Xuất thân từ một gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn, ngay từ nhỏ, tuổi thơ của cô Lê Thị Anh Đào, giáo viên dạy môn tiếng Anh, trường THCS Thị Trấn, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang phải sống trong cảnh “thiếu trước, hụt sau”. Sau khi tốt nghiệp đại học ở TP.HCM, cô Anh Đào trở về địa phương giảng dạy đến nay cũng được 21 năm.
Cô Anh Đào cho biết, trong quá trình công tác, cô nhận thấy địa phương còn quá nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nên nảy sinh ý tưởng mở “shop 0 đồng” với thông điệp “ai thừa đến cho, ai thiếu đến nhận”. Đây là năm thứ hai “shop 0 đồng” của cô Anh Đào mở cửa và nhận được sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân và cả một số cựu học sinh của nhà trường. Hơn nữa, các em học sinh cô đang giảng dạy cũng tranh thủ thời gian nghỉ hè đến phụ giúp.
Cô Lê Thị Anh Đào chia sẻ, năm đầu tiên “shop” mở ra chỉ phục vụ cho học sinh lớp mình. Mục đích là muốn cho các em biết cách chia sẻ, yêu thương lẫn nhau. Từ đó, cô vận động học sinh mang sách vở, quần áo cũ đến shop trao đổi, nhưng hầu như các em mang đến cho nhiều hơn nhận. Kể từ khi có “vốn”, cô Anh Đào bắt đầu liên hệ với trưởng các khu phố trên địa bàn thị trấn thông báo những hộ có hoàn cảnh khó khăn đến nhận. Sau đó, những hình ảnh hoạt động đầu tiên của “shop 0 đồng” được cô Anh Đào đăng tải lên mạng xã hội. Nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm nhận thấy việc làm ý nghĩa, thiết thực của cô nên cùng chung tay ủng hộ.
Cô Anh Đào cho biết thêm, rút kinh nghiệm từ “shop 0 đồng” năm ngoái, năm nay cô Anh Đào triển khai “shop 0 đồng” sớm hơn, thời gian kéo dài hơn để các học sinh nghèo có thêm cơ hội đến nhận đồ dùng học tập. Qua tổng kết năm thứ hai, “shop 0 đồng” đã phát được 471 suất quà (mỗi suất quà dao động từ 100.000 - 300.000 đồng). Các em học sinh đến nhận đều được chủ shop ghi lại tên, địa chỉ, lớp học. Ngoài ra, chủ shop còn công khai các hoạt động trao, nhận quà bằng hình ảnh lên mạng xã hội nên nhiều người tin tưởng, sẵn lòng chung tay chia sẻ yêu thương.
Cô Lê Thị Anh Đào sắp xếp sách vở cũ để hỗ trợ các em học sinh nghèo.
Chia sẻ về quãng thời gian hoạt động “shop 0 đồng”, cô Anh Đào cho hay: “Có lần, một em học sinh đến shop nhận cái cặp xong rồi nói: “Cô ơi, từ trước đến giờ, em chưa bao giờ nhận được chiếc cặp đẹp như thế này”; hay việc một em cựu học sinh trong tài khoản chỉ còn 450.000 đồng nhưng sẵn sàng trích ra 200.000 đồng ủng hộ shop,...khiến tôi rất cảm động. Đây cũng là nguồn động lực để chúng tôi tiếp tục duy trì shop”.
Trải qua 21 năm giảng dạy, cô Anh Đào không bao giờ quên kỷ niệm với cô học trò tên Nguyễn Thị Tường Vân. Thời điểm đó, Vân học rất giỏi mà hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, nên cô dành thời gian dạy thêm miễn phí, rồi cho cô bé ăn uống tại nhà của mình. Sau này, Vân ra trường thành đạt và cuộc sống tương đối ổn định nên có nhắn tin xin số tài khoản để quyên góp cho “shop 0 đồng”.
“Lúc đó, tôi mới nhắn tin cảm ơn cô bé này. Vân trả lời lại rằng: “Sao cô lại cảm ơn em. Em phải cảm ơn cô mới đúng lẽ. Nhờ có cô mà những học trò khó khăn như em mới có tương lai để phát triển, tự lo cho cuộc sống như ngày hôm nay". Tôi đọc được dòng tâm sự của Vân cảm thấy mình đã sống có ý nghĩa”, cô Anh Đào bộc bạch.
Ấn tượng và xúc động với việc làm của cô Anh Đào, ông Lê Trung Hồ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận đã gửi thư khen ngợi việc làm này. Nội dung thư có đoạn: “Tôi được biết thời gian qua, cô Lê Thị Anh Đào cùng với một số phụ huynh và các em học sinh đã có sáng kiến vận động, quyên góp và tổ chức thực hiện mô hình siêu thị 0 đồng để kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ các loại đồ dùng học tập, quần áo, giày dép,...giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn đạt nhiều kết quả tích cực và được nhiều người hưởng ứng. Hiệu quả của mô hình ngày càng nâng lên và có tác động tích cực trong thực hiện các phong trào nhân đạo từ thiện".
Ông Lê Trung Hồ viết tiếp: “Tôi rất ấn tượng và xúc động với cách làm của cô Đào, của phụ huynh và các em học sinh với khẩu hiệu “Ai thừa đến cho, ai thiếu đến nhận” để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn chuẩn bị cho năm học mới. Đây là việc làm thể hiện tinh thần tương thân tương ái, truyền thống “lá lành đùm lá rách” từ ngàn xưa của dân tộc ta”.
Việc làm của cô Anh Đào nhận được sự ủng hộ của nhiều học sinh tình nguyện tham gia.
“Việc làm đó đã truyền cảm hứng, có sức lan tỏa và nâng lên tinh thần, trách nhiệm của cộng đồng để chăm lo cho các em học sinh, các thế hệ mai sau trong xây dựng và phát triển huyện nhà. Tôi hoan nghênh và biểu dương, khen ngợi ý tưởng sáng tạo, thiết thực nêu trên; hy vọng việc làm này sẽ được nhân rộng và có sức lan tỏa trong thời gian tới với nhiều mô hình, cách làm hay, góp phần tích cực trong phát triển cộng đồng; đồng thời sẽ khơi dậy ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc chăm lo cho trẻ em...”, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận nêu trong thư khen.
Nói về cảm xúc khi được Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận Lê Trung Hồ tặng thư khen, cô Anh Đào bộc bạch: “Tôi thật sự rất xúc động vì việc làm của mình được các cấp lãnh đạo quan tâm, ghi nhận. Đây cũng chính là nguồn động lực để chúng tôi tiếp tục duy trì, làm tốt hơn nữa trong thời gian tới”.
Nói về những dự định sắp tới, cô Lê Thị Anh Đào chia sẻ: “Hè năm học tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở cửa hàng để phục vụ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi sẽ lấy kinh nghiệm từ 2 lần trước để chuẩn bị chu đáo hơn, kéo dài thời gian hỗ trợ hơn. Nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ mở thêm nhiều mặt hàng khác như: Giày, dép, quần áo đồng phục,...mới cho các em”.
Việt Tâm