nhà nước trên thông đồng với doanh nghiệp để thu lợi bất chính sẽ được cơ quan CSĐT bộ Công an xác minh, làm rõ. Vấn đề cấp thiết lúc này là các cục Dữ trữ Nhà nước cần lãm rõ vì sao các đơn vị này không làm tròn nhiệm vụ để mua đủ số lượng gạo theo quy định của Nhà nước”.
Ông Nhưỡng đặt vấn đề: “Hiện nay, các cục Dự trữ mới chỉ mua được hơn 1000 tấn, vậy số lượng còn lại tại sao lại chưa mua được trong khi gạo vẫn còn đó? Vì sao các doanh nghiệp trúng đấu giá rồi lại không thực hiện nghĩa vụ của mình? Tôi thấy phải làm rõ được những vấn đề này, nếu có vi phạm thì phải nêu gương xử lý thật nghiêm để làm gương".
Còn luật sư Nghiêm Quang Vinh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, vi phạm của các cục Dự trữ Nhà nước nêu trên là đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh lương thực quốc gia.
Luật sư Vinh phân tích, theo quy định, tất cả những thứ thuộc về cục Dự trữ Nhà nước đều thuộc vào danh mục bí mật quốc gia và việc xuất/nhập hàng và được thực hiện theo những chỉ thị đặc biệt. Vi phạm của một số cục Dự trữ Nhà nước khu vực đã cho thấy sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, tổ chức đấu thầu gạo dự trữ đe doạ trực tiếp đến an ninh lương thực quốc gia.
Tại Điều 61 Luật Dự trữ quốc gia đã quy định rất rõ, khu vực kho dự trữ quốc gia phải được tổ chức bảo vệ chặt chẽ, an toàn, bí mật theo quy định của pháp luật; trang bị đa phương tiện, thiết bị kỹ thuật cần thiết cho quan sát, giám sát, phòng, chống thiên tai, hoả hoạn, hư hỏng, mất mát và các yếu tố khác có thể gây thiệt hại đến hàng dự trữ quốc gia.
Công văn 600/2018 của Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng nghiêm cấm cho gửi hàng hóa vào kho dự trữ, kể cả kho dự trữ chuẩn bị thanh lý không được gửi vào.
“Đối với trường hợp này, ngoài bị xử phạt về tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước thì cơ quan chức năng cần phải làm rõ đây có phải hành vi cố tình thông đồng với doanh nghiệm của các cục Dự trữ Nhà nước hay không. Nếu có, thì đây là vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, có thể bị xử lý với hành vi lạm dụng chức vụ trong thi hành công vụ.
Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm minh, quyết liệt, công khai, minh bạch các sai phạm trong ngành để làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Tổng cục Dự trữ nói riêng và toàn ngành tài chính nói chung”, luật sư Vinh nói.
T.H - N.L