Trong vai một người mẹ có con bị ung thư máu, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật được nickname Nguyễn M. (đồng thời là chủ fanpage Thực dưỡng Minh T.) giới thiệu sơ bộ về phương pháp thực dưỡng.
Theo đó, Nguyễn M. gửi cho PV một tập tài liệu đã được đăng tải trên fanpage về thay đổi ăn uống khỏe mạnh theo thực dưỡng cho người mới bắt đầu. Ở bài viết này, Nguyễn M. hướng dẫn người dùng phương pháp thực dưỡng thay gạo xát trắng tinh bằng gạo lứt, giúp cung cấp đầy đủ vitamin, khoáng chất và dưỡng chất thực vật cho cơ thể. Thay bột nêm, bột ngọt bằng muối hầm, tamari, miso giúp gan, thận khỏe. Thay nước tương hóa chất với cả đống chất điều vị bằng tương tamari, tương tamari tỏi, tương miso, tương tekka giúp tim, gan, thận khỏe…. Theo quan sát của PV, tất cả những thứ mà Nguyễn M. nói thay thế đều là các sản phẩm mà người này trực tiếp cung cấp.
Chưa hết, điều khiến PV ngạc nhiên hơn chính là thực dưỡng chữa ung thư, Nguyễn M. chỉ ra cách ăn uống số 7 (dùng thải độc cơ thể, giảm cân, trị các bệnh thông thường, bệnh mãn tính và thậm chí là các bệnh ung thư K tuyến giáp). Kèm với đó là hướng dẫn cách dùng combo số 7: Bệnh nhẹ như đau dạ dày hoặc thải độc cơ thể, giảm cân thì chỉ cần ăn 30 - 49 ngày là ổn. Bệnh nặng như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, ung thư các loại (K tuyến giáp) thì ăn tối thiểu 3 tháng, sau đó dựa vào kết quả sức khỏe hiện tại sẽ điều chỉnh lại cách ăn hàng ngày.
Hướng dẫn chi tiết các bước nấu đồ thực dưỡng.
Tương tự, để trị ung thư máu cho trẻ em, Nguyễn M. không chỉ yêu cầu bé phải nhai gạo lứt sống, ăn cháo dưỡng sinh mà cả mẹ của bé cũng cần phải thực hiện theo cách ăn số 7 (thải độc cơ thể, chỉ ăn cơm gạo lứt, muối vừng).
Để điều trị ung thư máu cho trẻ, Nguyễn M. cho hay, chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 vết bầm tím đen trên cơ thể của trẻ là do máu độc, thì mẹ của bé đang cho con bú có thể ăn theo cách số 7 đến khi nào vết bầm trên người bé biến mất là bệnh cũng tự khắc tiêu tan.
Với phương thức này, trên mạng xã hội rất nhiều người đã bình luận như “chết đuối vớ được cọc”, cảm ơn Nguyễn M. rối rít vì chia sẻ bài thuốc quá hữu ích.
Để điều trị ung thư và các bệnh lý khác, người bệnh phải mua một gói các sản phẩm mà Nguyễn M. đưa ra với thành phần gồm rất nhiều loại như: Muối mè, gạo lứt trộn 4 loại, gạo lứt rang, mè, cốm gạo lứt, trà thất vị, bột súc ruột, trà củ sen, tương tamari tỏi, muối hầm, cà phê rang xay, mơ muối, tekka khô, gói canh dưỡng sinh, dầu mè, dầu mè đặc biệt, dầu gấc, bột sắn dây, muối hầm, trà bancha, trà củ ngưu bàng… với tổng tiền là 8.135.000 đồng và miễn phí vận chuyển toàn quốc.
Tiếp đó, Nguyễn M. hướng dẫn người bệnh nấu ăn thực dưỡng theo các buổi cụ thể: Sáng, trưa, chiều, tối. Quy trình nấu buổi sáng gồm các bước: Nấu canh dưỡng sinh (1 gói dùng được 1 - 2 ngày). Cho cả gói canh dưỡng sinh vào nồi gang, hay nồi đất hoặc nồi inox, cho 2 lít nước vào đun sôi lên, rồi hạ lửa nhỏ nhất, để liu riu trong 2 tiếng để cho canh ra hết chất.
Một gói thực dưỡng bao gồm rất nhiều thành phần, có giá hơn 8 triệu đồng.
Người này hướng dẫn nấu cơm,: “Vì sẽ ăn ít cơm nên chuẩn bị nồi đất nhỏ hay nồi gang nhỏ để nấu cơm vừa ăn cho người bệnh (nấu cách này sẽ tốt hơn nấu bằng nồi cơm điện). Nấu cơm thì nhớ cho dầu mè và muối hầm vô nấu cơm mới ngon. Nếu không thì nấu nhiều cơm rồi dùng cơm này nấu cháo”.
Tiếp đó, người bệnh cần nấu trà dưỡng sinh 4 loại: 1/2 thìa trà thất vị + 2 lát trà củ sen + 1 lát trà ngưu bàng chỉ bằng 1 ngón tay út + 5 - 10 lá trà bancha (tùy vào thích uống ngọt hay chát) + 1 lít nước. Cho vào ấm nấu 10 -15 phút hoặc hãm 30 phút tùy theo điều kiện (nếu dùng ấm đun trà: mỗi lần khát nước, đun sôi lại trà, việc này giúp trà không bị thiu so với dùng bình giữ nhiệt). Trà bắt buộc phải uống nóng.
Sau khi nấu trà dưỡng sinh, uống xong thì nhai dầu mè 5 - 10 phút, nhổ bỏ, súc miệng lại bằng nước muối ấm. Uống ngay sau khi súc miệng: 100ml trà dưỡng sinh 4 loại dầm với 1/6 trái chanh muối hoặc 1 trái mơ muối. Uống nóng. Rồi đến nấu cháo dưỡng sinh: (Nấu trước khi pha cà phê để khi thải độc đại tràng xong thì có cháo dưỡng sinh để ăn). Song song với đó pha cà phê để thải độc đại tràng: Pha cà phê xong, lấy 500ml nước cà phê nóng + 500ml nước lạnh cho vào túi súc ruột để thải độc đại tràng.
Đến bước tiếp theo ăn cháo dưỡng sinh: Sau khi thải độc đại tràng xong. Cho tương tamari 6 hoặc tương tamari tỏi + miso + tekka + 1 thìa cà phê dầu gấc + 3 giọt dầu mè đặc biệt vô ăn cùng cháo. Lượng cho vừa phải, đừng mặn quá. Dù cháo mềm, nhưng bệnh nhân vẫn phải nhai cháo chứ không được húp cháo. Ăn xong súc miệng sạch bằng trà dưỡng sinh.
Nếu như buổi sáng ăn nhiều thứ theo các bước Nguyễn M. nêu ở trên, thì buổi trưa ăn ít hơn, Nguyễn M. hướng dẫn ăn cơm gạo lứt với muối mè, vẫn bắt buộc phải nhai kỹ. Nhai miếng cơm nhỏ chừng 15 hạt cơm trong 5 phút mới được nuốt, không được vừa nhai vừa nuốt. Ăn xong súc miệng sạch bằng trà dưỡng sinh.
Buổi chiều ăn cháo như buổi sáng. Ăn cháo trước 5 giờ chiều. Ăn cháo xong mà vẫn thấy đói thì nhai cốm gạo lứt cùng với mè rang (tỷ lệ trộn: Số lượng mè rang bằng 10 – 15% so với cốm gạo lứt). Ăn xong cũng súc miệng bằng trà dưỡng sinh.
Gạo lứt được coi là “thuốc” chữa ung thư hiệu quả bằng phương pháp này.
Buổi tối đánh răng bằng bột dentie trị bệnh. Chỉ đánh răng 1 lần vào buổi tối trong ngày. Trước khi đi ngủ ăn tương sắn dây, lấy 1 thìa canh bột sắn dây, cho chút xíu nước vô hòa tan bột sắn, rồi chế trà dưỡng sinh vào đun cho chín. Sau cùng cho 1 thìa cà phê tương tamari vào. Ăn nóng và trùm kín chăn đi ngủ.
Nguyễn M. không quên lưu ý với người bệnh: “Điều này hết sức quan trọng, không được ăn bất cứ món nào khác ngoài combo này, nếu ăn sai thì sẽ bị tiêu chảy, có khi bệnh sẽ trở nặng hơn. Đối những bệnh ung thư thì cần nhớ điều này, không nghe lời từ mọi người xung quanh như là “ăn uống như vậy sẽ thiếu chất”, “ăn linh tinh là bệnh nặng hơn, có khi dẫn đến tử vong”. Nếu thải độc cà phê mà không thấy đói thì không cần phải ăn sáng, nhịn được bữa sáng càng tốt”.
Thực hư về việc điều trị bệnh này thế nào? Cách thức để dụ “con mồi” là những người bệnh tin, làm theo và mua sản phẩm do Nguyễn M. bán ra sao? Mời quý độc giả đón đọc kỳ 3.
Cần giữ tinh thần lạc quan
Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Thắm (SN 1972, ở phường Nam Cường, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai), 11 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư máu quái ác, cho biết, bên cạnh tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bệnh viện, chị cũng thường xuyên giữ cho tinh thần lạc quan: “Khi đối diện với án tử, tôi cũng như nhiều bệnh nhân ung thư khác rơi vào trạng thái buồn, tuyệt vọng. Nhưng, bằng sự động viên của người thân, sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y bác sĩ và tinh thần lạc quan đã giúp tôi có thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật. Chúng ta không nên tin và làm theo các phương pháp chưa được kiểm chứng”.
(Còn nữa)
T.L