Cuộc sống hiện đại với áp lực công việc, gia đình và các mối quan hệ xã hội đang đẩy bệnh nguy hiểm đến sớm hơn với nhiều người. Và cũng có những hình thức hay nghề mới rất lạ xuất hiện như một cứu cánh cho những căn bệnh mang tính thời đại ấy.
Thông tin từ hội thảo Triển vọng y tế từ xa trong tim mạch mới được công bố cho thấy khoảng 25% dân số nước ta mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp. Điều đáng lo ngại, trong những năm gần đây, tim mạch, bệnh lý gây tử vong và tàn phế cao đang được trẻ hóa với rất nhiều đối tượng còn đang trong độ tuổi lao động, từ 25-40 tuổi.
Một trong những lý do khiến bệnh lý này phát triển nhanh trong thời hiện đại đó là tình trạng stress. Sự đổ vỡ hôn nhân, áp lực công việc, căng thẳng từ quan hệ đồng nghiệp, gia đình và nhiều những thách thức khó tránh nảy sinh từ lối sống công nghiệp gấp gáp, vội vã đã dẫn tới sự phổ biến của những căn bệnh tim mạch ít gặp trước đây như nhồi máu cơ tim hay vỡ tim.
Stress là kẻ tội đồ gây nên nhiều căn bệnh nguy hại cho sức khỏe bởi khi lo lắng, căng thẳng, cơ thể sản sinh ra một lượng lớn các hormone, các chất trong não, nội tiết để đương đầu với những vấn đề sức khoẻ này. Stress cũng có thể dẫn tới các thói quen có hại khác, bao gồm phản ứng thái quá, rượu bia và mất ngủ thậm chí tìm đến ăn uống không điều độ.
Tuy nhiên, với nhiều người, đặc biệt người trẻ ở nước ta, tình trạng stress chưa được quan tâm và xử lý đúng mức. Nhiều người mắc căn bệnh phổ biến này coi thường, thậm chí chỉ để triệu chứng bệnh tự qua đi hoặc giải quyết một cách tạm thời mang tính chữa cháy mà không có kế hoạch chỉn chu để ngăn ngừa bệnh.
Trong khi đó, ở nhiều nước, có rất nhiều hình thức được xây dựng để ngăn ngừa stress, từ các khóa học lý thuyết cho tới các câu lạc bộ thể chất hay sức khỏe tinh thần. Và một trong những trường hợp đặc biệt phải kể đến đó là người dạy khóc ở Nhật Bản.
Hidefumi Yoshida tự gọi mình là thầy dạy khóc - người khuyến khích mọi người thỉnh thoảng nên rơi nước mắt như một cách giảm căng thẳng và hướng tới một cuộc sống hạnh phúc hơn.
Theo Hidefumi Yoshida - người đã dành 8 năm cho việc giúp người khác khóc và giúp cho hơn 50.000 người rơi lệ - cho biết hàng ngày, hàng giờ, anh luôn tìm mọi cách tuyên truyền cho mọi người về lợi ích của việc khóc. Nhờ kỹ thuật giúp người khác khóc có tên “rui-katsa” - tạm dịch là “tìm kiếm nước mắt”, cựu giáo viên trung học này đã mang tới sự hạnh phúc cho nhiều người.
Anh thường xuyên tổ chức các hội thảo và bài giảng trên khắp nước Nhật. Anh chia sẻ với mọi người về lợi ích của việc rơi nước mắt dù chỉ 1 lần mỗi tuần, đồng thời giúp họ làm việc đó. Thầy giáo 45 tuổi giải thích rằng, khóc mang lại lợi ích to lớn cho sức khoẻ tinh thần của con người bằng cách kích hoạt hoạt động thần kinh – thứ làm chậm nhịp tim và có tác dụng xoa dịu tâm trí. Khi khóc càng khó khăn thì con người càng cảm thấy tốt hơn.
Tuy nhiên, nước mắt rơi ra sau những trải nghiệm cảm xúc ngắn ngủi như xem một bộ phim truyền hình hoặc một bộ phim lãng mạn, đọc một cuốn sách, nghe một bài hát là loại nước mắt tốt nhất. Khóc do đau buồn thì lại khác. Nó khiến con người đau khổ kéo dài và có thể gây ra những hệ quả tiêu cực, anh Hidefumi Yoshida cho biết.
Việc rao giảng về lợi ích của việc khóc từ anh Hidefumi Yoshida chỉ thực sự được quan tâm vào năm 2015 khi Nhật Bản giới thiệu chương trình kiểm tra bắt buộc mức độ căng thẳng cho các doanh nghiệp có trên 50 nhân viên. Kể từ đó, anh liên tiếp nhận được những lời đề nghị từ doanh nghiệp và các đơn vị khác mời tới thuyết trình và dạy cách thực hành “rui-katsu” giúp mọi người giải toả căng thẳng.
Vũ Thu Hương
* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin Pháp Luật.