Sự tò mò và tính tọc mạch

Chiếc camera trong nhà trẻ ở Hải Phòng cho thấy sự tò mò của trẻ con nhưng chiếc máy ảnh tại buổi ra mắt Đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh lại cho chúng ta nhìn thấu sự tọc mạch của người lớn.

img

Nhiều năm trước, Steven Spielberg từng trăn trở về câu hỏi: Khi chúng ta bị giám sát bởi những ống kính camera ở khắp mọi nơi, cuộc sống con người sẽ ảnh hưởng thế nào?

Trong tác phẩm điện ảnh “Eagle Eye” ra mắt năm 2008, vị đạo diễn kiêm nhà sản xuất lừng danh đã phần nào trả lời câu hỏi đó.

“Eagle Eye” mô tả một thế giới tương lai nơi con người thiết lập mạng lưới hàng vạn camera giám sát trên toàn cầu, theo dõi nhất cử nhất động của từng cá nhân. Con người bị giám sát từng giây, nghẹt thở trong sự bó buộc và phải chịu trách nhiệm cho từng hành động dù là nhỏ nhất.

Với sự giám sát cực đoan như vậy, mạng lưới Eagle Eye tất nhiên cũng mang đến nhiều rắc rối. Những con mắt theo dõi ở khắp nơi khiến cho một sự việc bị mổ xẻ, tọc mạch một cách không cần thiết và đôi khi bị suy diễn thành những hiện trạng không đúng sự thật.

Sự trăn trở trong bộ phim của Spielberg đã phần nào đi vào hiện thực chỉ sau hơn một thập kỷ.

Chiếc camera ở một trường mầm non Hải Phòng có lẽ là một trường hợp tiêu biểu.

Hình ảnh một đứa trẻ 4 tuổi "tò mò" cơ thể của bạn gái trong giờ nghỉ trưa được ghi lại. Hai cô giáo trong buổi trông trẻ hôm đó bị quy kết vào tội không có mặt kịp thời để ngăn chặn sự việc nhạy cảm xảy ra và bị đề nghị cho thôi việc.

Một đứa trẻ ngây thơ, tò mò về những khám phá cơ thể bạn gái xuất phát từ một ý thức chủ quan, bộc phát một cách bất thường là điều mà hai cô giáo gần như không thể nhìn thấy trước để ngăn chặn.

Trừng phạt hai cô giáo hay có đuổi việc hàng trăm cô giáo nữa thì thì sự tò mò của đứa trẻ kia vẫn không thể chấm dứt. Do đó, chúng ta dường như đang giải quyết vấn đề không đúng trọng tâm.

Sự phơi bày của đoạn video thực tế chỉ muốn nhắc nhở rằng: Đứa trẻ đang có những tò mò về giới tính – giáo viên và phụ huynh cần có những giải pháp định hướng phù hợp thay vì lắp ráp bằng chứng để sát phạt nhau.

Đó là cái nhìn chưa thấu tình đạt lý từ chiếc camera ở nhà trẻ Hải Phòng.

Còn ở một chiếc camera tọc mạch khác trong buổi lễ ra mắt Đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh cách đây vài ngày, người ta nhìn thấy sự nhỏ nhen của một bộ phận không nhỏ cư dân mạng.

Chiếc camera ngày hôm đó chỉ tập trung ghi laị hình ảnh những bãi phân ngựa rải rác trên đường diễu hành để buông ra những lời ì xèo, châm chọc đoàn kỵ binh.

Không ai nhìn vào mặt sáng, không ai quan tâm đến đoàn kỵ binh đóng vai trò gì, phục vụ cho mục đích thế nào, những chú ngựa có tố chất ra sao – rốt cuộc những chiếc camera chỉ soi vào thứ sản phẩm đến từ... mông ngựa.

Camera ngày nay là thứ công cụ có mặt ở khắp mọi nơi, với biến thể là chiếc điện thoại cá nhân trên tay, giúp bất kỳ ai cũng trở thành một “người giám sát” toàn xã hội.

Với quyền lực của “con mắt thứ ba”, chúng ta đôi khi vô tình hoặc thậm chí cố ý lạm dụng nó.

Có những trường hợp, “con mắt thứ ba” khiến kẻ xấu cúi đầu nhận tội, như gã ấu dâm Nguyễn Hữu Linh, nhưng đôi khi nó cũng phơi bày những tình huống mà người trong cuộc bị vạ lây hay đơn giản là nhìn sự việc qua lăng kính hằn học, phán xét, thiếu tính xây dựng.

Đôi mắt công nghệ giúp chúng ta có sự quan sát toàn cảnh nhưng chỉ có đôi mắt của con người mới có thể nhìn thấu bản chất sự việc. Vô tình và nhân văn, đó là sự khác biệt rõ ràng nhất giữa máy móc và con người.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img