Việc nhóm tác giả “Chữ VN song song 4.0” có những tìm tòi riêng là quyền của họ. Tuy nhiên, nếu những tìm tòi, sáng tạo đó gây ra những phản ứng nào đó trong xã hội, dẫn đến những đánh giá trái chiều, có thể gây hoang mang, thì giới chuyên môn cần phải lên tiếng. Tôi cho rằng đã có những hiểu lầm, ngộ nhận liên quan “Chữ VN song song 4.0” của nhóm tác giả Kiều Trường Lâm, Trần Tử Bình.
Trước hết, tôi tin rằng, chúng ta luôn ủng hộ những tìm tòi, sáng tạo để có cái mới, ai cũng có quyền tìm tòi, sáng tạo. Việc nhóm tác giả “Chữ VN song song 4.0” có những tìm tòi, sáng tạo riêng là quyền của họ.
Tôi đã đọc các bài báo, trong đó nhóm tác giả lên tiếng, bảo vệ cho “Chữ VN song song 4.0”. Tôi có thể đồng ý nếu nhóm tác giả dừng lại, coi sản phẩm của mình như là đề xuất cho bộ gõ mới, thay cho kiểu gõ Telex hiện nay, được dùng phổ biến (được Unikey và Vietkey sử dụng).
Tuy nhiên, nếu như nhóm tác giả cho rằng đây là bộ chữ VN mới (phản ánh tiếng Việt) có thể dùng song song với chữ Quốc ngữ, thì tôi phản đối.
Tôi cho rằng nếu hiểu như thế thì các tác giả “Chữ VN song song 4.0” có ý muốn thay thế chữ Quốc ngữ hiện nay, mới đầu là dùng song song, có thể tiến đến thay thế. Đây là một điều không tưởng, vì thực chất như thế thì đề nghị này là một đề nghị cải cách chữ Quốc ngữ.
Trong một bài nghiên cứu, tôi và tác giả Lê Nam đã điểm lại lịch sử những đề nghị cải cách chữ Quốc ngữ hơn 100 năm qua, và khẳng định rằng tất cả đều thất bại, bởi từ đầu thế kỷ 20, việc cải cách chữ Quốc ngữ đã là vấn đề của thực tiễn, xã hội, chứ không còn là vấn đề kỹ thuật, vấn đề tranh cãi để chọn giải pháp phân xuất âm vị học tối ưu cho tiếng Việt.
Trong hội nghị cải cách chữ Quốc ngữ vào năm 1902, học giả học giả Léopold Cadière của Viện Viễn đông Bác cổ đã chỉ ra điều đó, và tuy là thiểu số nhưng ông đã thuyết phục được hội nghị dừng lại các đề xuất cải cách chữ Quốc ngữ.
Tôi cho rằng “chữ VN song song 4.0” mà nhóm tác giả đề nghị chỉ là bộ gõ cho chữ Quốc ngữ, với hy vọng thay thế cho bộ gõ Telex mà Unikey và Vietkey đang dùng, không thể nâng lên thành bộ chữ song song với chữ Quốc ngữ được, vì nếu thế thì nó là thứ không giống ai: Không phải là chữ ghi ý, cũng không phải là chữ ghi âm (với tiêu chí lí tưởng là một âm được ghi bằng một chữ và ngược lại, nói chung là chữ ghi âm luôn dựa trên cơ sở một giải pháp phân xuất âm vị học nào đó).
Trong một trao đổi giữa tôi và tác giả Trần Tử Bình, tôi cho rằng nếu chỉ dừng lại ở việc đề xuất một bộ gõ (thay cho kiểu gõ hiện nay, mà kiểu gõ hiện nay của Unikey hay Vietkey cũng là thay cho một số kiểu gõ trước đó, vốn được dùng vào khoảng 20 năm trước) thì không vấn đề gì, vì như vậy đúng là chữ Quốc ngữ được giữ nguyên, và việc cải tiến bộ gõ có thể được hoan nghênh.
Nhưng việc nhóm tác giả chữ VN 4.0 đưa ra các bản demo, một bên là chữ Quốc ngữ hiện nay, một bên là “Chữ VN song song 4.0” đã khiến mọi người nghĩ rằng chữ “VN song song 4.0” muốn thay thế và sẽ thay thế chữ Quốc ngữ hiện nay.
Điều đó gây ra những phản ứng thái quá. Nếu nhóm tác giả “Chữ VN song song 4.0” chỉ đăng ký bản quyền bộ gõ (cách gõ mới) mà không nêu demo so sánh, thì sẽ không có chuyện ồn ào trên báo và mạng xã hội như mấy ngày qua.
Tuy nhiên, anh Trần Tử Bình vẫn khẳng định rằng “Chữ VN song song 4.0” không phải là bộ gõ như Unikey hay Vietkey mà là bộ chữ tiếng Việt không dấu. Tôi cho rằng nếu hiểu như vậy thì tình hình sẽ rắc rối, vì như thế bộ chữ tiếng Việt không dấu này sẽ được dùng, sẽ hiển thị ở đâu?
Theo lô gic này, thì nhóm Unikey hay Vietkey hoàn toàn có thể trình ra một bộ chữ tiếng Việt không dấu khác, chẳng hạn "Trần Tử Bình" sẽ là "Traanf Twr Binhf", và như vậy chính là đề nghị cải cách chữ Quốc ngữ. Kiểu gõ Telex chỉ là cách gõ, nhóm tác giả Unikey và Vietkey không bao giờ trình bày các văn bản theo chữ Telex, vì thế họ được xã hội chấp nhận và sử dụng.
Nếu chỉ bàn về bộ gõ, tôi thừa nhận cách gõ của “Chữ VN song song 4.0” ít thao tác hơn, so với cách gõ telex, nhưng hơi xa so với diện mạo chữ Quốc ngữ hiện nay, cũng là hơi xa so với hệ thống âm vị học được phân xuất theo chữ Quốc ngữ. Như vậy cách gõ mới này có ưu điểm (ít thao tác hơn) nhưng cũng có nhược điểm (xa với hệ thống âm vị học vốn đã quen thuộc do gắn với chữ Quốc ngữ hiện nay).
Điều quan trọng là, có thể hoan nghênh cách gõ mới nhưng nếu các tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tử Bình muốn “Chữ VN song song 4.0” được dùng như một bộ chữ (hiển thị trên điện thoại, máy tính, trên internet) thì đã đi quá xa.