Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, TS.BS Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng viện Huyết học và Truyền máu Trung ương - cho biết đã có những câu chuyện đáng tiếc xảy ra khi người nhà bệnh nhân cố tình từ chối điều trị cho bệnh nhân ung thư máu.
Bác sĩ Khánh phân tích: “Việc điều trị ung thư bằng thực dưỡng rất khó và không có cơ sở khoa học. Bởi lẽ, nhiều người cứ đưa ra khái nhiệm ăn ít cơm hay chất dinh dưỡng sẽ giết chết tế bào ung thư, tế bào ung thư không phát triển. Thế nhưng, thực tế tế bào ung thư không phát triển từ chỗ người bệnh ăn vào mà tế bào ung thư lấy các chất từ máu cơ thể mang đến để sống. Mọi thứ đều qua chuyển hóa, nếu không ăn thì tế bào ung thư vẫn lấy các chất từ máu bên trong cơ thể, vậy không ăn gì làm sao có sức để chống chọi với nó”.
TS.BS Bạch Quốc Khánh cho rằng chữa ung thư bằng thực dưỡng không có cơ sở khoa học.
Trong khi đó, trao đổi với PV, GS.TS Lê Thị Hương - Giám đốc trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng (bệnh viện K) - cho biết, thời gian qua, có nhiều câu chuyện đáng tiếc được cảnh báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về những trường hợp tin vào thực dưỡng, tập thiền để điều trị ung thư.
Tuy nhiên, theo GS.TS Lê Thị Hương, trong cơ thể của bệnh nhân ung thư đương nhiên là cùng tồn tại song hành cả tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh, chúng đều tồn tại và phát triển bằng các nguồn thực phẩm mà chúng ta nạp vào cơ thể. Hiểu một cách đơn giản bất kỳ loại dưỡng chất, nguồn năng lượng nào nuôi sống chúng ta thì cũng nuôi sống tế bào ung thư. Việc kiêng khem các loại thực phẩm giàu đạm, protein... chỉ ăn thực dưỡng, ăn chay trường mà nghĩ rằng nó có thể giết chết tế bào ung thư và khỏi bệnh là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm và phản khoa học.
TS.BS Đỗ Huyền Nga - Phụ trách khoa Nội hệ tạo huyết (bệnh viện K) - cho biết: “Một căn bệnh phổ biến nhất trong các bệnh ung thư trẻ em, đó là ung thư máu, chiếm 1/3 tổng số trường hợp mắc ung thư hàng năm ở trẻ. Đây là một căn bệnh ác tính của tổ chức máu, gây nên hiện tượng rối loạn quá trình sinh sản và phát triển của dòng bạch cầu, lấn át dòng hồng cầu và tiểu cầu trong máu.
Bác sĩ Nga cho hay người bệnh và người nhà bệnh nhân không nên tin vào lời quảng cáo mù quáng.
Với sự phát triển của nền y học hiện nay, tỷ lệ sống trên 5 năm của người bệnh có thể lên tới 80%, so với trước đây chỉ đạt 50 - 60%. Rất nhiều bệnh nhân ung thư máu đã được điều trị ổn định, quay trở về cuộc sống sinh hoạt, học tập và làm việc, thậm chí là đã có gia đình riêng và sinh con.
“Là bác sĩ điều trị chuyên ngành ung thư, chúng tôi rất lấy làm tiếc trước những trường hợp từ chối điều trị theo phương pháp y học hiện đại, đặt niềm tin vào những lời quảng cáo, truyền tai nhau uống thuốc nam hay thực dưỡng. Chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền tại bệnh viện, tại khoa điều trị để tâm lý người bệnh luôn ổn định, đặt niềm tin vào thầy thuốc”, bác sĩ Nga bày tỏ.
Trong khi đó, đưa ra lời khuyên của mình, Viện trưởng viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, việc điều trị ung thư máu phải được dùng hoá chất, điều trị theo phác đồ. Bác sĩ Khánh đưa ra lời khuyên: “Tôi khuyến cáo các phụ huynh hay người dân không nên theo đuổi những phương pháp chữa bệnh không có cơ sở khoa học. Đối với người bệnh, nên ăn theo chế độ đủ chất dinh dưỡng để có sức đề kháng chống lại bệnh tật”.
Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh ung thư máu
TS.BS Đỗ Huyền Nga cho biết, ung thư máu ở trẻ em không có những biểu hiện điển hình, tuy nhiên có thể căn cứ vào một vài dấu hiệu dưới đây là một cách để nhận biết sớm được bệnh ung thư máu ở trẻ em như: Sốt kéo dài không rõ nguyên nhân; xuất hiện các vết bầm tím trên da hoặc bị chảy máu mũi; trẻ bị thiếu máu da xanh xao; sụt cân nhanh chóng không rõ nguyên nhân; trẻ bị khó thở; trẻ hay bị nhiễm trùng; hạch bạch huyết sưng to; đau nhức xương khớp.
Tâm lý của trẻ và gia đình
Điều quan trọng nhất điều trị ung thư theo TS.BS Đỗ Huyền Nga đó là tâm lý của trẻ và gia đình: “Phụ huynh cũng không nên quá hoang mang, lo lắng, hãy trao đổi và chia sẻ với bác sĩ để hiểu rõ hơn về tình hình sức khỏe và quá trình điều trị của con em mình. Đừng vì cả tin mà bỏ dở điều trị, đi theo những lời khuyên hay phương pháp thiếu cơ sở khoa học và không có đích đến. Bởi để chiến thắng ung thư, không có phương pháp nào ngoài y học hiện đại và chính tâm lý lạc quan của người bệnh”.
Chiến đấu ung thư là “ra chiến trận”
BS.TS chuyên khoa Ung thư Phạm Nguyên Quý (bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản) bày tỏ bản thân ông đã gặp nhiều trẻ em ở Nhật Bản và Việt Nam hoàn thành quy trình điều trị, trở lại đi học, sinh hoạt bình thường. “Tôi nhấn mạnh, hóa trị là “dùng độc trị độc”. Bác sĩ và bệnh nhân cần hiểu cách xử trí tác dụng phụ của thuốc cũng như ứng phó với những biến cố xảy ra trong quá trình chữa bệnh để hóa chất phát huy tác dụng diệt ung thư tốt nhất. Điều trị ung thư là “ra chiến trận” chiến đấu cùng với các bé, phải giúp các bé nhắm đúng mục tiêu, sử dụng vũ khí tối tân để diệt ung thư và chiếm lấy cơ hội chữa lành bệnh cao nhất”.
T.L