Liên quan đến câu chuyện sử dụng xe công vượt định mức, đặc biệt mới đây, theo thông tin từ Kiểm toán nhà nước, một số bộ, địa phương còn sử dụng xe công vượt định mức, tiêu chuẩn tới 250 chiếc, trong đó có những địa phương vượt nhiều như Thừa Thiên-Huế 125 xe, Tây Ninh 66 xe, Quảng Ninh 27 xe. Tình trạng sử dụng xe công vượt còn diễn ra tại một số địa phương sử dụng ô tô vượt tiêu chuẩn, định mức như: Vĩnh Phúc vượt 3 xe, Thanh Hóa vượt 12 xe, Phú Yên vượt 1 xe, Hà Tĩnh vượt 3 xe, Thái Bình vượt 1 xe, Quảng Ngãi vượt 5 xe, Hòa Bình vượt 2 xe. PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật đã lắng nghe ý kiến phân tích, đánh giá từ đại biểu quốc hội (ĐBQH) Thái Trường Giang (đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau).
Trước việc Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt tỉnh sử dụng xe công vượt định mức, ĐBQH Trường Giang nhấn mạnh: “Báo cáo của Kiểm toán nhà nước cho thấy xe công vượt định mức ở nhiều địa phương, điều này chứng tỏ cơ chế quản lý, kiểm soát còn lỏng lẻo. Theo tôi, phải truy trách nhiệm ở các địa phương, đơn vị để xảy ra việc này. Thậm chí, phải xử lý thu hồi, chấn chỉnh dứt điểm việc sử dụng xe vượt định mức”.
Theo ĐBQH Trường Giang, cơ chế giám sát, kiểm tra việc sử dụng tài sản công, trong đó có xe công đã có quy định. Tuy nhiên, vị đại biểu này cũng tỏ rõ suy nghĩ của mình: “Vấn đề như đã nói ở trên, việc thực thi còn lỏng lẻo, kỷ luật ngân sách, sử dụng tài sản công chưa nghiêm nên dẫn đến tình trạng sử dụng xe công vượt tiêu chuẩn, định mức ở nhiều địa phương”.
ĐBQH Thái Trường Giang cho rằng việc sử dụng xe công vượt định mức là do kiểm soát còn lỏng lẻo.
Trong đó, hình ảnh nhiều cán bộ sử dụng xe công trái quy định thời gian qua khiến người dân có ấn tượng xấu như: Sử dụng xe công vào việc riêng, hay xe công “trung thành” ở Thừa Thiên – Huế. Theo đại biểu Trường Giang, ngoài kiểm điểm, kỷ luật trách nhiệm nêu gương của cán bộ sử dụng xe công cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, chuẩn mực hơn. “Tất cả quy định, định mức, tiêu chuẩn đều có nêu trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị. Tôi đề nghị, cán bộ nào, địa phương nào sử dụng sai, làm sai thì phải xử lý nghiêm theo các quy định đã có”, đại biểu Trường Giang bày tỏ.
Là một người trăn trở trong vấn đề xe công từ các kỳ họp Quốc hội khoá XII, XIII, nguyên ĐBQH Lê Như Tiến đã đưa ra các giải pháp để bàn luận. Thế nhưng, dường như những ý kiến đó đến nay chưa được thực hiện một cách đồng bộ.
Nguyên ĐBQH Lê Như Tiến nhấn mạnh “sử dụng xe công không phải chỉ giải quyết khâu oai”.
Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, ông Tiến trăn trở: “Trên diễn đàn quốc hội khoá XII, XIII tôi cũng đã nói về tài sản công trong đó có xe công. Phải nói rằng, trong thời gian qua chúng ta quản lý việc sử dụng xe công vẫn lỏng lẻo, quản lý cả đối tượng sử dụng xe công cũng vậy”.
Theo ông Tiến, đối tượng sử dụng xe công đã có theo quy định lãnh đạo có hệ số trách nhiệm từ 1,25 đến 1,3 trở lên thì mới được sử dụng. Nhưng, đôi khi ở một số sở, cục, bộ, tổng cục cũng dùng xe công để đưa đón lãnh đạo là không đúng đối tượng.
“Chính phủ đã quy định chức danh từ Bí thư tỉnh, Chủ tịch tỉnh và ở Trung ương các cấp là Thứ trưởng trở lên. Nhưng, có những cấp không có chức danh như vậy mà vẫn dùng xe công đưa đón. Thêm nữa, lượng xe công vượt lên nhiều so với đối tượng được sử dụng. Đồng thời, mua xe công với giá thành vượt so với quy định. Điều này, gây thất thoát ngân sách nhà nước, lãng phí tiền của”, ông Tiến phân tích.
Nói về giải pháp trong sử dụng xe công, ông Tiến cho hay trước đó đã kiến nghị đó là khoán toàn bộ xe qua lương: “Như tất cả các nước tiên tiến trên thế giới đã nghiên cứu, không thấy nước nào dùng xe công để đi đón cán bộ, công chức tại nhà mà Châu Âu và các nước phương Tây chủ yếu đưa vào mức lương khoán xe. Vì thế, mới có câu chuyện lãnh đạo, nguyên thủ của các nước đi xe buýt, đi taxi, đi xe cá nhân”.
Trong khi ở Việt Nam phương tiện công cộng chưa đáp ứng được thì có thể khoán xe công vào lương để cán bộ, lãnh đạo tự giải quyết xe đi đến công sở như mọi công dân khác.
“Cũng có đề nghị nhiều người đi chung một xe, bởi có khi cùng một tuyến đường, cán bộ làm cùng cơ quan ngay sát nhà nhau lại có hai xe công đón hai người riêng. Điều này, dẫn đến quá lãng phí. Tôi cho rằng, việc sử dụng xe công không phải sử dụng khâu oai là đi xe gì, đi như thế nào, ai đưa đón, mà chính là cán bộ, lãnh đạo đó có hoàn thành trách nhiệm công việc, trọng trách của mình hay không”, ông Tiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Tiến cho biết thêm, trước đó đã có đề nghị đưa xe công vào một trung tâm dịch vụ sử dụng xe công (giống hình thức công ty-PV) để phục vụ theo kiểu dịch vụ công. Theo ông Tiến, không nên phân xe riêng cho từng cán bộ, trừ những nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Nhà nước.
“Để đỡ tốn kém, lên đến hàng chục ngàn tỷ một năm thì ai có nhu cầu đi đâu thì đăng ký với trung tâm, theo đúng tiêu chuẩn, chế độ. Việc khoán xe công vào lương cũng đã được thực hiện, một số cán bộ đã nhận khoán, nhưng sau một thời gian thực thi lại có bất cập, cán bộ nhận khoán trả lại khoán để dùng xe công vì tiền chi trả chưa phù hợp, thậm chí tiền khoán không đủ để đi taxi. Bài toán ở đây là khoán vào lương nhưng phải phù hợp thì mới có người nhận khoán. Tôi nghĩ rằng, điều này phải suy nghĩ kỹ, trở thành một chủ trương chung của toàn hệ thống chính trị, tránh đưa ra chủ trương khoán tốt đẹp như vừa nêu rồi lại “chết yểu””, ông Tiến nhấn mạnh.
Đánh giá việc khoán sử dụng xe công
Theo ĐBQH Thái Trường Giang, để giám sát sử dụng có hiệu quả, giải pháp ở đây đó là cần phải đánh giá, tổng kết việc khoán sử dụng xe công mà bộ Tài chính đã làm thí điểm thời gian qua xem tổ chức thực hiện như thế nào: “Từ đó, có những phân tích, đánh giá thêm về việc khoán sử dụng xe công có thực sự hiệu quả hay phải tính đến giải pháp khác”.
T.L