Dự án đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, chỉ bỏ ra khoảng 1.500 tỷ đồng ban đầu, rồi đi vay 3.998 tỷ đồng. Lãi vay thì tính vào giá bán nước. Dự án hoàn thành giai đoạn 1 liền bán 34% cổ phần cho đối tác ngoại, “chốt sale” bỏ túi 2.000 tỷ đồng. Đây chính xác là chiến lược đầu tư của Shark Liên – người có phát ngôn nổi tiếng: "Kinh doanh không cần lợi nhuận, có lợi nhuận cũng đem làm từ thiện”.
Tại buổi họp giao ban báo chí do Thành ủy tổ chức chiều 12/11, thông tin Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch tối đa của Nhà máy Nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm, đã khiến cho người dân không khỏi… choáng váng (!)
Và mặc dù vừa trải qua những ngày rũ rượi cầm xô, chậu, chai, lọ đi hứng nước sạch như thời bao cấp, sau sự cố nước sông Đà bị nhiễm dầu thải, ai nấy vẫn kịp bừng tỉnh, sao giá nước sông Đuống được phê duyệt lại cao gấp đôi nước sông Đà?
Phải chăng sự cố nhiễm dầu thải của nước sông Đà, rất vừa vặn, diễn ra cùng thời điểm "tân binh" nước Sông Đuống trình làng giai đoạn 1 của dự án đã gửi tới một thông điệp: Muốn dùng nước sạch thì dân phải chịu chi (?!)
Đồng thời, người ta tự hỏi vì sao cùng là nước sạch mà chính sách của Hà Nội dành cho 2 nhà bán buôn lớn nhất hiện nay (Công ty CP Đầu tư Nước sạch Sông Đà - Viwasupco - và Công ty CP Đầu tư Nước mặt Sông Đuống) lại khác nhau đến vậy.
Cụ thể, giá nước sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội được tính theo Quyết định 38 của Thành phố, ban hành năm 2013. Sau 3 năm tăng liên tiếp, hiện giá bán lẻ nước sinh hoạt (10m3 đầu tiên) từ nguồn sông Đà là 5.973 đồng/m3.
Trong khi đó, dù dự án nước mặt sông Đuống (khởi công năm 2016) đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thiện, chưa cấp nước nhưng đã được Hà Nội chấp thuận giá nước mua buôn là 10.246 đồng/m3.
Người ta cũng tự hỏi, tại sao nguồn nước sông Đà xa gấp mấy lần sông Đuống, mà giá bán buôn nước sông Đuống lại đắt gấp đôi giá bán lẻ nước sông Đà?
Mặt khác, với giá bán lẻ 5.973 đồng/m3, trong năm 2018 Viwasupco đã thu về doanh thu 468 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 218 tỷ đồng (nghĩa là cứ bán ra 2 đồng thì lãi hơn 1 đồng).
Viwasupco kinh doanh nước giá rẻ đã lãi như vậy thì vì sao người dân phải chấp nhận mua nước sông Đuống với giá đắt gấp đôi?
Nếu giá nước tăng 50%, đối tượng chịu thiệt đầu tiên chính là người dân vì người dân không được mặc cả giá nước, nước sạch lại là mặt hàng không thể thiếu, cũng không được lựa chọn nhà cung cấp.
Ngoài ra, xét dưới góc độ quản lý, nếu mua buôn nguồn nước của Nước sông Đuống, đối tượng chịu thiệt tiếp theo là Hà Nội vì phải thêm gánh nặng giải quyết vấn đề kinh phí bù giá.
Với giá mua buôn (dự kiến) 10.264 đồng/m3, so với giá bán lẻ hiện nay là 5.973 đồng/m3, nếu Nhà máy Nước mặt sông Đuống vận hành tối đa công suất (300.000 m3/ngày đêm), thì Hà Nội sẽ phải bù lỗ 3 tỷ đồng/ngày.
Trong khi nếu tiếp tục mua nước Sông Đà (hiện Nước sông Đà đang bán cho Viwaco và Nước sạch Hà Đông với giá bán 5.069,76 đồng/m3), so với giá bán lẻ 5.973 đồng/m3 hiện nay thì Hà Nội đang có lãi.
Mà thật ra, nếu Hà Nội có chi ngân sách để bù giá nước cho dân, tiền ngân sách đó suy đến cùng cũng là nguồn thuế đóng góp của dân.
Trong bối cảnh này, phát ngôn của lãnh đạo Nước sông Đuống được dư luận chú ý hơn cả. Thì đây, Shark Liên (bà Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch HĐQT tập đoàn AquaOne, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước mặt Sông Đuống) vừa đăng đàn trả lời báo chí rằng nước sông Đuống chất lượng hơn cả nước suối đóng chai, giá 10.264 đồng/m3 vẫn là rẻ so với giá 5.000- 6.000 đồng một chai nước suối nhỏ.
“Đây là dự án đầu tư lớn, số vốn vay cũng rất lớn”, bà Liên lý giải vì sao giá nước sông Đuống đắt gấp đôi nước sông Đà, hàm ý rằng khách hàng mua nước của bà là đối tượng phải chịu chi phí lãi vay đó.
Tại buổi giao ban báo chí chiều 12/11, ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội – cũng cho biết, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống có chi phí đầu tư 4.998 tỷ đồng, trong đó chủ đầu tư phải vay 3.998 tỷ đồng, chi phí lãi vay trong giai đoạn đầu tư được tính vào tổng vốn đầu tư dự án, sau giai đoạn đầu tư, lãi vay được tính vào giá thành nước.
Nói tóm lại, theo ông Hà, chi phí lãi vay dự án Sông Đuống chiếm khoảng 20% giá thành nước Sông Đuống, nghĩa là người dân phải gánh 2.103 đồng cho mỗi m3 nước mua của Nhà máy Nước mặt Sông Đuống.
Khi phát ngôn này của chủ đầu tư và lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội được phát ra, nhiều chuyên gia kinh tế phản hồi rằng, kinh doanh là chuyện lời ăn lỗ chịu, đầu tư dự án mà đẩy rủi ro về phía người dân như Shark Liên thì ai cũng có thể làm.
Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý TW) nhận định, việc người dân phải mua nước sạch với giá bao gồm cả 2.103 đồng/m3 lãi suất của chủ đầu tư là không hợp lý.
Thậm chí, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh còn cho rằng, doanh nghiệp khi đầu tư dự án phải có đủ lực tài chính, việc đi vay tới 80% vốn, sau đó để người dân phải gánh lãi cho dự án là “tay không bắt giặc”.
“Đầu tư dự án như Shark Liên thì anh xe ôm cũng làm được” – ông Ánh nhận định.
Nhận định “tay không bắt giặc” của ông Ánh làm tôi bất giác nhớ đến một diễn biến liên quan, là thương vụ mới đây Nước Sông Đuống bán 34% cổ phần cho tỷ phú Thái Lan - bà Jareeporn Jarukornsakul (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn WHA) - với giá hơn 2.000 tỷ đồng.
Dự án đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, chỉ bỏ ra khoảng 1.500 tỷ đồng ban đầu, rồi đi vay 3.998 tỷ đồng. Lãi vay thì tính vào giá bán nước. Dự án hoàn thành giai đoạn 1 liền bán 34% cổ phần, “chốt sale” bỏ túi 2.000 tỷ đồng. Quả là “tay không bắt giặc” khi cuối cùng vị Chủ tịch không bỏ ra đồng nào mà vẫn sở hữu dự án nước sạch lớn nhất cả nước, cung cấp 1/3 nước cho toàn Hà Nội(?!).
Lại nói về Shark Liên thì công chúng đã thuộc lòng những phát ngôn của vị “cá mập” nổi tiếng chương trình Shark tank khi bà lên truyền hình phát biểu rằng mình "kinh doanh không cần lợi nhuận, chỉ vì đam mê", hoặc "có lợi nhuận cũng đem làm từ thiện"...
Phải công nhận, Shark Liên là một nhà đầu tư rất giỏi giang, nhưng những gì bà nói về triết lý kinh doanh, rồi lại nói đến giá nước sông Đuống, ai tin thì tin, chứ tôi thì không.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả