img

Sinh viên vùng khó bị hạn chế học trực tuyến, trường đại học kêu gọi giúp đỡ

Cẩm Mịch

Ngày 17/4, bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị đào tạo trực tuyến của khối giáo dục đại học trước tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều trường đại học kêu gọi giúp đỡ khi sinh viên vùng khó không tiếp cận được Internet.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay có 45% cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện đào tạo trực tuyến, trong đó có 63 trường đại học công lập và 42 trường dân lập; 42% cơ sở giáo dục đại học chưa thực hiện đào tạo trực tuyến (gồm 82 trường, trong đó có 15 trường đại học ngoài công lập); khối An ninh Quốc phòng vẫn đào tạo tập trung là 13% (33 trường).

Sinh viên vùng khó gặp hạn chế

img

Tại hội nghị, lãnh đạo đại học Thái Nguyên cho biết, đầu năm 2020, nhà trường đã xây dựng trang website học trực tuyến để duy trì các môn học Ngoại ngữ, Tin học và các môn lý luận chính trị.

Theo đó, qua hơn hai tháng triển khai đã có 78.675 lượt người truy cập vào trang web hỗ trợ Tin học và Ngoại ngữ, trung bình mỗi ngày 1.200 lượt truy cập và tham khảo học tập.

Ngoài cổng thông tin đào tạo trực tuyến của đại học Thái Nguyên, từng trường thành viên đều có phần mềm chuyên dụng; sử dụng phần mềm miễn phí và mất phí tổ chức dạy học trực tuyến trên nền tảng của Google: Zoom, Edemy, Google Meet, TranS, hoặc nhóm Zalo, Facebook...

Hiện tại, có 10/11 đơn vị thành viên (trường/khoa trực thuộc) của đại học Thái Nguyên đã có 2.500 lớp học phần/khóa học/300 chương trình đào tạo. (Một số môn Thể dục, học phần thí nghiệm và một số học phần lý thuyết thực hành chưa được triển khai; khuyến khích các giảng viên triển khai thực hành thí nghiệm ảo…), trên 90% môn học các lớp học phần đào tạo trực tuyến.

Tuy nhiên, lãnh đạo đại học Thái Nguyên cũng cho rằng, điều kiện sống và sinh hoạt của sinh viên đại học Thái Nguyên có gần 70% là con em vùng đồng bào dân tộc và miền núi, vùng khó khăn, nên việc trang bị công cụ học hạn chế.

img

Kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến của một số giảng viên giai đoạn đầu còn lúng túng, thói quen học thông qua các phương tiện công nghệ của sinh viên còn hạn chế; Các môn học chủ yếu vẫn dựa trên nền tảng Zoom, các mạng xã hội Facebook, Zalo… để gửi tài liệu, giao và kiểm tra bài tập, do vậy tính chuyên nghiệp và bảo mật không cao. Vấn đề học phí và miễn giảm học phí đối cho sinh viên đang cần phải tính toán…

Bên cạnh đó, trường đại học Công nghệ Đồng Nai cũng chia sẻ những khó khăn riêng, mặc dù triển khai đào tạo trực tuyến từ lâu nhưng hiện nay nhà trường vẫn còn gặp khó khăn, hạn chế. Chẳng hạn, trường phải dành một phần kinh phí rất lớn cho việc đầu tư hạ tầng, kỹ thuật, hệ thống phần mềm và thường xuyên phải nâng cấp cũng như thay thế sau một số năm vận hành để đáp ứng yêu cầu đào tạo (chi phí giảm từ học truyền thống sang hình thức E-learning của một số học phần không bù đắp được cho chi phí này).

Bên cạnh đó, phần mềm Cisco Webex bản quyền phục vụ giảng dạy E-learning có giá khá cao cũng ảnh hưởng một phần công tác triển khai, vì vậy, trường kết hợp sử phần mềm có bản quyền với các hệ thống miễn phí để áp dụng như: Cisco Webex free, Google Meeting… Một số người học ở vùng sâu, vùng xa có kết nối Internet với tín hiệu yếu đặc biệt là trong mùa dịch.

img

Các đại biểu tại hội nghị, kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ các trường có nhiều sinh viên là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn để họ có điều kiện tham gia học tập trực tuyến.

Đẩy mạnh đồng bộ học và khảo thí

Một số trường đại học cũng có ý kiến kiến nghị, phải có hướng dẫn về tiêu chuẩn đào tạo trực tuyến và thực hiện khảo thí.

Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội, bộ GD&ĐT cần xây dựng quy chế, quy chuẩn dựa trên đảm bảo chất lượng, đứng về phía người học không nên đi quá sâu về kỹ thuật vì công nghệ thay đổi liên tục. Bộ GD&ĐT cần hợp tác với bộ Thông tin & Truyền thông để đi đầu về chuyển đổi công nghệ số. Đây được xem là cơ hội để các trường đại học có thể chia sẻ học liệu với nhau để phục vụ đào tạo một cách tốt nhất.

PGS.TS Đào Văn Đông, Hiệu trưởng trường đại học Công nghệ giao thông vận tải kiến nghị, bộ GD&ĐT cần có hệ thống các văn bản quản lý về đào tạo trực tuyến để giúp các trường thúc đẩy đào tạo trực tuyến mang tính đồng bộ như học và khảo thí. Đặc biệt, chiến lược quốc gia về giáo dục đào tạo thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.

img

Bên cạnh đó, lãnh đạo đại học Thái Nguyên cũng kiến nghị, bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn thống nhất cho các trường ban hành văn bản hướng dẫn về đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo truyền thống.

Theo đó, bộ GD&ĐT, bộ Thông tin & Truyền thông nên có sản phẩm hỗ trợ E-learning đơn giản nhất với các giải pháp, ứng dụng dành cho lĩnh vực giáo dục, cung cấp miễn phí giải pháp nền tảng học và thi trực tuyến E-learning. Đồng thời, có thể miễn phí data 3G/4G cho sinh viên. Đồng thời, đảm bảo cho hệ thống máy chủ độc lập được bảo mật cao.

Trường đại học Công nghệ Đồng Nai cũng kiến nghị bộ GD&ĐT cần có quy định về quy chuẩn cơ bản việc đào tạo theo hình E-learning là xu thế tất yếu của xã hội, quy định chuẩn tối thiểu về đào tạo E-learning như: cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, người dạy, người học, đề cương học phần… cũng như công nhận kết quả học trực tuyến của cấp phổ thông. Đồng thời, cần xem đào tạo trực tuyến, E-learning là xu hướng tất yếu không phải chỉ để giải quyết trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin và truyền thông cần có chính sách rõ ràng về hỗ trợ data di động cho người học, giảng viên và phụ huynh trong thời điểm diễn ra dịch bệnh.

Nhiều doanh nghiệp hỗ trợ nền tảng

Tại hội nghị, đại diện cục Công nghệ thông tin, bộ GD&ĐT cũng thông tin: “Bộ GD&ĐT đã nhận được đề nghị tài trợ miễn phí của 11 doanh nghiệp công nghệ thông tin có cung cấp giải pháp, dịch vụ liên quan đến đào tạo trực tuyến.

Trong dó, có 3 giải pháp tài trợ phần mềm dạy học trực tuyến đồng thời (Synchronous learning); 6 giải pháp tài trợ phần mềm dạy học trực tuyến đồng thời (Asynchronous learning); 3 doanh nghiệp tài trợ hạ tầng CNTT (máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền) và 4 nhà mạng tài trợ cước truy cập Internet di động.

Đó là đề nghị tài trợ đến từ các tập đoàn FPT, VNPT, Viettel, Mobifone và Vietnam moblie, Microsoft, Google, Amazon, tập đoàn CMC Corp, công ty cổ phần NETNAM...

Cũng trong hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy cũng thừa nhận, hiện nay nhiều cơ sở giáo dục đại học hạn chế về hạ tầng công nghệ như chưa có quy trình và kinh nghiệm về đào tạo trực tuyến; học liệu điện tử còn nghèo nàn, chưa được chuẩn hoá nên chưa kiểm soát chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá. Bên cạnh đó, các ngành đào tạo thực hành, chuyên sâu đặc thù khó triển khai thực hiện.

Về giảng viên, vẫn còn hạn chế về kỹ năng xây dựng bài giảng, học liệu, kỹ năng tổ chức lớp học trực tuyến… sinh viên thì hạn chế về trang thiết bị, hạ tầng mạng Internet (đặc biệt là sinh viên vùng khó khăn). Bên cạnh đó, thiếu kỹ năng để học trực tuyến (kỹ năng về sử dụng công nghệ); kỹ năng về phương pháp.

Đặc biệt, đã nảy sinh một số nguy cơ, rủi ro trong quá trình học tập trực tuyến như mất an toàn, an ninh thông tin; nguy cơ tiềm ẩn từ Internet và mạng xã hội (ví dụ: game, mất thời gian mạng xã hội; quảng cáo link đến các trang web đen...)

img

Quyền Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học cũng nhấn mạnh, hiện chưa có những cảnh báo, kỹ năng cần thiết cho sinh viên học tập trên môi trường mạng; chưa có giải pháp tránh quấy rối lớp học, mất thông tin cá nhân,… Bên cạnh đó, doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đầu tư về công nghệ đào tạo trực tuyến cho giáo dục đại học.

“Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành xây dựng các chính sách đồng bộ trong việc hỗ trợ các cơ sở đào tạo; đầu tư, phát triển hạ tầng công nghệ; đồng thời, xây dựng chiến lược, giải pháp khả thi theo đó có những mục tiêu, chỉ số phát triển cụ thể về chất lượng, số lượng hệ thống E-learning/tổng số cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi quy chế đào tạo các trình độ của giáo dục đại học đối với hình thức đào tạo chính quy, cho phép tỷ lệ % đào tạo trực tuyến… Đồng thời, ban hành quy chế bảo đảm chất lượng các chương trình thực hiện theo hình thức đào tạo trực tuyến”, bà Thủy khẳng định.

C.M

img