Nét địa lý đặc trưng nổi bật của Thăng Long - Hà Nội đó là thành phố sông hồ. Người xưa vốn đã được hình tượng hóa đặc trưng này trong các câu ca dân gian quen thuộc“Nhĩ Hà quanh Bắc sang Đông/ Kim Ngưu Tô Lịch là sông bên này”, “Khen ai khéo họa dư đồ/ Trước sông Nhị thủy sau hồ Hoàn Gươm” và thể hiện ngay trong tên gọi – Hà Nội từ thời Minh Mạng (“nằm trong sông” với giới hạn phía đông là sông Hồng và phía Tây là sông Đáy).
Đất Hà Nội là đất bãi do phù sa sông Hồng bồi đắp mà nên. Nhưng sự bồi đắp qua ngàn vạn năm ấy đã diễn ra không đơn giản: có đời sống du đãng tự nhiên của những con sông ở đồng bằng - chúng đổi dòng, và có sự can thiệp của con người. Thục Phán đắp lũy thành Cổ Loa cũng là đắp đê phòng lụt.
Theo cổ sử Trung Hoa, hồi đầu Công nguyên, ở huyện Phong Khê (nay gồm cả đất huyện Đông Anh) đã có đê. Đê làm cho quá trình bồi tụ tự nhiên bị ngăn lại từng phần. Những lần đổi dòng của sông Hồng đã để lại nhiều hồ hình móng ngựa hay những dải đầm kế tiếp xen kẽ với những dải cát của dòng sông cũ.
Xem các bản đồ Hà Nội từ thời xa xưa cho đến giữa thế kỷ trước, lãnh thổ của nó là một vùng đầm lầy, nửa đất nửa nước. Quy hoạch Hà Nội cổ là tuân theo và thích ứng đến mức tối đa cái hình thể tự nhiên sông hồ đó.
Phần lãnh thổ chủ yếu của kinh thành xưa là phần đất bồi, được bao bọc bởi sông Hồng ở phía Bắc và phía Đông, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu ở phía Tây và phía Nam.
Lũy bọc ngoài là thành mà cũng là đê, đường giao thông (La Thành). Sông hồ Hà Nội vừa là nguồn nước dùng trong sinh hoạt, là hệ thống thủy lợi và giao thông truyền thống, và cũng là những yếu tố địa lý được dùng làm nguyên lý sơ khởi chỉ đạo việc quy tụ xóm làng, phố phường và thành lũy phòng vệ.
Sông Hồng, sông Tô là những trục chủ đạo; hồ Tây, hồ Gươm là những điểm trung tâm, để từ đó tỏa ra "phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ".
Khi bàn về vấn đề: Thăng Long – Đông Kinh – Hà Nội cổ là cái gì về mặt địa lý lịch sử?, trong cuốn Hà Nội như tôi hiểu (2005 - NXB Tôn giáo), GS. Trần Quốc Vượng – cây đại thụ của nền sử học Việt Nam đã mô tả như sau: Đó là một đô thị sông hồ. Hồ là mặt tĩnh, sông là mặt động của hệ nước đô thành. Cái tĩnh lặng của hồ đầm xưa vốn cũng là cái sống động của sông ngòi.
Mà khi hồ đầm bắt đầu hình thành lặng lờ thì người xưa – khôn khéo và giỏi thích nghi – người Hà Nội và các nhà lãnh đạo Hà Nội đã làm cho chúng vẫn sống động tương đối, do giữ lại hay khơi ra kênh rạch nối hồ đầm thành hệ thống, để tạo thành những đường thông thoát nước hay hệ thống thoát nước của đô thị nông nghiệp và thủy lợi xưa.
Và cũng chính cố GS. Trần Quốc Vượng đã cùng nhà nghiên cứu khác mô hình hóa, sơ đồ hóa vị thế - quy hoạch của Thăng Long - Hà Nội cổ. Theo đó, Thăng Long - Hà Nội được bao bọc bởi một “tứ giác nước”.
Tứ giác nước được hình thành bởi sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu. Mô hình sau đó được xem như một phát hiện địa - chính trị - văn hóa là: Các cửa ô Hà Nội đều là các cửa nước ở ngã ba sông. Sau này, phát hiện được các học giả Âu - Mỹ đánh giá cao.
Ngày nay, trải qua sự biến thiên của lịch sử, sông hồ vẫn đóng vai trò là một phần quan trọng trong cấu trúc đô thị của Hà Nội.
Hai con sông lớn nhất miền Bắc chảy qua Hà Nội là sông Hồng và sông Đáy, ngoài ra còn có sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đuống, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Kim Ngưu, sông Thiếp... phân bố đều khắp nội thành, ngoại thành. Mỗi dòng sông đều có đặc điểm riêng về chức năng, vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, trong không gian cảnh quan và cả trong truyền thuyết, tâm linh.
Dòng chảy của các con sông không chỉ đóng vai trò quan trọng trong giao thông, thủy lợi, đời sống kinh tế mà còn bồi đắp nên những tầng văn hóa đặc sắc. Dọc đôi bờ các con sông là trầm tích qua hàng nghìn năm của những câu chuyện lịch sử kỳ thú, các địa danh, lễ hội, đặc tính con người, âm nhạc, ẩm thực của cả một nền văn hóa.
Nhận diện được cấu trúc này, tổ tiên ta đã chọn nơi cư trú, chọn hoạt động kinh tế - văn hóa cũng như phòng vệ, đảm bảo an ninh dựa vào thế đất, thế sông vô cùng khéo léo.
Khi nước Âu Lạc ra đời, kinh đô được chuyển từ Bạch Hạc - Việt Trì về Cổ Loa (Đông Anh ngày nay). Đây là một minh chứng cho thấy các vua Hùng đã nhận biết rất rõ tiềm năng của sông nước bởi Cổ Loa là vùng đồng bằng nằm trong lưu vực sông Hồng, đầu mối của các hệ thống giao thông thủy lúc đó.
Cách đây hơn 1000 năm, vua Lý Công Uẩn dời đô từ Ninh Bình ra thành Đại La xây dựng kinh thành Thăng Long (Rồng bay) đã sớm nhận thấy địa thế “tựa núi, nhìn sông” của vùng đất này.
Trong Chiếu dời đô có viết đây là vùng đất có “thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện hình thế nhìn sông dựa núi. Vùng này mặt đất rộng mà bằng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh...”.
Truyền thuyết còn kể rằng hành trình của nhà vua là qua đường sông, khi đến thành Đại La thì “có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự nên đổi tên thành là Thăng Long". Đó cũng là sự kiện mở đầu kỷ nguyên mới của vùng đất này: "Thăng Long - Hà Nội”. Kể từ đó, trải qua nhiều thời kỳ, hoạt động của kinh thành, ranh giới quy mô kinh thành đều gắn bó với hệ thống sông, "nhất cận thị, nhị cận giang".
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, người có nhiều năm dày công nghiên cứu về văn hóa Hà Nội, cho rằng, những con sông, ngoài việc góp phần định danh cho Hà Nội còn đóng vai trò quyết định trong việc hình thành văn hóa - các vùng văn hóa cho Hà Nội.
“Chỉ có con người mới sinh ra văn hóa. Thói quen trong sinh hoạt, đời sống hàng ngày tạo ra phong tục, tập quán, trải qua sự lắng đọng của lịch sử mà tạo thành văn hóa. Nhưng thói quen, phong tục, tập quán và cao hơn là văn hóa của con người không tách rời khỏi môi trường sống. Nó được sinh ra như một hệ quả tất yếu của môi trường sống và ngược trở lại biến thành biểu trưng cho giá trị của vùng đất với các yếu tố tự nhiên, trong đó có sông, hồ. Người xưa có câu: “Tụ thủy là tụ nhân” là vì thế”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến nói.
Nhưng sông ở Hà Nội vẫn có điểm khác biệt. Ở nhiều nơi, sông chỉ có các chức năng cơ bản như cung cấp nước, thực phẩm cho đời sống, cho sản xuất nông nghiệp và là đường giao thông, nhưng sông bao quanh hay chảy trong lòng Hà Nội lại thêm các ý nghĩa khác.
Với vị thế trung tâm vùng đồng bằng Bắc Bộ, nằm bên con sông lớn khiến cho giao thông của Thăng Long - Hà Nội với các địa phương khác trở nên dễ dàng, thuận tiện. Khi đường bộ chưa phát triển, người ta chủ yếu đi bằng đường sông, chính vì vậy hình thành các làng nghề, chợ ven sông và dần hình thành những phong tục tập quán, không gian văn hoá gắn liền với sông nước.
Do đó, các dòng sông không chỉ lắng đọng phù sa, tạo thành miền đất trù phú “đất lành chim đậu”, mà còn khiến nơi đây trở thành vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi “ Lắng hồn núi sông”, thu hút nhân tài, anh kiệt, những tinh hoá văn hoá làng nghề từ khắp nơi, tạo nên những phố nghề, làng nghề nổi tiếng ở đất kinh kỳ kẻ chợ.
Dọc các dòng sông ở Hà Nội ngày nay, chúng ta đâu đó vẫn nhìn thấy cuộc sống của xã hội xưa với tất cả hệ sinh thái hai bên bờ gắn liền với cuộc sống của con người với những đình, đền, chùa, chợ, với cây đa, bến nước, con đò từng đi vào ca dao, tục ngữ, với rất nhiều lễ hội xem sông là nơi lấy nước làm lễ mộc dục, thần sông là đối tượng thờ cúng, những làng nghề truyền thống gắn bó với những bờ sông…
Phân tích kỹ hơn câu chuyện văn hóa của các dòng sông, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết thời xa xưa, khi chưa có đê, con người sống hòa thuận với thiên nhiên. Nhiều lần sóng to, nước lớn gây ngập hết đồng ruộng, người ta lập đền thờ cầu mong thủy thần không gây ngập lụt, sinh ra tín ngưỡng thờ thủy thần. Dọc sông Hồng có rất nhiều miếu thờ thủy thần và dấu tích đến nay vẫn còn.
Ngoài ra, còn những tích truyện mang màu sắc thần thoại sinh ra từ dòng sông Hồng như truyền thuyết Lý Ông Trọng chém con giải trên sông và đình thờ ông chính là đình Chèm nằm ở ven sông Hồng.
Hay truyền thuyết đền thờ Cẩu Nhi thờ con chó nhỏ mang trên mình chữ Vương khi bơi qua sông Hồng nhưng dòng sông cưu mang không dìm chết, sau này được Vua Lý Thái Tổ xây đền thờ tại hồ Trúc Bạch (nhánh của sông Hồng trước kia).
Dọc hai bên sông Hồng nhiều lễ hội lớn diễn ra, trong đó có lễ hội đền Bạch Mã với nghi lễ rước nước độc đáo từ sông Hồng về. Ngày nay, nhiều lễ hội ven sông Hồng vẫn gìn giữ nghi lễ rước nước từ sông Hồng như: Lễ hội đền Và, đình Chèm, đình Tứ Liên, đình Đức Thắng...
Hay như với sông Tô Lịch, đây là dòng sông mang lại sự trù phú cho các làng mạc ven kinh thành, nơi nó chảy qua. Nương theo dòng chảy Tô Lịch, 30 làng xã ven sông ra đời, rồi thịnh suy theo dòng nước. Nghĩa Đô, Yên Thái làm giấy dó, Định Công Thượng có nghề kim hoàn. Dân làng Lủ, làng Láng hay chèo thuyền ngược sông, mang chả cá, bánh kẹo, rau húng... vào trong kinh buôn bán. Đặc biệt hơn nữa, trong tín ngưỡng tâm linh của người dân đất Thăng Long, thần Tô Lịch là biểu trưng của bản sắc văn hóa, chấn hưng đất nước, phục hưng văn hóa Việt...
Có thể nói, lịch sử và văn hóa của vùng đất Thăng Long – Hà Nội gắn liền với hình sông, thế núi trong đó có dòng chảy của các con sông. Bởi vậy, thật là thiếu sót nếu muốn phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội mà lại không có sự quan tâm thích đáng đến phát huy giá trị của các dòng sông. Và trong nỗ lực xây dựng các sản phẩm văn hoá, du lịch với thương hiệu riêng có của Hà Nội có lẽ cần thiết phải có vai trò của các dòng sông.
Trong định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển công nghiệp văn hoá, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hoá.
Để thực hiện mục tiêu đó, Hà Nội cần khai thác những lợi thế, bản sắc đặc thù để tạo nên những sản phẩm, không gian văn hóa riêng có, có màu sắc và tính định danh cao. Và các dòng sông kể chuyện là một lợi thế đặc thù như vậy.
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhấn mạnh, hệ thống sông hồ là yếu tố đặc thù riêng có của Hà Nội, không chỉ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội mà còn là yếu tố tạo lập bản sắc địa hình, văn hóa, không gian kiến trúc, cảnh quan của vùng đất này.
Vì thế, hệ thống sông hồ Hà Nội cần không ngừng được nhận diện và phát huy giá trị, để Hà Nội luôn là thành phố "tụ thủy, tụ nhân", thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", phát triển bền vững.
Chuyên gia này cũng cho biết thêm, các dòng sông đóng vai trò kết nối Hà Nội với các địa phương khác trong vùng đồng bằng Bắc bộ. Do đó, việc phát huy giá trị của các dòng sông ở Hà Nội không chỉ có ý nghĩa với Thủ đô mà còn có tác động tích cực đến toàn vùng.
Trên thực tế, nhiều thành phố trên thế giới đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu, quảng bá văn hóa và khai thác kinh tế từ các dòng sông. Có thể kể tới sông Danube đoạn chảy qua thủ đô Budapest (Hungary), sông Chao Phraya chảy qua thủ đô Bangkok (Thái Lan), sông Seine chảy qua thủ đô Paris thơ mộng của Pháp, sông Thames chảy qua thủ đô London (Anh),…
Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, với những trầm tích dày đặc về văn hóa, lịch sử, các dòng sông ở Hà Nội hoàn toàn có thể kể câu chuyện văn hóa, phát triển du lịch với nhiều mô hình. Từ văn hóa ven sông đến văn hóa trên sông đều có thể trở thành những nguồn lực quan trọng để phát triển ngành “công nghiệp không khói" của Hà Nội.
Một điều có thể thấy là ở nhiều quốc gia khác, để tạo nét riêng thu hút, mỗi địa phương ngoài trang bị sự hiện đại cần thiết để phục vụ nhu cầu du khách thì họ còn giữ lại, phục hồi các giá trị truyền thống ngàn năm.
Nếu chỉ đến một địa phương với tính hiện đại thì có lẽ người ta sẽ không đến các nước phương Đông còn kém phát triển so với Âu, Mỹ. Với Hà Nội, bên cạnh sự năng động của một thành phố hiện đại thì hình ảnh của một đô thị có truyền thống ngàn năm văn hiến với lịch sử, văn hóa, giá trị nổi bật chính là lợi thế, đồng thời là mục tiêu trong quá trình phát triển đến tương lai.
Trong nền kinh tế dựa nhiều vào dịch vụ và khai thác các giá trị văn hóa ngày nay, việc đánh mất lịch sử cũng chính là đánh mất tiềm năng về du lịch, về sức hấp dẫn, về lợi thế thu hút cạnh tranh.
Đó là lý do tại sao, chúng ta luôn thấy tiếc nuối về việc không thể khai thác hết giá trị của các dòng sông như sông Hồng hay kể cả sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu hay sông Nhuệ, luôn mong muốn phục hồi và phát huy giá trị văn hoá của các dòng sông này.
Làm sao để những dòng sông của Hà Nội là những trạm dừng chân lịch sử, kể được câu chuyện dòng sông xưa cũng như tái hiện cả quá trình phát triển từ sơ khai đến hôm nay, khi Hà Nội trở thành điểm đến sáng ngời trên bản đồ du lịch.
Mời quý độc giả theo dõi tuyến bài Đánh thức các dòng sông thành động lực phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội trên tạp chí điện tử Người Đưa Tin
(Bài 1): Sự bồi đắp văn hóa từ các dòng sông